BVR&MT – Năm 2021, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã lựa chọn Chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới là Ecosystem Restoration (tạm dịch: Phục hồi Hệ sinh thái). Ngày Môi trường Thế giới năm 2021 sẽ chứng kiến sự khởi động của Thập kỷ Liên hợp quốc về Phục hồi Hệ sinh thái.
Lời tòa soạn: Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc là một lời kêu gọi tập hợp nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Nó nhằm mục đích ngăn chặn sự suy thoái của các hệ sinh thái và khôi phục chúng để đạt được các mục tiêu toàn cầu. Chỉ với các hệ sinh thái lành mạnh, chúng ta mới có thể nâng cao sinh kế của người dân, chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự sụp đổ của đa dạng sinh học. Tất cả các loại hệ sinh thái có thể được phục hồi, bao gồm rừng, đất nông nghiệp, thành phố, đất ngập nước và đại dương. Các sáng kiến phục hồi có thể được đưa ra bởi hầu hết mọi người, từ các chính phủ và các cơ quan phát triển đến các doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân. Nhằm hưởng ứng thiết thực Ngày Môi trường thế giới 5/6/2021, Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường xin trân trọng giới thiệu đến độc giả Chuyên đề về bước chuyển mình trong “Phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái” tại Việt Nam thời gian qua.
Bài 1: Việt Nam và cách thức phục hồi các hệ sinh thái |
“Phục hồi hệ sinh thái”, đó là một cụm từ được các nhà khoa học, nhà quản lý và các nhà hoạt động môi trường nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Năm nay, Ngày Môi trường Thế giới 5/6, đánh dấu sự khởi động chính thức của Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc , một nỗ lực kéo dài 10 năm để ngăn chặn và đảo ngược sự suy giảm của thế giới tự nhiên.
Bài liên quan:
Bài 2: Muốn bà con tin, mình phải làm trước
Bài 3: Phát động thập kỷ phục hồi hệ sinh thái
Bài 4: Muốn có một cuộc sống xanh phải có một hệ sinh thái khỏe
Tại Việt Nam, liên quan đến cách thức phục hồi các hệ sinh thái, những năm qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững; áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý tổng hợp đới bờ, lưu vực sông, quản lý rừng bền vững, chú trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng. Sau đây là 08 loại hệ sinh thái chính tại Việt Nam và cách thức để hồi sinh chúng:
1. Rừng
Các hệ sinh thái rừng đang phải chịu áp lực nặng nề từ tình trạng gia tăng dân số và nhu cầu cần thêm đất đai và các nguồn tài nguyên. Tính trên toàn cầu, con người chúng ta đang xóa sổ khoảng 7 triệu hecta rừng nhiệt đới mỗi năm – một diện tích lớn tương đương với ireland hay sierra leone – thường là để lấy đất sản xuất các loại hàng hóa nông nghiệp như dầu cọ và thịt bò. Phần nhiều trong số những khu rừng còn lại rơi vào tình trạng suy thoái vì hoạt động khai thác gỗ, đốn gỗ làm củi, gây ô nhiễm và sâu bệnh xâm lấn. Ngay cả cây cối bên ngoài rừng cũng đang dần biến mất để nhường chỗ cho việc xây dựng nhà cửa, đường sá, đê đập và thâm canh nông nghiệp. Các đám cháy rừng, ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu, có thể phá hủy hoàn toàn các hệ sinh thái rừng.
Hoạt động khôi phục các hệ sinh thái rừng bao gồm việc trồng lại cây tại khu vực đất rừng cũ và cải thiện tình trạng của các khu rừng bị suy thoái. Cùng với việc trồng các loài cây bản địa, hoạt động này còn bao gồm việc bảo tồn các loài động thực vật hoang dã cũng như bảo vệ đất và các nguồn nước thuộc hệ sinh thái rừng. Diện tích đất từng bị san bằng để làm trang trại nay bị bỏ hoang chính là khu vực lý tưởng để phục hồi rừng. Trong những khu rừng còn lại hiện nay, chúng ta có thể trồng các loài cây bản địa để giúp tái tạo lớp bìa rừng. Trong một số trường hợp, cây rừng sẽ tự mọc lại một cách tự nhiên. Công tác phục hồi rừng còn bao gồm việc nuôi dưỡng các mảng rừng và vùng rừng tại những khu vực có các trang trại và làng mạc sầm uất.
