Bài 4: Muốn có một cuộc sống xanh phải có một hệ sinh thái khỏe

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6/2021: Phục hồi Hệ sinh thái

BVR&MT – Đó là khẳng định của chuyên gia Vũ Thanh Ca, Giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhấn mạnh tai cuộc trò chuyện với phóng viên Tạp chí Bảo vệ rừng và Môi trường trong chuyên đề tài nguyên, môi trường nhân ngày Môi trường thế giới 5/6/2021.

Bài liên quan:

Bài 1: Việt Nam và cách thức phục hồi các hệ sinh thái

Bài 2: Muốn bà con tin, mình phải làm trước

Bài 3: Phát động thập kỷ phục hồi hệ sinh thái

Ông Vũ Thanh Ca trong buổi trả lời phỏng vấn.

Phóng viên: Thưa ông, bên cạnh mối đe dọa từ dịch bệnh, con người đang ngày càng hứng chịu nhiều thảm cảnh đau lòng bởi những diễn biến thời tiết bất thường thậm chí đến cực đoan như lũ lụt, hạn hán, xâm ngập mặn…  Với góc nhìn của một chuyên gia có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực môi trường, ông có thể chia sẻ ý kiến của mình về vấn đề biến đổi khí hậu này như thế nào?

Ông Vũ Thanh Ca – Giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội:

Trước hết, với góc nhìn của một chuyên gia môi trường, tôi xin chia sẻ về thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay. Trở lại quá khứ, biến đổi khí hậu đã xảy ra từ rất lâu khác như những gì chúng ta biết, dựa trên hai nguyên nhân, một là biến đổi khí hậu tự nhiên do tiểu băng hà xảy ra từ 300 năm trước, thời tiết khá lạnh, nhiệt độ thấp hơn hiện nay khoảng 0,8 – 1 độ C, từ đó đến nay nhiệt độ liên tục gia tăng. Tuy nhiên, người ta thấy rằng, thời kì công nghiệp từ năm 1980 trở lại đây, nhiệt độ trái đất tăng lên rất nhanh và các nghiên cứu cho thấy rằng do sự gia tăng của khí nhà kính trong khí quyển như cacbon đioxit, cacbonic, đặc biệt là khí cacbonic là quan trọng nhất, đóng góp khoảng 30% mức độ ấm lên của trái đất.

Ngoài ra, còn có một số khí nhà kính khác như metan, nitơ oxit xuất phát từ hoạt động của con người trong hoạt động công nghiệp đốt nhiên liệu hóa thạch làm giải phóng rất nhiều khí nhà kính vào trái đất diễn ra không chỉ ở các nước đang phát triển mà còn tại chính các nước tại một số cường quốc như Mỹ, Trung Quốc… đất nước có nền nông nghiệp, công nghiệp rất phát triển. Chính vì sự phát triển đó, họ đã xả thải một lượng khí nhà kính cực kì lớn vào bầu khí quyển. Bằng thực tiễn, người ta đã tính toán được rằng, nhiệt độ trái đất tăng khoảng 1 – 2 độ C, nếu không quản lý tốt có thể tăng lên 3 – 4 độ C. Trong khi đó, khí nhà kính lại tồn tại rất lâu trong không khí, phải đến hàng nghìn năm, thậm chí, hàng triệu năm, nếu chúng ta khẩn trương bắt tay vào bảo vệ môi trường tốt ngay từ bây giờ thì đến hàng triệu năm sau may ra hiệu ứng khí nhà kính mới hết, trái đất mới trở lại bình thường.

Phóng viên: Hiện nay, môi trường sống của một số loài động thực vật hoang dã đang ngày càng bị tàn phá và thu hẹp thậm chí chỉ con lại tàn tích, hay gọi một cách khác là suy giảm sự đa dạng sinh học thường thấy. Ông có thể chỉ ra đâu là nguyên nhân và lí giải tình trạng này ra sao?

Ông Vũ Thanh Ca – Giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội:

Trước hết, chúng ta nên hiểu sự đa dạng sinh học là bao gồm nhiều dạng, cá thể của các loài cùng với những biến dị di truyền của thế giới sinh vật, cũng như nhiều dạng của các cấp độ tổ chức sinh giới nhất là dưới dạng hệ sinh thái ở mọi môi trường trái đất, khái niệm này cũng bao gồm cả những mức độ biến đổi trong thế giới tự nhiên mà đơn vị cấu thành là những sinh vật.

