BVR&MT – Chư Mom Ray là một trong số 30 vườn Quốc gia thuộc hệ thống rừng đặc dụng cả nước với tổng diện tích 56.249 ha nằm ở các xã Rờ Kơi , Sa Nhơn, Sa Sơn, Mo Ray, thị trấn Sa Thầy của huyện Sa Thầy và xã Sa Loong, Bờ Y, Đắk Kan của huyện Ngọc Hồi thuộc tỉnh Kon Tum. Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có độ cao từ 200 đến 1.773 m so với mực nước biển, địa hình chia cắt bởi nhiều sông, suối lớn nhỏ đã tạo cho Vườn quốc gia (VQG) Chư Mom Ray một hệ sinh học phong phú, đa dạng.
Năm 2004, Chư Mom Ray được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á công nhận là Vườn di sản ASEAN, góp phần bảo tồn bền vững VQG. Là khu vực có tính đa dạng sinh học cao với tổng số loài thực vật đã phát hiện và ghi nhận 1.895 loài, thuộc 541 chi, 184 họ. Trong đó ngành dương xỉ 178 loài thực vật hạt trần 11 loài, thực vật hạt kín 1.302 loài và 131 loài thuộc diện quý hiếm như: Kim giao, thông tre, trắc, cẩm lai, gụ mật. Tổng số loài động vật đến nay đã điều tra và ghi nhận được 950 loài, với 120 loài động vật có vú, 290 loài chim, 42 loài bò sát, 25 loài lưỡng cư, 108 loài cá nước ngọt, 365 loài côn trùng, 176 loài thuộc diện quý, hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tồn tại bảy hệ sinh thái rừng chính,là rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và năm hệ sinh thái rừng phụ là loại rừng trảng cỏ,cây bụi, cây gỗ rải rác thứ sinh, các kiểu rừng này là nơi tập trung của các loài thú móng guốc, thú ăn thịt…Chư Mom Ray có giá trị về bảo vệ môi trường, điều hòa khí hậu, nguồn nước và phòng hộ đầu nguồn cho Thủy điện Plei Krong,Ya Ly, Sê San 3 và phát triển du lịch sinh thái.
Thời gian qua , Ban quản lý VQG Chư Mom Ray đã thực hiện tốt nhiệm vụ, công tác quản lý, bảo vệ rừng thông qua các hoạt động nghiệp vụ như tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tuần tra kiểm soát, phòng cháy, chữa cháy rừng, xây dựng các công trình lâm nghiệp hỗ trợ. Bởi vậy, độ che phủ rừng của VQG Chư Mom Ray thời điểm năm 1996 là 86,4%, đến nay đã tăng lên 93,7 %.
Trao đổi với phóng viên Bảo vệ rừng và Môi trường, ông Đào Xuân Thủy- Giám đốc VQG Chư Mom Ray cho biết : “ Đơn vị luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Kon Tum, Sở NN&PTN và sự phối hợp các cấp chính quyền ở cơ sở. Nhằm tăng cường công tác quản lý , bảo vệ rừng đơn vị đã triển khai quy chế phối hợp với UBND các xã vùng đệm, các Đồng biên phòng,các lực lượng chức năng, trong công tác quản lý bảo vệ rừng như thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát.Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, mặt khác chú ý hơn nữa đến sinh kế của người dân ở vùng đệm cũng như tập trung trong việc điều tra nghiên cứu rừng, thực trạng rừng, để công tác quản lý bảo vệ rừng hiệu quả hơn”.
Theo đánh giá và ghi nhận, lâm phần VQG Chư Mom Ray quản lý khá phức tạp, địa bàn rộng, trải dài dọc tuyến biên giới tỉnh Kon Tum đã gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát. Hiện nay VQG có 14 trạm, với 20 chốt cố định nằm ở những vị trí trọng yếu, lối độc đạo dãn vào rừng. Bên cạnh đó, các nhân viên cán bộ của Vườn luôn nỗ lực bám trụ 24/24 trong rừng sâu.Bằng nhiều giải pháp, các nhân viên, cán bộ của VQG luôn đề cao ý thức bảo vệ rừng, thực hiện song song các nhiệm vụ. Đầu tiên là tổ chức tuyên truyền cấp thôn, làng giúp người dân hiểu và tham gia cùng chung tay bảo vệ rừng. Trong năm 2020 đã tổ chức 21 cuộc tuyên truyền cấp thôn với 884 lượt người dân tham gia. Nội dung tuyên truyền tập trung nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giá trị của rừng, lợi ích của rừng mang lại cho cuộc sống của người dân, tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng “phong trào toàn dân tham gia quản lý bảo vệ rừng”. Duy trì hoạt động của 12 câu lạc bộ xanh tại 12 trường THCS trên địa bàn hai huyện Sa Thầy – Ngọc Hồi, qua đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng cho các em học sinh. Tặng 6.000 cuốn vở, 400 áo, 400 mũ cho các em học sinh THCS, cấp phát 156 ấn phẩm tuyên truyền .Đã thực hiện 3.796 cuộc kiểm tra, tuần tra trong rừng với 20.645 lượt người tham gia.
Đến nay đã xây dựng và phê duyệt phương án PCCCR mùa khô 2020-2021, chuẩn bị tốt các điều kiện tại chỗ, chuẩn bị lực lượng và phương tiện sẵn sàng cho công tác phòng và chữa cháy rừng mùa khô 2020-2021. Đã phát hiện 06 vụ vi phạm chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định, trong đó: Khai thác rừng trái pháp luật: 05 vụ,cất giấu lâm sản trái pháp luật: 01 vụ. Khởi tố hình sự 03 vụ ,xử lý hành chính 03 vụ, tang vật tịch thu, xử lý gồm: 66,078 m3 gỗ tròn nhóm III và nhóm IIa; 1,834 m3 gỗ xẻ nhóm III. Đối với công tác phát triển rừng đã thực hiện trồng mới 50 ha, chăm sóc 10,6 ha rừng trồng năm 2018, xúc tiến tái sinh tự nhiên 11 ha.
Mặt khác đã thực hiện 02 đề tài nghiên cứu: Điều tra thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn loài Bò tót và điều tra thực trạng, đề xuất giải pháp bảo tồn loài Cốt toái bổ, phối hợp với Viện dược liệu thực hiện đề tài trồng thử nghiệm dược liệu (sâm cau) dưới tán rừng quy mô 0,5 ha. Tiếp tục bảo quản 1.193 mẫu tiêu bản thực vật, và côn trùng để phục vụ công tác nghiên cứu, tiếp tục áp dụng công nghệ GIS, công nghệ WebGis vào hoạt động tuần tra, kiểm tra rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng đạt hiệu quả tốt.
Xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 theo hướng dẫn của UBND tỉnh. Thực hiện hỗ trợ 46 thôn vùng đệm với số tiền 1,84 tỷ đồng, số tiền này đã được các cộng đồng sử dụng có hiệu quả, góp phần vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các cộng đồng, góp phần củng cố xây dựng nông thôn mới tại các xã trong năm 2020. Công tác xây dựng, sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ luôn được quan tâm, công tác đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm được thực hiện đúng quy trình, quy định của Nhà nước về phân cấp quản lý cán bộ. Công tác cán bộ trong năm được thực thiện chặt chẽ, khách quan; lấy tiêu chuẩn về đạo đức, năng lực thực hiện nhiệm vụ và sự tín nhiệm của viên chức, người lao động làm tiêu chuẩn chính để bổ nhiệm, từ đó đã phát huy tốt năng lực công tác của từng cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ.
Lê Hồng