BVR&MT – Trong hai tháng, 34 nhà khoa học đã biến đỉnh núi cao nhất thế giới Everest thành phòng thí nghiệm khoa học.
Năm ngoái, một cuộc thám hiểm trên núi Everest đã đặt ra những câu hỏi lớn về khoa học khí hậu.
Trong hai tháng, 34 nhà khoa học (cùng người hướng dẫn và phụ tá) đã biến đỉnh núi cao nhất thế giới Everest thành phòng thí nghiệm khoa học. Kết quả mới được đăng trong 16 nghiên cứu tuần trước trên tạp chí One Earth.
Các nghiên cứu cho thấy những thay đổi mạnh mẽ của đỉnh núi cao nhất thế giới, lý do thay đổi, những người bị ảnh hưởng và những việc cần phải làm.
Khu vực Himalaya thường được gọi là “cực thứ ba” (hai cực còn lại là Cực Bắc và Cực Nam) vì có rất nhiều băng ở đây. Tác động với con người là rất lớn khi có tới 1,65 tỷ người sống ở khoảng cách đủ gần so với hệ thống Himalaya và có thể chịu ảnh hưởng khi khu vực này thay đổi. Trong đó, 240 triệu người sống trong khu vực đó.
Ảnh do thám vệ tinh được giải mật từ năm 1962 và ảnh vệ tinh sau này cho thấy có bằng chứng 79 sông băng quanh đỉnh Everest đã mất băng với tốc độ ngày càng nhanh, mỏng đi tới 76 mét ở một số khu vực sông băng Khumbu.
Du khách tới Everest đã gây ra vấn nạn rác thải cho Nepal những năm gần đây. Sợi nhựa nhỏ li ti từ trang thiết bị leo núi và rác thải quần áo ngày càng nhiều. Hồ băng ngày càng có nhiều nguy cơ bị vỡ, sạt lở và tan chảy do hóa chất và rác thải sinh học mà người leo núi để lại.
Cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học nói trên do Hiệp hội Địa lý Quốc gia tài trợ. Đây là cuộc thám hiểm quan trọng đầu tiên trong sáng kiến giáo dục và nghiên cứu của hiệp hội.
Ông Hemant Ojha, phó giáo sư tại Đại học Canberra, đã có bài luận tập trung vào khu vực Himalaya và cho rằng nền khoa học mà mọi người cần phải là khoa học có sự kết nối giữa các nhà nghiên cứu và cộng đồng dân cư.