BVR&MT – Ngày 28/10, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Tờ trình, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021-2025.
Hội thảo có sự tham dự của đồng chí Đỗ Văn Chiến – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT; đồng chí Hoàng Thị Hạnh – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh đồng chủ trì Hội thảo; đồng chí Y Thông – Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông; lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đại diện lãnh đạo bộ các bộ, ban, ngành, địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho biết: Việc Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt Đề án Tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 là sự kiện mang dấu ấn lịch sử trong công tác dân tộc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào vùng DTTS và miền núi. Đây là một giải pháp đột phá có tính chất quyết định để thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng DTTS và miền núi so với các vùng thuận lợi nhằm thực hiện chủ trương “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBDT đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương hoàn tất các thủ tục để Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư từ năm 2021.
Theo Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến, chính sách dân tộc được tiếp cận theo 3 nhóm chính sách chính gồm: chính sách theo khu vực vùng, miền; chính sách tiếp cận theo lĩnh vực và chính sách theo dân tộc và nhóm dân tộc.
Về chính sách theo khu vực vùng, miền, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng dự thảo tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển thành 3 khu vực: khu vực III (khó khăn nhất), khu vực II (có nhiều khó khăn), khu vực I (bước đầu phát triển) để tập trung đầu tư vào khu vực III.
Chính sách tiếp cận theo lĩnh vực như giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, phát triển kinh tế… đã được thể hiện rất cụ thể trong dự án 4, 5, 6, 7 trong chương trình mục tiêu quốc gia.
Đối với chính sách theo dân tộc và nhóm dân tộc, giai đoạn trước đây chính sách tập trung cho nhóm dâm tộc rất ít người (dưới 10.000 người, gồm 16 dân tộc). Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội giao cho Chính phủ chỉ đạo xây dựng: “Ban hành tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù”.
Mục đích của việc phân định vùng DTTS và MN theo trình độ phát triển, xác định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí xác định dân tộc còn nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù nhằm thực hiện tốt nguyên tắc: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo các nhóm DTTS khó khăn nhất (điểm a, mục 4, điều 1, Nghị quyết số 120/2020/QH14).
Các đại biểu khẳng định, đây là Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng và đánh giá cao UBDT đã chủ trì xây dựng Dự thảo quyết định một cách công phu, chu đáo, dự thảo cơ bản đã tiếp cận được với nội dung cần thực hiện. Để đóng góp hoàn thiện các tiêu chí, các đại biểu cho rằng, cần thống nhất các chỉ số, có căn cứ vào các Luật cụ thể, rõ ràng; xem xét lại một số chỉ tiêu; bổ sung thêm một số tiêu chí về việc làm, chất lượng dân số; dựa vào điều kiện đặc thù của từng dân tộc để có tiêu chí riêng; làm rõ địa bàn, dân tộc sẽ phát sinh trong quá trình thụ hưởng chính sách giai đoạn tới…
Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu. Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Quyết định xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.
Hậu Thạch