BVR&MT – Ngày 11/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tham dự cuộc họp tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho biết, đã chỉ đạo các quận, huyện tăng cường tuyên truyền về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và kiểm tra các quy định phòng, chống dịch; yêu cầu các quận, huyện có kế hoạch cho công tác xét nghiệm theo tinh thần xét nghiệm ở những nơi có nguy cơ cao theo nguyên tắc “rõ – nghiêm – chắc – hiệu quả”; chuẩn bị 50 nghìn giường thu dung, điều trị người mắc Covid-19; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho công tác chấm thi tốt nghiệp THPT…
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg nghiêm túc, nhanh chóng vào nền nếp, mặc dù không thể tránh khỏi một số hạn chế do đây là địa bàn có đông dân cư. Do vậy, cùng với việc tuyên truyền người dân chấp hành và xử phạt các trường hợp vi phạm, mục tiêu lớn nhất sau thời gian giãn cách xã hội, là xác lập được những quận, huyện hoặc phường, xã an toàn; đẩy lùi dần “giặc Covid-19” vào những khu nhỏ để thành phố cơ bản quay lại cuộc sống bình thường mới. Phó Thủ tướng đề nghị thành phố tập trung xét nghiệm đúng, trúng, có trọng tâm, trọng điểm theo các hướng chỉ điểm của hoạt động điều tra, phân tích dịch tễ; tập trung ưu tiên lực lượng xét nghiệm tại nhà cho những người thông báo có triệu chứng, người già yếu, có bệnh nền…; xét nghiệm sàng lọc ở những vùng, khu vực tương đối an toàn để thiết lập những vùng an toàn vững chắc. Cần đặc biệt quan tâm đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, người cơ nhỡ, có sự hỗ trợ thiết thực “đến tận tay, không để ai thiếu bữa”; tạo điều kiện hoạt động an toàn cho các điểm cung cấp suất ăn miễn phí cho người nghèo… Chỉ đạo xử lý dứt điểm những phản ánh bất cập liên quan công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, trong đó có xử lý rác thải y tế.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh khẩn trương đánh giá lại công tác theo dõi sức khỏe, điều trị F0 không có triệu chứng để có sự điều chỉnh phù hợp; tiếp tục triển khai cách ly F1 tại nhà an toàn. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh bàn bạc, thống nhất tập thể để chỉ đạo việc bảo đảm vật tư, thiết bị y tế cho tất cả bệnh viện trên địa bàn, không vì cơ chế tự chủ của các bệnh viện mà gây khó khăn liên quan các thủ tục mua sắm…
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Y tế, các bệnh viện phía bắc cử các đoàn chuyên gia vào hỗ trợ các tỉnh phía nam ứng phó dịch Covid-19. Ngày 11/7, đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai lên đường vào hỗ trợ Đồng Nai cấp cứu, điều trị các người bệnh Covid-19 nặng. Đoàn công tác gồm 15 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư thuộc các chuyên khoa: Hồi sức cấp cứu, chống độc, truyền nhiễm, hô hấp… Đây là những cán bộ đã có kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân Covid-19, đã tham gia hỗ trợ tại nhiều điểm nóng về dịch Covid-19 trước đó. Ngoài ra, đội hỗ trợ các địa phương chống dịch của Bệnh viện đại học Y Hà Nội cũng đã lên đường gồm các thầy thuốc từ các chuyên khoa: Cấp cứu, gây mê, hồi sức, chống nhiễm khuẩn sẽ tập trung hỗ trợ Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa trong điều trị người mắc Covid-19.
Chiều 11/7, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh Long tiếp nhận 98 cán bộ và sinh viên Trường đại học Y dược Cần Thơ đến tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đoàn gồm tám cán bộ và 90 sinh viên sẽ thực hiện công tác lấy mẫu xét nghiệm và truy vết ổ dịch. Dự kiến, mỗi ngày đoàn sẽ lấy từ 7.000 đến 8.000 mẫu xét nghiệm.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong vừa ký quyết định thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh, hoạt động 24/24 giờ với nhiệm vụ tham mưu giúp Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định các chủ trương, kế hoạch, biện pháp phòng, chống; dự báo tình huống, khả năng có thể xảy ra; tiếp nhận và xử lý các thông tin liên quan dịch Covid-19; chủ động đề xuất các chủ trương, kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc tuyên truyền, phát tán thông tin sai sự thật, đấu tranh làm thất bại âm mưu, ý đồ kêu gọi, kích động biểu tình, bạo loạn.
