BVR&MT – Theo phản ánh của người dân thôn Bến Đền, xã Bạch Xa và thôn 68, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, thời gian vừa qua có hiện tượng các nhà máy trong Cụm công nghiệp Nam Quang, thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang xả thải trực tiếp ra sông Lô, đoạn tiếp giáp giữa hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân nơi đây.
Cụm công nghiệp (CCN) Nam Quang, thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang nằm ở khu vực giáp danh với huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Phía sau CCN là sông Lô thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang. Thời điểm này CCN có 5 nhà máy đã đi vào hoạt động, trong đó có ba nhà máy sử dụng nước phục vụ sản xuất và xả thải ra môi trường gồm: Nhà máy sản xuất tinh bột sắn của Công ty TNHH MTV Hùng Hà, Bắc Quang; nhà máy sản xuất giấy của Công ty cổ phần sản xuất nhập khẩu thương mại dịch vụ Phúc Hưng và Nhà máy sản xuất giấy của Công ty cổ phần Hải Hà.
“Mục sở thị” phía sau CCN (khu vực tiếp giáp sông Lô) là các đường ống xả thải của các nhà máy thuộc CCN Nam Quang. Mùa này nước sông cạn, các đường ống ngầm đều lộ rõ. Những đường ống xả thải này được nối từ các nhà máy và nhiều ống được chôn ngầm để xả nước thải trực tiếp ra sông mà mục đích chính là để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Để thuận lợi cho việc xả nước thải ra sông, các nhà máy này còn xẻ đường dẫn nước tắt qua bãi soi, nối thẳng ra giữa lòng sông. Thời điểm hiện tại có năm đường ống xả thải dẫn thẳng ra sông Lô, gồm bốn ống nổi và một ống chôn chìm dưới nước. Trong đó có hai đường ống đang xả thải, một trong hai đường ống là ống được chôn chìm. Tại hiện trường, nước thải từ những ống xả thải này có màu vàng đục, sủi bọt và có mùi hôi rất khó chịu.
Ngay sát tường rào CCN phía hạ lưu là Bến đò ngang thôn Bến Đền, xã Bạch Xa, huyện Hàm Yên. Đây là tuyến đi lại chính của người dân các xã bên sông phía bắc của huyện Hàm Yên với người dân thị trấn Vĩnh Tuy nên lưu lượng người qua lại rất lớn.
Anh Trần Văn Am, thôn Bến Đền, xã Bạch Xa cho biết, họ xả hằng ngày, nhưng xả trực tiếp không qua xử lý thì từ 21h cho đến 4h sáng ngày hôm sau. Cả khu vực sông này ngầu bọt. Bọt có mầu đỏ, vàng đủ các loại màu, mùi hôi nồng nặc, rửa tay, chân thì bị mẩn ngứa.
Đáng chú ý, các đơn vị này đã nhiều lần bị kiểm tra và bị xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng do vi phạm về hành vi xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. nhưng việc xả thải chưa qua xử lý vẫn được tiếp diễn. Cụ thể: Từ tháng 3-2016 đến tháng 1-2017 Nhà máy sản xuất tinh bột sắn của Công ty TNHH MTV Hùng Hà đã ba lần bị kiểm tra và xử phạt do vi phạm việc xả thải ra môi trường, trong đó, vào tháng 3-2016 Tổng cục Môi trường đã ra quyết định xử phạt nhà máy này với số tiền gần 112 triệu đồng; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang cũng đã hai lần kiểm tra và yêu cầu nhà máy này dừng các hoạt động xả thải, tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định. Đối với Nhà máy sản xuất giấy của Công ty cổ phần Hải Hà, tháng 11-2016 cũng đã bị UBND tỉnh Hà Giang ra quyết định xử phạt gần 320 triệu đồng, đồng thời yêu cầu nhà máy này phải dừng hoạt động sản xuất và xả thải ra môi trường đến khi UBND tỉnh Hà Giang cho phép.
Còn với Nhà máy sản xuất giấy của Công ty cổ phần sản xuất xuất nhập khẩu thương mại dịch vụ Phúc Hưng, tại thời điểm kiểm tra ngày 16-1, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy này đã bị hư hỏng. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang đã yêu cầu nhà máy này dừng hoạt động xả thải và phải tiến hành cải tạo, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải để bảo đảm nước thải đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả thải.
Ngày 23-1, UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH MTV Hùng Hà, Công ty cổ phần Hải Hà, Công ty cổ phần sản xuất xuất nhập khẩu thương mại dịch vụ Phúc Hưng dừng hoạt động xả nước thải ra môi trường. Tuy nhiên, “phớt lờ” ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Giang, các nhà máy này vẫn ngang nhiên xả nước thải xuống lòng sông Lô, gây bức xúc cho người dân.
Việc xả thải của các nhà máy này không những gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên và làm ảnh hưởng đến việc nuôi cá lồng phát triển kinh tế của người dân vùng hạ lưu.
Đồng chí Hoàng Hữu Quyết, chuyên viên phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Toàn bộ khu vực tiếp nhận nguồn thải của Cụm công nghiệp Nam Quang thì không ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh Hà Giang mà ảnh hưởng đến lưu vực của sông Lô thuộc xã Bạch Xa và toàn bộ nguồn hạ du sông Lô thuộc huyện Hàm Yên, đến nguồn thủy sản tự nhiên cũng như hệ thống lồng bè nuôi cá của bà con ven sông của các xã Bạch Xa, Minh Hương, Yên Phú và các xã vùng dưới.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trong Cụm công nghiệp Nam Quang. Yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước và bảo vệ môi trường; chấn chỉnh hoặc xử lý nghiêm các đơn vị có hoạt động xả nước thải chưa được xử lý đạt yêu cầu trước khi xả vào sông Lô, bảo đảm không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và đời sống của nhân dân trong khu vực, nhất là nhân dân khu vực hạ lưu của nguồn thải.
Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước; Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm vào cuộc xử lý triệt để vụ việc, và làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị; bảo vệ môi trường, đời sống và việc phát triển kinh tế của người dân trong khu vực, nhất là người dân ở khu vực hạ lưu của nguồn thải.