Đối với Việt Nam, theo số liệu thống kê năm 2019, đất lâm nghiệp có khoảng 15 triệu ha, chiếm 45,5% tổng diện tích nước ta, trong đó rừng sản xuất là 7,5 triệu ha, rừng phòng hộ 5,2 triệu ha, rừng đặc dụng 2,2 triệu ha; rừng tự nhiên có diện tích 1.0292,4 nghìn ha, rừng trồng là 4316,8 nghìn ha; Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, tỷ lệ che phủ rừng nước ta năm 2020 ước đạt 42% (bình quân thế giới chỉ 31%). Mặc dù tỷ lệ che phủ rừng nước ta có tăng lên, nhưng chất lượng rừng tự nhiên vẫn chưa cao, rừng phòng hộ chưa phát huy đầy đủ chức năng, tỷ lệ cây xanh/người dân đô thị và nhiều khu vực nông thôn vẫn còn thấp, tại các đô thị lớn của Việt Nam tỷ lệ cây xanh/người ở mức từ 2 – 3 m2/người, bằng 1/5 đến 1/10 so với thế giới (tỷ lệ này tại các thành phố hiện đại trên thế giới phổ biến từ 20 – 25 m2/người).
Phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, ngày 01/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Theo Đề án, mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Ước tính 4 tháng đầu năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước đạt 62 nghìn ha, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 35 triệu cây, tăng 2,8%.
2. Đại dương và vùng ven biển
Trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta – là một hành tinh biển xanh với hơn 70% diện tích bề mặt là biển và các đại dương. Biển và đại dương nuôi sống chúng ta, điều hòa khí hậu và tạo ra phần lớn lượng oxy mà chúng ta hít thở. Chúng tạo nền tảng cho các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như du lịch và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, chúng góp phần nuôi dưỡng sự đa dạng sinh học từ loài cá voi đến các sinh vật phù du trong nhiều môi trường sống từ các rạn san hô tại những vùng nước nhận nhiều ánh sáng mặt trời đến các đại dương ở vùng địa cực.
Dù có vai trò quan trọng như vậy, nhưng các đại dương và những vùng ven biển lại đang phải đối mặt với những mối đe dọa chưa từng có trước đây. Hàng triệu tấn rác thải nhựa đang đổ ra biển và các đại dương trên toàn thế giới và gây hại cho các loài sinh vật bao gồm chim biển, rùa và cua. Hiện tượng biến đổi khí hậu đang phá hủy các rạn san hô và những hệ sinh thái quan trọng khác. Rừng ngập mặn bị khai thác quá mức và thậm chí là bị phá bỏ để xây dựng trang trại nuôi thủy sản và phục vụ các hoạt động khác. Hoạt động đánh bắt quá mức đang đe dọa đến sự ổn định của nguồn cá, tình trạng ô nhiễm dinh dưỡng góp phần tạo ra các vùng biển chết và gần 80% lượng nước thải trên thế giới bị xả thẳng ra môi trường khi chưa qua xử lý.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp quyết liệt, nhằm bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học biển. Đến năm 2018, cả nước đã có 10 khu bảo tồn biển được thành lập và đi vào hoạt động, góp phần thiết thực bảo vệ các hệ sinh thái biển đặc thù, các loài sinh vật biển quý, hiếm, phát triển kinh tế biển gắn với đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh trong vùng biển đặc quyền kinh tế, phối hợp giải quyết tốt các vấn đề môi trường xuyên biên giới trong khu vực Biển Đông…
Tuy nhiên, hệ sinh thái biển vẫn chưa được đánh giá và quan tâm đúng mức. Không chỉ vậy, các chính sách phát triển bao gồm cơ cấu ngành nghề, phương thức khai thác và tổ chức quy hoạch quản lý vùng ven biển, vùng biển… cũng thiếu khoa học và chưa hợp lý – điều này tác động không nhỏ tới hệ sinh thái biển nói chung và tài nguyên sinh vật biển nói riêng, hệ quả làm cạn kiệt các hệ sinh thái, các nguồn lợi ven bờ do mất nơi cư trú, khai thác quá mức, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng.
Theo các nhà khoa học, muốn bảo tồn hệ sinh thái biển, trước tiên cần chú ý tới cơ chế, chính sách bảo vệ nguồn lợi biển cũng như chức năng hệ sinh thái biển. Bên cạnh đó, cần quan tâm đặc biệt tới vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế vùng biển với những nội dung quan trọng như: Suy thoái môi trường do khai thác rừng không hợp lý; suy thoái môi trường do khai thác tài nguyên ven bờ; ô nhiễm, suy thoái môi trường do công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; ô nhiễm môi trường do chất thải sinh hoạt; ô nhiễm môi trường do hoạt động giao thông vận tải, du lịch; ô nhiễm, suy thoái môi trường do sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân bón; ô nhiễm, suy thoái môi trường do khai thác, chế biến khoáng sản.