Chiều 11/7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp trực tuyến với các cơ sở y tế về dự kiến triển khai kế hoạch chiến dịch tiêm chủng đợt 5 vắc-xin phòng Covid-19. Trong tháng 7, tổng cộng sẽ có khoảng 1,1 triệu liều vắc-xin. Dự kiến hoạt động tiêm chủng sẽ được diễn ra trong thời gian từ 2 – 3 tuần.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều vừa ký Quyết định số 1109/QĐ-UBND áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trên địa bàn toàn huyện Phước Long. Thời gian giãn cách 21 ngày, từ 12 giờ ngày 11/7, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Được biết, trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư này, tính đến chiều 11/7, tỉnh Bạc Liêu đã ghi nhận 10 người dương tính với SARS-CoV-2.
Ngày 11/7, tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đề nghị ngành y tế Đắk Lắk tiếp tục nghiên cứu và nắm chắc các văn bản hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch Covid-19; chủ động công tác phòng, chống theo phương châm “bốn tại chỗ”; các cơ sở y tế bảo đảm công tác khám sàng lọc bệnh nhân; củng cố và nâng cao năng lực giám sát, truy vết…
Ngày 11/7, tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị tỉnh khẩn trương hoàn thiện các phương án phòng, chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ. Tỉnh Đồng Tháp cần sớm thành lập trung tâm hồi sức cấp cứu tập trung quy mô 50 giường tại Bệnh viện đa khoa Sa Đéc phục vụ cho trường hợp bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng. Bộ Y tế sẽ điều động khẩn cấp lực lượng y sĩ, bác sĩ từ Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ và Bệnh viện đa khoa T.Ư Huế, chi viện cho Đồng Tháp hỗ trợ công tác điều trị.
Để bảo đảm chuỗi sản xuất tại các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng do dịch bệnh, UBND tỉnh Long An đề nghị các doanh nghiệp trên toàn tỉnh tạm dừng hoạt động từ 0 giờ, ngày 12/7 để thực hiện nghiêm việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Đối với các công ty, doanh nghiệp đã ghi nhận các trường hợp F0, F1 thì tạm ngưng hoạt động ngay để tập trung thực hiện công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly và khắc phục những hạn chế theo quy định. Đối với các công ty, doanh nghiệp còn lại sẽ tạm ngưng để rà soát, xây dựng phương án theo phương châm “ba tại chỗ” là: sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ. Doanh nghiệp nào xây dựng xong phương án, báo cáo các đơn vị có thẩm quyền thẩm định đạt thì cho hoạt động trở lại, không đạt thì tạm ngưng hoạt động cho đến khi xây dựng được phương án hoặc cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Chiều 11/7, UBND TP Cần Thơ có quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với quận Ninh Kiều và Cái Răng trong 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 12/7, theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố… Các quận, huyện khác của TP Cần Thơ cách ly xã hội theo Chỉ thị 15. UBND TP Cần Thơ yêu cầu người dân hai quận Ninh Kiều, Cái Răng chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 11/7, Việt Nam ghi nhận thêm 1.953 ca mắc Covid-19, trong đó có tám ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 1.945 ca ghi nhận trong nước. Trong số ca mắc trong nước có 1.361 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa, số còn lại đang điều tra dịch tễ. TP Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu cả nước với 1.397 ca mắc trong ngày. Cũng trong ngày có 71 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh; đồng thời có bảy bệnh nhân mắc Covid-19 chết.
Ngày 11/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, tính đến sáng cùng ngày, trên địa bàn TP có 6.365 trường hợp từ TP Hồ Chí Minh về Hà Nội được thống kê tại 30 quận, huyện, thị xã. Hiện đã có 5.601 trường hợp được lấy mẫu và gửi CDC Hà Nội xét nghiệm. Trong ngày 11/7, ghi nhận thêm 11 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 10 ca có tiền sử dịch tễ từ TP Hồ Chí Minh và một ca từ Đà Nẵng về Hà Nội.