Giá trị của đa dạng sinh học là vô cùng to lớn và có thể chia thành hai loại giá trị: giá trị trực tiếp và giá trị gián tiếp. Giá trị kinh tế trực tiếp của tính đa dạng sinh học là những giá trị của các sản phẩm sinh vật mà được con người trực tiếp khai thác và sử dụng cho nhu cầu cuộc sống của mình; còn giá trị gián tiếp bao gồm những cái mà con người không thể bán, những lợi ích đó bao gồm số lượng và chất lượng nước, bảo vệ đất, tái tạo, giáo dục, nghiên cứu khoa học, điều hòa khí hậu và cung cấp những phương tiện cho tương lai của xã hội loài người.

Trở lại câu hỏi của phóng viên, điều đầu tiên chúng ta không thể không nhắc đến tình trạng phá rừng để sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ du lịch trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tiếp đó, là các hoạt động khai thác, đánh bắt động vật hoang dã không thể kiểm soát nổi ngày đêm diễn ra ngay tại chính các khu bảo tồn – nơi mà chúng ta hay mặc định cho là không gian lưu trú an toàn của các loài động vật. Mặc cho sự xử lý nghiêm ngặt từ phía cơ quan pháp luật, lâm tặc vẫn trà trộn vào đánh bắt, phá rừng. Dẫn đến, sự đa dạng sinh học ngày càng bị suy giảm và không có dấu hiệu phục hồi. Giả sử hổ, báo có quay lại khu vực đó cũng không thể sống nổi vì không có nguồn thức ăn để duy trì sự sống.

Sự ảnh hưởng thứ hai mà tôi muốn nhắc đến đó là môi trường biển, với sự phá hoại sinh cảnh xung quanh biển. Rừng ngập mặn, rạn san hô đang bị tàn phá một cách ngẫu nhiên để mở rộng diện tích nuôi trồng thủy hải sản. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến trào lưu xây đập thủy điện, thủy lợi tại các vị trí đầu nguồn làm cho các dòng phù sa bị chặn đứng, bờ biển xói lở khá nghiêm trọng, hàng loạt rừng ngập mặn bị thiếu phù sa bùn diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, không chỉ là câu chuyện của riêng quốc gia nào. Sự khai thác một cách hủy diệt như dùng thuốc nổ, phun chất hóa học, tấn công vào các rạn san hô đã làm đứt gãy chuỗi thức ăn và sự sống của nhiều loài cá có giá trị lớn. Trong khi một số loài động thực vật gây bất lợi cho môi trường lại có điều kiện phát triển giết chết nhiều rạn san hô quý báu. Theo cách con người đổ đất xuống biển tạo thành các vùng đất, xây dựng  công trình tại các khu du lịch, trùm đất lên các thảm có biển làm cho thảm cỏ biển bị tàn phá. Tình trạng lấn biển này xảy ra khá phổ biến tại nhiều nơi trong đó có Quảng Ninh. Thảm cỏ biển bị ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm chất hữu cơ và chất dinh dưỡng, nước trở lên  vẩn đục, hơi thối bốc lên, ánh nắng mặt trời không thể xuyên qua mặt nước gây ra hiện tượng yếu sự quang hợp tại các thảm thực vật, do đó sinh ra nhiều vi khuẩn độc hại giết chết sinh cảnh.

Bên cạnh đó, việc đánh bắt, khai thác cá quá mức, đặc biệt tại tỉnh có diện tích biển lớn, đường biển kéo dài, trọng tâm cơ cấu kinh tế phát triển là biển, ngư dân đánh bắt với cường lực lớn lạm dụng nhiều biện pháp khai thác đến mức trái phép như sử dụng thuốc nổ, chất hóa học xyanua, giã cào làm cho số lượng thủy sản ngày càng cạn kiệt không kịp tái sinh. Điều đáng nói, ngay tại các khu bảo tồn biển như Côn Đảo, Phú Quốc tuy được đánh giá rất cao trong phát triển du lịch biển nhưng do sự quản lý chưa thực sự chặt chẽ nên nhiều người dân vẫn lặn vào đánh trộm. Do đó, nguồn tài nguyên biển đang yếu dần và sự đa dạng sinh học suy giảm.

Phóng viên: Hiện đang nổi lên nhiều ý kiến  trái chiều khi nhắc đến sự ảnh hưởng của việc xây đập thủy điện, thủy lợi. Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận từ thủy điện mang lại nhưng cũng có bất cập. Ông có thể phân tích sâu hơn về sự tác động tiêu cực này?