3. Hoang mạc
Hoang mạc là hệ sinh thái thường nằm trong vùng chuyển tiếp giữa sa mạc và rừng, vì vậy, chúng rất khô cằn và phụ thuộc vào lượng mưa theo mùa. Đây là những hệ sinh thái có tầng ưu thế sinh thái là cỏ, nguồn – là nguồn thức ăn của các loài gia súc được chăn thả và động vật hoang dã, với từng lớp cây cỏ và cây bụi xen kẽ cách đều nhau.
Các tác nhân chính gây ra tình trạng suy thoái hoang mạc gồm: 1) chuyển đổi đất từ vùng hoang dã sang đất nông nghiệp đối với các loại cây trồng như bông, lạc và ca cao; 2) mở rộng đô thị; 3) khai mỏ và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác; 4) loại bỏ người chăn nuôi gia súc khỏi các kế hoạch quản lý tích hợp. Hoạt động phát quang cây cối và đưa vào trồng các loài thực vật ngoại lai cũng là những tác nhân gây ra tình trạng này. Một mối đe dọa lớn khác đến từ các hoạt động biến đổi đất, chẳng hạn như chăn thả gia súc quá mức, vì chúng sẽ phá hủy thảm thực vật sống phụ thuộc trên đất và gây ra tình trạng xói mòn, cũng như hoạt động chuyển đổi sang đất nông nghiệp. Quá trình phá hủy và suy thoái của các hệ sinh thái như vậy có thể diễn ra rất nhanh; tuy nhiên, để hồi phục và khôi phục chúng sẽ cần một khoảng thời gian rất dài.
Phát biểu tại Hội thảo: “Phát triển lâm nghiệp bền vững – Giải pháp chống sa mạc hóa và suy thoái đất ở Việt Nam”, PGS.TS Phạm Văn Điển – Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, sa mạc hóa và suy thoái đất là vấn đề có quy mô toàn cầu, có ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến phát triển bền vững, an toàn sinh thái, an ninh xã hội và an ninh lương thực. Số liệu thống kê cho thấy, năm 1990 có 110 nước bị ảnh hưởng bởi vấn đề sa mạc hóa và suy thoái đất với 900 triệu dân số và 25% diện tích đất đai bị suy thoái. Đến năm 2017, sa mạc hóa và suy thoái đất đã ảnh hưởng tới 163 quốc gia với 1,3 tỷ người dân và 27% diện tích đất đai bị suy thoái. “Hiện nay, mỗi năm các quốc gia trên thế giới bị “bốc hơi” khoảng 450 tỷ USD do sa mạc hóa. Nếu thiếu các giải pháp ở quy mô toàn cầu và quốc gia, đến năm 2050 sẽ bị thiệt hại 23 nghìn tỷ USD. Nếu cả thế giới cũng nỗ lực, con số này có thể giảm xuống còn 4600 tỷ USD” – PGS.TS Phạm Văn Điển chia sẻ tại Hội thảo.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Việt Nam mặc dù nằm trong vùng có điều kiện nhiệt đới nắng ẩm mưa nhiều nhưng vẫn có nguy cơ bị sa mạc hóa và suy thoái đất. Đến năm 2016, có 1.307.000 ha đất chiếm 4% diện tích, diện tích đất có dấu hiệu suy thoái là 2.398.200 ha chiếm 7.3% diện tích tự nhiên và diện tích đất có nguy cơ suy thoái là 6.695.000 ha chiếm 20,3% diện tích. Nguyên nhân sa mạc hóa có nhiều, nhưng chủ yếu do con người tác động tiêu cực lên đất đai làm thay đổi trạng thái sinh, lý hóa của đất. Và để từng bước ngăn chặn tình trạng suy thoái đất, cần tiến hành nhiều giải pháp từ giải pháp thủy lợi đến giải pháp canh tác tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước và bảo vệ bề mặt của đất. Bên cạnh đó, việc phát triển nông nghiệp bền vững là giải pháp căn bản để chống suy thoái đất và sa mạc hóa tại Việt Nam.
