BVR&MT – Một ngày cuối năm, chúng tôi đến với Sơn Động để hòa mình vào miền thảo nguyên xanh miên man, nằm nghiêng nghiêng theo miền rừng nguyên sinh Đông Bắc. Dọc đường đi, mùi hoa keo thơm dịu khiến những con đường nông thôn mới như đẹp hơn và gần hơn, lòng người thư thái khi bước chân vào những xóm bản khang trang của đồng bào các dân tộc nằm đầm ấm trên sườn đồi. Là một trong 62 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước, song Sơn Động hôm nay đang nỗ lực bước vào hành trình mới với sự đồng lòng đoàn kết của chính quyền và nhân dân.
Vận dụng hiệu quả chính sách
Là địa phương được đầu tư theo Nghị quyết số 30a/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo của cả nước, có thể nói, Sơn Động đã vận dụng chính sách hết sức hiệu quả vào thực tiễn công tác xóa đói giảm nghèo. Huyện ủy, UBND huyện luôn xác định công tác giảm nghèo là công việc lâu dài gắn liền với quá trình phát triển kinh tế – xã hội, do đó đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành quy chế hoạt động quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của từng thành viên. Phát huy dân chủ, công khai trong việc xác định hộ nghèo, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo, bình xét thoát nghèo, lựa chọn đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu cho địa phương…
Phương châm “đồng hành” được áp dụng triệt để trong từng giai đoạn, phần việc cụ thể. Các ngành chức năng và chính quyền cơ sở đã đi sâu tiến hành điều tra nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tỷ lệ tái nghèo không giảm. Qua đó tham mưu cho huyện và tỉnh vận dụng vận dụng chính sách phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Huyện Sơn Động đã đưa ra những mục tiêu giảm nghèo bền vững để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các xã, thị trấn. Đồng thời xây dựng kế hoạch giám sát định kỳ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo từng năm để nắm bắt, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình ở địa phương cũng như mức độ bao phủ của chính sách đến với người nghèo. Từ đó giải quyết kịp thời những khó khăn, thắc mắc và những kiến nghị, đề xuất thông qua ý kiến đóng góp của người nghèo.
Trên cơ sở nguồn lực, cơ chế, chính sách giảm nghèo của Trung ương, huyện Sơn Động đã tranh thủ được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh Bắc Giang để rà soát nguồn lực của địa phương, thực hiện lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn thuộc chương trình 134, 135, Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách của tỉnh. Với tổng vốn đầu tư và vốn sự nghiệp để thực hiện đề án trong 10 năm qua đạt gần 1.000 tỷ đồng đã được đầu tư hiệu quả vào các mục tiêu trọng điểm, được lựa chọn đã đáp ứng nhu cầu bức thiết trong nhân dân và phát huy hiệu quả thiết thực. 100% người nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được miễn, giảm học phí.
Từ các nguồn vốn, toàn huyện đã có 266 công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng thiết yếu được xây dựng và duy tu. Đến hết năm 2020, có 23 xã, thị trấn có trụ sở kiên cố, 100% số xã kết nối internet cáp quang và một cửa điện tử liên thông với huyện. Từ 11 xã chưa có đường cứng hóa đến trung tâm xã, đến nay hiện 100% xã đã có đường cứng hóa đến trung tâm xã. Hệ thống điện được cải tạo nâng cấp và đưa điện lưới quốc gia đến 23 xã, thị trấn đã phục vụ đời sống, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện năng để phát triển sản xuất của nhân dân. Các trường học, điểm trường và mô hình trường bán trú dân nuôi được đầu tư xây dựng, sửa chữa đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo của huyện. Trung tâm y tế và 23 trạm y tế được đầu tư, nâng cấp, cơ sở vật chất của hệ thống khám chữa bệnh trên địa bàn huyện đã đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Phát huy nội lực, khơi dậy sức dân
Một trong những thành công của công tác xóa đói giảm nghèo ở Sơn Động là đã từng bước thay đổi được tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước ở một số cán bộ và người dân. Với quan điểm “Dựa vào sức dân, khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của người dân”, các xã nghèo, hộ nghèo được xác định vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng vừa là đối tượng được thụ hưởng chính sách và có nghĩa vụ áp dụng chính sách hiệu quả. Một loạt phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nhất là ở những lĩnh vực thế mạnh của huyện như lâm nghiệp, chăn nuôi đã được phát động sôi nổi, thu hút được sự hưởng ứng, tích cực tham gia của người dân, phát huy tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận và ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Không chỉ tuyên truyền thay đổi nhận thức, huyện còn “đồng hành” để sức dân thêm hưng thịnh. Hoạt động đầu tư chuyên sâu cho sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển kinh tế mà cụ thể là giúp đỡ về các giống lúa, ngô năng suất cao, cây ăn quả có giá trị, trồng rừng, xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa về trồng trọt, chăn nuôi đã mang lại những giá trị mới. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, tín dụng ưu đãi được quan tâm đáng kể, hoạt động tập huấn khoa học kỹ thuật cho nhân dân, khuyến khích liên kết hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa được đẩy mạnh.