Ông Vũ Thanh Ca – Giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội:

Các đập thủy điện không chỉ chặn lượng phù sa mà còn chặn nước cho mùa lũ làm cho độ muối ở vùng cửa sông tăng lên. Độ muối tăng cao làm cho một số loài sinh vật biển như ví dụ như con hà, bám vào gốc các cây ngập mặn sẽ hạn chế sự phát triển, giết chết sự sống của loài cây này. Nghiên cứu cho thấy, những rừng có nhiều con hà thì đều phát triển rất kém. Ngoài ra, lượng phù sa từ thượng nguồn về rất ít không đủ để bù đắp cung cấp chất dinh dưỡng cho cây ngập mặn, cây bị thiếu chất và còi cọc, không thể sinh trưởng tốt. Thứ nữa, sự thiếu hụt phù sa bùn, sóng truyền trong rừng ngập mặn mạnh hơn rất nhiều, bởi sóng truyền trên mặt bùn rất yếu, tác động không đáng kể vào đồng bằng, sóng rửa trôi bùn, truyền qua cát gây ra xói lở bờ biển, hiện tượng này chúng ta có thể thấy rõ rệt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trích lời một số chuyên gia đã nghiên cứu và chỉ ra, xây dựng một cái đập trên một con sông cũng giống như xây một xa lộ qua một vùng hoang dã, nó sẽ chia cắt môi trường thiên nhiên thành hai không gian khác nhau. Trong trường hợp đập có hồ chứa để điều hòa dòng nước thì dòng chảy tự nhiên của con sông sẽ thay đổi. Sự thay đổi sẽ nhiều hay ít tùy theo hồ chứa được vận hành như thế nào. Khi dòng chảy tự nhiên của một con sông thay đổi, thì hệ sinh thái trong lưu vực con sông đó cũng bị ảnh hưởng và có thể mất một thời gian khá lâu mới tìm được sự cân bằng mới, hoặc thậm chí không tìm lại được lại cân bằng ban đầu.

Các dự án thủy điện thường nằm ở những vùng rừng núi nên khi xây dựng cần phải khai quang một diện tích lớn để xây các công trình như: đường sá, đập, nhà máy, đường dây dẫn điện… Phần lòng hồ sẽ bị ngập nước cũng phải được khai quang, và dân cư trong vùng phải được dời đi chỗ khác. Những hoạt động này sẽ ảnh hưởng lên môi trường thiên nhiên đã có sẵn trước đó và tác động lên hệ sinh thái của khu vực. Đời sống của dân cư trong vùng cũng như các giá trị văn hóa lịch sử của khu vực dự án cũng sẽ bị thay đổi hoặc biến mất hoàn toàn…

Phóng viên: Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm nay, với thông điệp truyền đi là “Phục hồi hệ sinh thái”, ông có thể đưa ra một số kiến nghị của mình để góp phần bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng sinh học?

Điều đầu tiên tôi muốn gửi tới những người làm công tác quản lý Nhà nước là nên có nhiều chính sách chuyển đổi sinh kế cho người dân, đặc biệt đối với bà con vùng cao, bằng những việc làm thiết thực như đào tạo, hỗ trợ, giúp đỡ họ chuyển đổi cơ cấu việc làm một cách tích cực nhằm nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống. Lý giải tại sao tôi lại khuyến nghị như vậy vì qua thực tế đã chứng minh, trong nhiều năm vừa qua, một số người dân vùng cao Tây Bắc đã bỏ nương rẫy do hiệu quả kinh tế mang lại không cao, thu nhập bấp bênh nên họ đã bỏ canh tác nông nghiệp tại địa phương và di chuyển đến tỉnh khác làm thuê trong các khu công nghiệp. Khi người ta bỏ nương rẫy, đất không bị tác động nhiều, cuộc sống kinh tế không quá phụ thuộc vào rừng sẽ giảm áp lực cho rừng thì vô tình nhiều diện tích đất tự nhiên đã tự tái tạo, hồi sinh trở lại. Đó là một tín hiệu phục hồi hệ sinh thái tuy nhỏ lẻ nhưng hiệu quả rất tốt.

Còn với môi trường biển, không thể phủ nhận nhiều giá trị kinh tế lớn từ biển mang lại, nhưng theo ý kiến riêng tôi, không cần quá nhiều ngư dân đi biển và đóng thêm nhiều tàu nữa, củng cố và phát huy hiệu quả từ số tàu hiện có. Song song với đó, cần có nhiều kế hoạch chuyển đổi nghề nghiệp để giảm số lượng ngư dân, làm được như vậy sẽ giảm áp lực khai thác cho biển.