4. Đất than bùn
Phân bổ tại hơn 180 quốc gia bao gồm cả Việt Nam, đất than bùn là hệ sinh thái siêu mạnh mẽ với vai trò vô cùng quan trọng. Mặc dù chúng chỉ chiếm 3% diện tích đất liền trên thế giới, nhưng chúng dự trữ gần 30% lượng carbon trong đất. Chúng có các chức năng quan trọng như kiểm soát nguồn nước, ngăn chặn lũ lụt và hạn hán và cung cấp thực phẩm và nhiên liệu cho nhiều người. Đây cũng là nơi sinh trưởng của những loài thực vật và động vật quý hiếm chỉ có thể sống sót trong những môi trường sũng nước độc nhất này.
Dù có vai trò quan trọng như vậy, nhưng các vùng đất than bùn trên khắp thế giới đang bị khai thác kiệt quệ và chuyển đổi thành đất nông nghiệp, phục vụ hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác mỏ và thăm dò dầu khí. Các vùng đất bùn cũng đang bị thoái hóa do hỏa hoạn, hoạt động chăn thả gia súc quá mức và khai thác đất than bùn làm nhiên liệu và lấy đất trồng cây. Mặc dù chỉ chiếm 0,4% diện tích đất liền trên toàn cầu, nhưng các vùng đất than bùn bị vắt kiệt đang tạo ra hơn 5% lượng khí thải carbon trên thế giới, và tỷ lệ này còn cao hơn nữa khi chúng bị đốt cháy.
Để có thể đạt được mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu dưới 2˚c, đòi hỏi chúng ta phải có hành động cấp bách để lưu trữ lượng carbon trong đất than bùn ẩm, nằm trong lòng đất. Đồng thời, chúng ta phải tái cấp ẩm và khôi phục nhiều vùng đất than bùn đã bị vắt kiệt và thoái hóa để ngăn chặn lượng khí thải nhà kính và bảo vệ các nguồn lợi khác mà chúng mang lại. Hoạt động bảo vệ và khôi phục vùng đất than bùn có thể là một giải pháp bảo vệ thiên nhiên có chi phí thấp, sử dụng ít công nghệ nhưng lại tác động lớn đến cả hành động bảo vệ hậu và sự đa dạng sinh học.
5. Vùng núi
Khu vực vùng núi chiếm khoảng một phần tư diện tích đất liền trên trái đất, nơi có hầu hết các điểm nóng đa dạng sinh học và ước tính cung cấp nguồn nước ngọt cho một nửa nhân loại. Hiện diện trên khắp mọi lục địa, khu vực vùng núi có vô số hệ sinh thái với rất nhiều loài sinh vật độc đáo như báo tuyết và khỉ đột núi. Đây cũng là mái nhà chung cho sự đa dạng văn hóa giữa các dân tộc có thể thích nghi để sinh sống tại những khu vực núi cao. Truyền thống độc đáo của các dân tộc miền núi và cảnh quan tráng lệ nơi đây đã thu hút lượng khách du lịch ngày càng tăng.
Tại Việt Nam, vùng núi chiếm tới 3/4 diện tích lãnh thổ nhưng chủ yếu là đồi núi thấp. Địa hình thấp dưới 1.000 m chiếm tới 85% lãnh thổ. Núi cao trên 2.000 m chỉ chiếm 1%. Đồi núi Việt Nam tạo thành một cánh cung lớn hướng ra Biển Đông, chạy dài 1400 km, từ Tây Bắc tới Đông Nam Bộ. Những dãy núi đồ sộ nhất đều nằm ở phía Tây và Tây Bắc với đỉnh Phan-xi-phăng cao nhất bán đảo Đông Dương (3.143m). Càng ra phía đông, các dãy núi thấp dần và thường kết thúc bằng một dải đất thấp ven biển. Từ đèo Hải Vân vào Nam, địa hình đơn giản hơn. Ở đây không có những dãy núi đá vôi dài mà có những khối đá hoa cương rộng lớn, thỉnh thoảng nhô lên thành đỉnh cao; còn lại là những cao nguyên liên tiếp hợp thành Tây Nguyên, rìa phía đông được nâng lên thành dãy Trường Sơn.
