BVR&MT – Ông Nguyễn Phú Hùng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, dự án hồ thủy lợi La Ngà 3 cần nghiên cứu kỹ đánh giá tác động môi trường của dự án.
Theo ông Hùng, dự án xây dựng hồ thủy lợi La Ngà 3 là dự án lớn, có tác động lớn tới vấn đề môi trường rừng và sẽ phủ một quỹ đất rất lớn nếu để tích nước. Do đó, báo cáo đánh giá tác động môi trường hết sức cần thiết để dự án thực sự mang lại hiệu quả.
Dưới góc độ chuyên gia, ông cho biết, dự án cần khảo sát, đánh giá kỹ danh mục các loại thực vật, động vật… nằm trong phạm vi dự án.
“Rừng Tánh Linh là khu vực cần được bảo tồn. Các thảm thực vật, động vật… nằm trong khu vực của dự án nếu như tích nước sẽ chịu sự tác động, biến đổi cả hệ sinh thái, do đó cần khảo sát, thống kê, phân loại… để có phương án phù hợp”.
Ông cũng cho biết, vấn đề hạn hán của Bình Thuận là thực trạng có từ lâu. Việc xây dựng dự án hồ thủy lợi La Ngà 3 nhằm chống hạn cho địa phương này cũng là một trong các phương án. Ngoài ra, có thể lựa chọn các loại cây trồng phù hợp với điều kiện khô hạn, thiếu nước để phù hợp với thực tế.
“Hiện nay, các mô hình canh tác nông nghiệp trên đất khô hạn trên thế giới vẫn đang triển khai. Ngoài ra, công nghệ tưới chậm để tiết kiệm nước cũng có thể giải quyết được thực trạng này, chứ không nhất thiết phải xây dựng hồ thủy lợi”, quyền Chủ tịch Hiệp hội Lâm nghiệp Việt Nam nói.
Ông Hùng phân tích, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn diễn ra phức tạp, diện tích rừng phòng hộ liên tục giảm qua các năm.
Công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng thiếu đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều dự án phát triển kinh tế như thủy điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch… chưa chú trọng đến bảo vệ phát triển rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, làm suy giảm chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.
Việc chuyển đổi rừng tự nhiên, rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, sản xuất nông nghiệp chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ranh giới ba loại rừng, ranh giới quản lý rừng của các chủ rừng vẫn chưa được xác định trên bản đồ và thực địa.
Ngày 12/1/2017, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 13 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng, trong đó giao nhiệm vụ cho các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.
Chỉ thị này cũng nêu, cần có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch… Rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên; dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su, sản xuất nông nghiệp.
Kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án; đồng thời xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt, cấp phép đầu tư.
“Dự án hồ thủy lợi La Ngà 3 sẽ chuyển đổi quy mô lớn diện tích đất rừng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng này cần xin ý kiến của Quốc hội trước khi thông qua”, ông Hùng cho hay.
Trước thực trạng khô hạn của địa phương, Bình Thuận cho biết dự án hồ thủy lợi La Ngà 3 có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước tưới tiêu cho những vùng khô hạn nặng.
Năm 2020, Bình Thuận phải cắt giảm gần 14.000 ha diện tích cây trồng (lúa, bắp) vụ Đông Xuân; 16.000 ha cây thanh long thiếu nước tưới; hơn 27.000 hộ dân tại 43 xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Một số địa phương người dân phải mua nước sinh hoạt với giá dao động từ 60.000 – 120.000 đồng/m³.
Theo tính toán, dự án hồ La Ngà 3 triển khai xây dựng sẽ có tổng diện tích dự kiến lòng hồ là hơn 2.349,3 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp nằm trong dự án 717 ha, diện tích các loại đất khác 1.632,3 ha.
Hồ La Ngà 3 với dung tích 435 triệu m3 nhằm cấp nước tưới cho 78.800 ha đất nông nghiệp của 2 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai; cấp 600.000 m3/ngày nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và dịch vụ cho Bình Thuận và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngoài ra, xây dựng hồ với dung tích phòng lũ 50 triệu m3 nhằm giảm lũ cho hạ lưu sông La Ngà. Do đó, việc triển khai xây dựng Dự án hồ thủy lợi La Ngà 3 trong giai đoạn 2021 – 2025 là nhiệm vụ hết sức cấp thiết để giải quyết việc thiếu nước của vùng phía nam tỉnh.
Bộ TN&MT rà soát việc chuyển đổi đất trồng lúa, đất rừng
Bộ TN&MT tháng 6/2021 vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát và báo cáo kết quả thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.
Yêu cầu này để thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhằm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ làm rõ quan điểm là chấp nhận hay không việc chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác để thực hiện dự án theo đề nghị của các địa phương.
Bộ TN&MT đề nghị các địa phương báo cáo tập trung vào nội dung kết quả thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích phi nông nghiệp; bao gồm diện tích đã thực hiện, diện tích chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất.
Các địa phương báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo các văn bản đã được Quốc hội cho phép; kết quả thực hiện chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng được Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 theo Nghị quyết của Chính phủ đã phê duyệt.
Trên cơ sở đó, các địa phương báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 15/7/2021 để Bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.