Thứ ba, chúng ta nên tích cực phát triển tại các khu bảo tồn. Thực chất, từ trước đến nay, công tác bảo vệ tại các khu bảo tồn tương đối khó khăn. Thiết nghĩ, bên cạnh sự vào cuộc từ những nhà quản lý cần có sự tham gia đóng góp tích cực từ người dân. Nếu như người dân không tham gia đánh bắt trái phép tại các khu bảo tồn thì mới bảo vệ được các khu bảo tồn. Muốn làm được điều này, cần phải có nhiều chính sách khuyến khích phát triển kinh tế. Ví dụ như hiện nay sau 10 năm áp dụng, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ bảo vệ môi trường rừng cho người dân đã góp phần rất lớn trong bảo vệ, phát triển rừng, giúp ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng và phát triển rừng mới; thu nhập, đời sống của cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng được nâng cao. Nếu như chúng ta cùng nhau đồng nhất chính sách đó đối với cả vùng rừng và biển thì tôi nghĩ rằng công tác bảo tồn hệ sinh thái trên cạn, dưới cạn sẽ tốt hơn rất nhiều, khôi phục sự đa dạng sinh học sẽ là trong tầm tay, không là điều gì quá xa vời.

Thêm nữa, nước là không gian lưu thông, di cư của một số loài cá, nếu  thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường chúng ta sẽ phục hồi môi trường biển rất nhanh. Hiện nay, với mục tiêu của chương trình Nghị sự 21 sắp tới cùng với công ước bảo tồn sinh học, theo đó, tới năm 2020 chúng ta phải đạt được 10% bảo tồn sinh học quốc gia nhưng Việt nam mới thực hiện được khoảng 0,24% bảo tồn được vùng biển quốc gia dựa theo số liệu thống kê của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCE). Với mục tiêu mới của Liên hợp quốc, tới năm 2030, cả thế giới và Việt Nam phải thực hiện được 30% bảo tồn quốc gia. Đây là một cam kết rất lớn đòi hỏi sự nỗ lực từ các phía.

Thứ tư, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, áp dụng mạnh hơn nữa chế tài xử phạt những trường hợp khai thác, buôn bán trái phép động vật hoang dã. Càng giảm được sự tiêu thụ động vật hoang dã bao nhiêu, hệ sinh thái càng phục hồi nhanh và lợi ích của hệ sinh thái sẽ nâng lên rõ rệt hơn bấy nhiêu. Tôi xin một lần nữa nhấn mạnh, con người muốn có một cuộc sống xanh – sạch – đẹp và khỏe mạnh thì cần có một hệ sinh thái phát triển bền vững.

 Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Quỳnh Anh (thực hiện).

Ngày Môi trường thế giới diễn ra hàng năm vào ngày 5/6. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng hàng đầu của Liên Hợp Quốc (LHQ) để thúc đẩy nhận thức và hành động vì môi trường trên toàn thế giới. Năm 2021, chủ đề Ngày môi trường thế giới được LHQ lựa chọn là “ Phục hồi hệ sinh thái ”. Pakistan là nước chủ nhà hưởng ứng các hoạt động toàn cầu năm 2021.
Ngày Môi trường thế giới 5/6/2021 sẽ chứng kiến ​​sự khởi động của Thập kỷ Liên hợp quốc về phục hồi hệ sinh thái. Thập kỷ Liên hợp quốc kéo dài từ năm 2021 đến năm 2030, đây cũng là thời hạn cuối cùng của các mục tiêu phát triển bền vững và mốc thời gian mà các nhà khoa học đã xác định là cơ hội cuối cùng để hành động ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu. Đây cũng là lời kêu gọi nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn cầu, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Với mục đích ngăn chặn sự suy thoái và khôi phục hệ sinh thái để đạt được các mục tiêu toàn cầu. Chỉ có hệ sinh thái lành mạnh, chúng ta mới có thể nâng cao được sinh kế của người dân, chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự sụp đổ của đa dạng sinh học.
Bắt đầu từ năm 1982, Việt Nam tham gia Ngày môi trường thế giới. Bên cạnh đó, những năm gần đây, Việt Nam cũng tham gia và có nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Giờ Trái đất… Các sự kiện này tập trung các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cũng như hành động của mọi người luôn tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tái sử dụng và tái chế chất thải, chống rác thải nhựa, bảo vệ nguồn nước, khí tượng, động vật hoang dã… qua đó, cộng đồng quốc tế hướng tới thực hiện tốt hơn các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh.
Tại Việt Nam, Chính phủ cùng các Bộ, ngành luôn kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh xanh bằng những hành động rất nhỏ nhưng vô cùng có ý nghĩa đối với môi trường như: phân loại rác tại nguồn; sử dụng các vật liệu có từ thiên nhiên; hạn chế việc việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và bỏ vỏ nơi quy định hoặc giao cho các công ty tái chế phế liệu; sử dụng năng lượng sạch từ những nguồn năng lượng.