Các vùng núi đặc biệt nhạy cảm với sự suy thoái gây ra bởi sức ép từ con người và hiện tượng biến đổi khí hậu. Đối với các sườn dốc đứng, hoạt động phá rừng để canh tác, định cư hoặc phát triển cơ sở hạ tầng có thể gây ra tình trạng xói mòn đất nghiêm trọng cũng như phá hủy môi trường sống. Hiện tượng xói mòn và ô nhiễm sẽ làm tổn hại đến chất lượng nước chảy xuống vùng hạ lưu. Hiện tượng biến đổi khí hậu đang đe dọa đến khối lượng nước và thời gian cấp nước cho các trang trại, thành phố, ngành công nghiệp và các nhà máy điện. Nhiệt độ tăng nhanh đang buộc các loài sinh vật và hệ sinh thái trên núi, cũng như những người sống phụ thuộc vào chúng phải tìm cách thích nghi hoặc di cư.
Công tác khôi phục hệ sinh thái vùng núi cần phải cân nhắc tới toàn bộ cảnh quan. Các giải pháp bảo vệ thiên nhiên bao gồm tăng độ che phủ rừng để có thể bảo tồn đất, bảo vệ dòng nước và phòng tránh các thiên tai như tuyết lở, sạt lở đất và lũ lụt. Cần quy hoạch cơ sở hạ tầng như đê đập và đường sá nhằm tránh tình trạng phân mảnh các con sông và những môi trường sống khác. Các kỹ thuật canh tác như nông lâm kết hợp có thể mang lại tính thích nghi cao hơn trước tình hình biến đổi của thời tiết. Kiến thức bản địa có thể là một nguồn lực quan trọng giúp sử dụng tài nguyên thiên nhiên theo hướng bền vững.
6. Đất nông nghiệp
Các vùng đất canh tác hiện chiếm hơn một phần ba diện tích đất trên bề mặt trái đất và có lẽ là nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng nhất của chúng ta. Bên cạnh việc cung cấp cho chúng ta thức ăn, cỏ và vải sợi, những cánh đồng trồng trọt và vùng đất chăn thả cũng chính là nơi sinh sống của rất nhiều loài sinh vật từ dơi, chim đến bọ cánh cứng và sâu bọ cũng như là nơi có lượng cây che phủ đáng kể. Sau nhiều thế kỷ nỗ lực cùng với sự khéo léo của con người, những hệ sinh thái được cải tạo này chính là kho tàng văn hóa mà việc bảo vệ chúng đóng vai trò quan trọng cả về đời sống tinh thần cũng như kinh tế.
Tuy nhiên, cách chúng ta sử dụng những vùng đất này, từ việc xây dựng các khu vực độc canh rộng lớn cho đến những bãi chăn thả trải dài, đang dần vắt kiệt sức sống của chúng. Hoạt động cày xới, trồng trọt quá mức và dỡ bỏ hàng rào và chặt phá cây cối đã tạo cơ hội cho mưa gió làm xói mòn nguồn đất quý giá này. Lượng phân bón dư thừa đang gây ô nhiễm mạch nước và làm giảm chất lượng đất. Thuốc trừ sâu đang gây hại cho các loài động vật hoang dã bao gồm cả côn trùng như ong thụ phấn cho nhiều loại cây trồng. Hoạt động chăn thả quá mức khiến các vùng đồng cỏ rơi vào tình trạng bị xói mòn và dẫn đến sự phát triển các loài thực vật xâm lấn.
Các nhà khoa học đang giúp cộng đồng nông thôn khôi phục hệ sinh thái nông nghiệp bằng cách sử dụng giải pháp tự nhiên để tăng năng suất canh tác. Một số nông dân đang giảm diện tích đất canh tác và sử dụng nhiều loại phân bón tự nhiên và kiểm soát sâu bệnh gây hại. Việc trồng xen kẽ nhiều loại cây trồng khác nhau, bao gồm cả cây thân gỗ, có thể giúp khôi phục sự đa dạng sinh học và mang đến chế độ ăn uống nhiều dinh dưỡng hơn. Khi được quản lý cẩn thận, những đàn gia súc nhỏ thực sự có thể giúp tăng thu nhập. Tất cả các bước hành động này có thể giúp hồi sinh nguồn đất, tái phát triển các vùng dự trữ carbon hữu cơ và vi sinh vật ngậm nước cũng như duy trì độ phì nhiêu tự nhiên của đất.