Tận dụng thế mạnh thiên nhiên ưu đãi và hiệu quả rõ nét của chính sách và các hoạt động đầu tư bài bản, thiết thực, hàng nghìn hộ dân đã thoát nghèo trong vài năm trở lại đây nhờ các nghề truyền thống như nuôi ong mật, trồng rừng nguyên liệu, nấu rượu men lá và chăn nuôi giống lợn bản địa… Cùng với đó là sự hình thành của các mô hình Hợp tác xã nông, lâm nghiệp do chính người dân làm chủ như mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh, xã An Lạc, HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động đã từng bước nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng uy tín thương hiệu đã tạo đà cho người nông dân Sơn Động thúc đẩy giá trị sản xuất, bứt lên làm giàu.
Để thấy được tận mắt hiệu quả của việc phát huy nội lực, khơi dậy sức dân, chúng tôi đã đến thăm một số điển hình thoát nghèo của huyện Sơn Động. Là một hộ dân thuộc diện được hỗ trợ theo chương trình 30a, năm 2018, ông Chu Xuân Tuyên ở thôn Đồng Chu, xã Yên Định, đã mở rộng mở rộng, gây đàn ong lên hơn 200 đàn, thu được từ 200 đến 300L mật mỗi năm. Với cách nuôi bán hoang dã, gây mật từ nguồn hoa tự nhiên nên chất lượng mật tốt, dễ tiêu thụ được giá nên mỗi năm gia đình ông Tuyên thu nhập hàng trăm triệu đồng. Từ thành công ban đầu, hai người con trai của ông đã chung ta mở rộng hoạt động sản xuất của gia đình, kết hợp nuôi ong với trồng rừng, cây ăn quả và chăn nuôi. Ông Tuyên cũng trở thành người cán bộ “khuyến nông” cây nhà lá vườn, tích cực chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật và con giống cho nhiều hộ nghèo và cận nghèo trong vùng.
Tại xã An Châu, 20 hộ nghèo được nhận ưu đãi của chương trình giảm nghèo như cấp cây giống, phân bón để trồng rừng và hỗ trợ kinh phí cải tạo nhà cửa, chuồng trại… đã thực sự có được một cuộc sống no ấm hơn trên chính đất quê hương mình. Những ngọn đồi trước đây hoang hóa, sản xuất kém hiệu quả đã được phủ kín các loại cây công nghiệp có sức sống cao, chất lượng gỗ tốt. Trong quá trình trồng và chăm sóc rừng, các bộ kiểm lâm xã thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn, tư vấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, vận động người dân tham gia bảo vệ, phòng chống cháy rừng.
Những điển hình thoát nghèo ở An Châu, Yên Định đã cho thấy những nét chấm phá trong bức tranh toàn cảnh ở Sơn Động. Đến nay, đời sống nhân dân trong huyện được nâng lên rõ rệt, thu nhập gấp 2,5 lần khi bắt đầu thực hiện đề án, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm, vượt kế hoạch đề ra. Toàn bộ hộ nghèo thuộc diện gia đình chính sách, người có công đã thoát nghèo. Con số hơn 1.710 hộ giảm nghèo, trong đó, có hơn 600 hộ tự nguyện rút khỏi danh danh hộ nghèo của huyện Sơn Động năm 2019 đã cho thấy, thay vì trông chờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài, giờ đây người nghèo xác định tự lực thoát nghèo, ổn định cuộc sống và từng bước làm giàu cho bản thân, gia đình.
“Để phát huy được những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện Sơn Động tiếp tục triển khai các dự án, mô hình phù hợp nhu cầu, điều kiện và khả năng sản xuất của các hộ được thụ hưởng chính sách, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh từng vùng. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn nâng cao nhận thức và khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo.