BVR&MT – Nông Tân Hội quán được thành lập vào ngày 03/02/2018, với 41 thành viên, có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp 839ha, trong đó diện tích trồng lúa 506ha, diện lích trồng màu 313ha, diện tích trồng cây ăn trái chỉ có 20 ha.
Trước khi thành lập Hội quán, người dân chủ yếu trồng lúa (chiếm 506 ha), trồng màu (313 ha), do tình hình giá lúa, hoa màu không ổn định, năng suất giảm, thời tiết diễn biến phức tạp, sâu bệnh thường xuyên gây hại,… lợi nhuận không cao, một số nông dân có diện tích từ 0,3 – 0,5ha đất không đáp ứng được cuộc sống phải cho thuê, chuyển nhượng để tìm ngành nghề khác mưu sinh.
Từ khi thành lập Hội quán, qua những lần sinh hoạt, Ban Chủ nhiệm tập trung trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc, xử lý cho cây xoài ra hoa trái vụ, trồng mít siêu sớm, qua đó đã giúp cho các thành viên áp dụng có hiệu quả hơn và mang lại thu nhập khá cao. Các thành viên Hội quán nhận thấy trồng lúa hiệu quả không cao, nên vận động nhau, liên kết cải tạo vườn tạp, chuyển từ đất lúa, đất màu sang làm vườn trồng mới các loại giống xoài, mít có hiệu quả kinh tế như: Hòa Lộc, Cát Chu, Đài Loan, mít siêu sớm mang lại hiệu quả cao hơn.
Đến nay, diện tích vườn toàn xã trên 150 ha, tăng 130 ha so với trước khi thành lập hội quán; Mỗi năm các nhà vườn tiếp tục cải tạo vườn và tuyên truyền vận động nhiều hộ dân chuyển đổi từ diện tích đất lúa, màu đang thu hoạch xong, lên liếp trồng mới ước khoảng 6,5ha… Ngoài việc trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trồng, chăm sóc, xử lý cho ra hoa, ra trái, Ban Chủ nhiệm còn liên kết với các vựa trái cây trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ xoài, bảo đảm đầu ra ổn định cho các thành viên hội quán; phối hợp mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng xoài, mít và xử lý ra hoa nghịch mùa cho các thành viên học tập bổ sung kiến thức. Kết quả qua quá trình phấn đấu học tập trao đổi kinh nghiệm nhiều nơi từ khi xử lý ra hoa, cho trái và đến khi thu hoạch đúng quy trình sản phẩm sạch. Tháng 7/2020 Hội quán có được sản phẩm xoài và mít đưa vào siêu thị tiêu thụ, nâng cao uy tín hoạt động của Hội quán.
Ông Võ Thanh Vân, sinh 1954 ( ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Long, huyện Thanh Bình, Tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ: Là Chủ nhiệm Nông Tân Hội quán, tôi luôn nghiên cứu tìm tòi học hỏi những mô hình hay, cách làm mang hiệu quả, trao đổi, chia sẻ kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản thời hội nhập, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh; định hướng hoạt động Hội quán theo phương châm “Tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc, cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng”. Trong thời gian tới, duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt định kỳ tạo sự đoàn kết, gắn bó, chia sẻ thông tin lẫn nhau trong sản xuất và liên kết – tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho các sản phẩm có đầu ra ổn định hơn; nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, cung cấp thông tin về thị trường để nâng cao trình độ, kiến thức cho các thành viên; giữ mối liên hệ mật thiết và tranh thủ sự hỗ trợ của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương thường xuyên tham gia sinh hoạt hội quán.
Đồng thời, nắm tâm tư, nguyện vọng và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các thành viên; phát triển các loại hình hợp tác, liên kết hiệu quả hơn nhằm giúp chúng tôi thay đổi dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và tự tạo ra mô hình mới, cách làm hay trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, vận động các thành viên và người dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là gương mẫu trong việc giải phóng mặt bằng, hiến đất, vật kiến trúc làm đường giao thông nông thôn, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật để làm đẹp cảnh quan và môi trường sống,… góp phần cho địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
CTV Trần Thắng