7. Nước ngọt
Các hệ sinh thái nước ngọt cung cấp nguồn thực phẩm, nước và năng lượng cho hàng tỷ người, bảo vệ chúng ta trước tình trạng hạn hán và lũ lụt, cũng như cung cấp môi trường sống độc đáo cho nhiều loài động thực vật, bao gồm một phần ba các loài động vật có xương sống. Các hệ sinh thái này bao gồm rừng ngập mặn che chắn bờ biển nhằm giúp chúng ta chống lại sóng thần và tình trạng xói mòn; các hồ và sông sâu trong đất liền chứa đầy cá, và các vùng đất ngập nước có khả năng lọc và điều tiết dòng chảy đồng thời dự trữ một lượng lớn carbon.
Các hệ sinh thái nước ngọt đang bị suy thoái hết sức trầm trọng. Chúng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm do hóa chất, rác thải nhựa và nước thải cũng như hoạt động đánh bắt quá mức và khai thác nước quá mức để phục vụ hoạt động tưới tiêu cho cây trồng, tạo ra năng lượng và cung cấp cho ngành công nghiệp và các hộ gia đình. Các con sông phải chịu thêm ảnh hưởng từ việc xây dựng đê đập, kênh đào và hoạt động khai thác cát sỏi. Các vùng đất ngập nước đang bị rút cạn để phục vụ cho hoạt động nông nghiệp, với khoảng 87% diện tích đã biến mất trên toàn cầu trong 300 năm qua và hơn 50% diện tích đã biến mất kể từ năm 1900. Một phần ba loài sinh vật nước ngọt đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Công tác bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái nước ngọt bao gồm việc cải thiện chất lượng nước, chẳng hạn như bằng cách xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường chẳng hạn. Hoạt động đánh bắt cá và khai khoáng phải được kiểm soát. Có thể dỡ bỏ các con đập hoặc thiết kế tốt hơn để khôi phục sự kết nối sông ngòi, đồng thời cần quản lý hoạt động khai thác nguồn nước để duy trì lưu lượng tối thiểu. Việc trả lại dòng nước vào vùng đất than bùn và những vùng đất ngập nước khác cho đến khi đạt mức tự nhiên sẽ giúp khôi phục khả năng ngăn chặn lượng carbon lưu trữ thải vào khí quyển.
8. Khu vực đô thị
Khu vực đô thị chiếm ít hơn 1% diện tích bề mặt trái đất nhưng lại nơi sinh sống của hơn một nửa dân số toàn cầu. Dù là nơi ngổn ngang các tòa nhà bê tông cốt thép, đông đúc và có mạng lưới giao thông chằng chịt, các thành phố và đô thị vẫn là những hệ sinh thái góp phần lớn tạo nên chất lượng cuộc sống của chúng ta. Thực hiện chức năng hệ sinh thái đô thị giúp làm sạch bầu không khí và nguồn nước, làm dịu các đảo nhiệt đô thị và hỗ trợ khỏe của con người bằng cách bảo vệ chúng ta tránh khỏi những mối nguy hại và tạo cho chúng ta cơ hội để nghỉ ngơi và vui chơi. Chúng cũng có thể sở hữu mức độ đa dạng sinh học đáng ngạc nhiên.
Các hệ sinh thái đô thị đại diện cho sự thay đổi căn bản của những khu vực tự nhiên mà chúng đã thay thế và thường đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Hoạt động quy hoạch kém hiệu quả sẽ làm hạn chế nguồn đất và chỉ để lại một diện tích nhỏ cho thảm thực vật giữa khu vực lớn nhà cửa, đường sá và nhà máy. Chất thải và khí thải từ hoạt động công nghiệp, giao thông và các hộ gia đình gây ô nhiễm đường thủy, đất đai và không khí. Việc mở rộng đô thị mất kiểm soát đang “bóp nghẹt” nhiều môi trường sống tự nhiên và vùng đất nông nghiệp màu mỡ.
Công tác khôi phục các hệ sinh thái đô thị đòi hỏi sự nhận thức và cam kết cả từ phía người dân và phía lãnh đạo có vai trò ra quyết định. Không gian xanh cần được đặt làm trọng tâm trong quá trình quy hoạch đô thị. Các nhóm dân sinh và chính quyền thành phố có thể làm sạch hệ thống đường thủy, trồng cây xanh, phát triển rừng cây đô thị và tạo môi trường sống hoang dã trong công viên, trường học và các không gian công cộng khác. Vỉa hè thấm nước và các vùng đất ngập nước đô thị có thể giúp phòng tránh tình trạng lũ lụt và ô nhiễm. Có thể cải tạo các khu công nghiệp bị ô nhiễm thành khu bảo tồn thiên nhiên đô thị và làm nơi vui chơi giải trí.
Hậu Thạch