BVR&MT – Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đang được nhiều địa phương quan tâm thực hiện giúp gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho người nông dân. Cùng với đó, các doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất với nông dân cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp với giá cả ổn định.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, đến nay, cả nước có 56 địa phương đã ban hành chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 48 địa phương ban hành danh mục các ngành hàng, sản phẩm chủ lực quan trọng cần khuyến khích liên kết; 35 địa phương ban hành phân cấp phê duyệt hỗ trợ liên kết, 16 địa phương phê duyệt đề án, dự án liên kết với 359 dự án được phê duyệt. Đến nay, đã xây dựng được 26 mô hình chuỗi liên kết giữa hộ nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong đó, có 18 mô hình hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất và tiêu thụ mía đường và tám mô hình HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Nhằm đẩy mạnh liên kết sản xuất một số sản phẩm chủ lực, từ năm 2018 đến nay, các địa phương đã hỗ trợ: tư vấn xây dựng liên kết 74 chuỗi; hỗ trợ tập huấn, đào tạo 2.048 lớp; hỗ trợ xây dựng 357 mô hình khuyến nông; hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học – kỹ thuật, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi cho 93 chuỗi; hỗ trợ xác nhận, chứng nhận sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu và quảng bá cho 257 sản phẩm…
Có thể nói, liên kết sản xuất theo chuỗi đã góp phần thúc đẩy các mặt hàng chủ lực, trong đó có bốn mô hình liên kết chuỗi giá trị cà-phê chất lượng cao có sự tham gia của bốn doanh nghiệp, năm HTX, tổ nhóm nông dân, 190 hộ dân với diện tích 240 ha. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở đó, hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang đã ban hành kế hoạch triển khai đề án và kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp của tỉnh và phê duyệt chủ trương đầu tư bốn dự án cho doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng vùng sản xuất giống cá tra. Từ đó đã thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá tra của các HTX và nông dân trên địa bàn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện nay trên địa bàn có diện tích trồng dừa là hơn 23.000 ha, tập trung tại các huyện Châu Thành, Tiểu Cần và Càng Long với sản lượng trái gần 578.000 tấn/năm, trong đó có 1.294 ha dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, có khoảng 5.000 ha dừa hữu cơ tại các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và thành phố Trà Vinh. Thực hiện chương trình nâng cao chuỗi giá trị cây dừa, đến nay nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn đã được các doanh nghiệp ký kết phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ và thu mua dừa trái cho nông dân. Trong đó, Công ty cổ phần Trà Bắc đã ký kết cùng nông dân xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ 300 ha tại huyện Tiểu Cần và ký kết thu mua nguồn nguyên liệu cơm dừa với HTX nông nghiệp Rạch Lợp, xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần. Đại diện HTX nông nghiệp Rạch Lợp cho biết, khi doanh nghiệp ký kết cùng HTX thu mua nguyên liệu dừa trái cả ba bên là doanh nghiệp, HTX, nông dân cùng có lợi. Theo đó, HTX vừa quản lý chất lượng dừa trái hữu cơ và làm đầu mối thu mua có lợi nhuận; nông dân trồng dừa hữu cơ được mua với giá cao hơn từ 10 đến 20% so với dừa trồng bình thường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khi thu mua dừa từ HTX sẽ giảm được nguồn chi phí thu gom, vận chuyển từ 3.000 đến 3.500 đồng/12 trái.
Nhằm đẩy mạnh phát triển liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân để tiêu thụ nông sản cũng như mở rộng xuất khẩu sản phẩm, theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thì các bộ, ngành, địa phương cần tuyên truyền hơn nữa về liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản đến với người dân; quy hoạch các vùng sản xuất, xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ vùng trồng, diện tích và địa điểm, các điều kiện của thị trường nhập khẩu sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương và doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý sản phẩm; đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực cho các HTX, nhân dân, doanh nghiệp kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế, về các điều kiện để nông sản thực phẩm vào kênh phân phối hiện đại; khuyến khích và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trong đó ưu tiên doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, chế biến sâu; kết nối doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân thông qua HTX, tổ hợp tác theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm…
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có 271 tổ chức khoa học, gần 587 nghìn hộ nông dân, 4.028 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Có 1.621 chuỗi nông sản an toàn được chứng nhận với 2.346 sản phẩm… |