BVR&MT – Nhận thức được tầm quan trọng, giá trị của rừng đối với phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, những năm qua, Chi cục kiểm lâm tỉnh Phú Thọ luôn chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân về trồng rừng, phát triển kinh tế rừng tiến tới xóa đói giảm nghèo, thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, phòng cháy – chữa cháy rừng.
Phú Thọ là tỉnh miền núi với diện tích đất lâm nghiệp lớn, hiện có gần 190.000ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm trên 50% diện tích đất tự nhiên. Phát triển kinh tế lâm nghiệp là hướng đi tận dụng lợi thế đó. Để cụ thể những lợi thế đó, UBND tỉnh Phú Thọ đã có quyết định số: 18/2011/QĐ-UBND, V/v duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 – 2020.
Trong đó xác định một số mục tiêu kinh tế: Đẩy mạnh phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo cung cấp tới mức tối đa nguyên liệu cho các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ, ván nhân tạo, bao bì của tỉnh; xây dựng và phát triển nền lâm nghiệp sản xuất hàng hóa đa dạng với nhiều thành phần kinh tế, đáp ứng lâu dài và ổn định nhu cầu gỗ và các loại lâm, sản khác phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, đồng thời áp dụng các giải pháp lâm sinh hữu hiệu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng, rút ngắn chu kỳ kinh doanh, nâng cao giá trị thu nhập trên đất sản xuất lâm nghiệp. Xây dựng phát triển thành vùng nguyên liệu cây cao su của tỉnh. Gắn bảo vệ phát triển rừng với phát triển du lịch, bảo tồn tính đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen động, thực vật và phục vụ công tác nghiên cứu khoa học lâm nghiệp.
Về môi trường: Bảo vệ toàn bộ diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên kết hợp với trồng rừng để đảm bảo độ che phủ của rừng đạt trên 51% vào năm 2020. Đảm bảo khả năng bảo vệ môi trường sinh thái phòng hộ đầu nguồn, hạn chế thiên tai, giảm thiểu khí phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về xã hội: Giải quyết, tạo việc làm cho trên 8 nghìn lao động/năm, đồng thời đảm bảo giữ gìn trật tự an toàn xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng gắn với xây dựng nông thôn mới. Thông qua hoạt động sản xuất lâm nghiệp tạo môi trường đào tạo và chuyển giao công nghệ cho trên 50% số lao động ngành lâm nghiệp.
Về an ninh – quốc phòng: Bảo vệ và phát triển rừng trên các diện tích quy hoạch gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng theo Quyết định số 229/1999/QĐ-TTg ngày 16 tháng 12 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Tiếp theo về mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp, thực hiện Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XVII về quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh thực hiện trồng và chuyển hóa rừng cây gỗ lớn 8,42 nghìn ha (trồng 3,45 nghìn ha, chuyển hóa rừng 4,97 nghìn ha) tại các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa.
Tính đến nay, theo báo cáo 9 tháng đầu năm 2020 của Chi cục kiểm lâm tỉnh Phú Thọ đã thực hiện trồng rừng gỗ lớn được 3.053ha, chăm sóc rừng trồng hơn 30.610 ha, khoán bảo vệ rừng tự nhiên đạt hơn 37.128 ha, khai thác rừng với diện tích hơn 7.930 ha. Trong đó, thực hiện chỉ tiêu chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND tỉnh Phú Thọ, chuyển hóa rừng gỗ lớn 496 ha/600ha; Cấp chứng chỉ rừng FSC 8.532,6/15.000 ha.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường ông Đỗ Ngọc Đoàn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Thọ cho biết: “Trong 9 tháng đầu năm 2020, Chi cục đã thực hiện toàn diện cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế được giao. Phát triển trồng rừng cây gỗ lớn, thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng với việc tuyên truyền vận động người dân hình thành nhóm cộng đồng bảo vệ rừng. Vừa qua, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều đơn vị được cấp chứng chỉ rừng FSC từ đó năng cao giá trị rừng trồng cho người dân”.
Theo báo cáo của hạt kiểm lâm huyện Yên Lập, địa bàn huyện hiện có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp trên 30.000 ha, chiếm trên 70% diện tích tự nhiên của huyện, trong đó, rừng đặc dụng 330 ha, rừng phòng hộ 8.605 ha, rừng sản xuất trên 18.000 ha. Thực hiện công tác bảo vệ rừng, những năm gần đây, huyện đã cụ thể hóa các văn bản, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh để tuyên truyền, triển khai việc giao khoán bảo vệ rừng cho tổ chức, cộng đồng dân cư.
Nói về công tác công tác bảo vệ rừng của cộng đồng dân tộc thiểu số địa phương, ông Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Lập phấn khởi chia sẻ: “Sự tham gia bảo vệ rừng của người dân ở đây là rất tích cực. Diện tích rừng ở đây được giao cho hộ dân, đặc biệt là rừng phòng hộ giao cho cộng đồng người dân tộc, cộng đồng ở đây rất tích cực tham gia bảo vệ rừng”.
Đại diện Hạt kiểm lâm cùng đại diện cộng đồng người tham gia bảo vệ rừng tại đây dẫn phóng viên tạp chí bảo vệ Rừng đi tham quan rừng phòng hộ. Nhằm giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của rừng, Hạt kiểm lâm đã tham mưu giúp UBND huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc, bảo vệ rừng bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các hội nghị, các buổi họp khu dân cư; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; treo pa nô; cấp phát tranh tuyên truyền cho các xã, thị trấn. Từ đầu năm đến nay, Hạt kiểm lâm huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tổ chức 19 buổi tuyên truyền về công tác chăm sóc, bảo vệ rừng thu hút gần 1.500 lượt người tham gia, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sự quan trọng của rừng, giảm những vụ khai thác rừng trái phép.
“Hiện nay, chúng tôi hình thành nhóm cộng đồng bảo vệ diện tích rừng được giao khoán là hơn 96 ha với 10 người. Chúng tôi được giao trách nhiệm bảo vệ diện tích được giao bảo vệ và trả tiền dịch vụ môi trường. Thường xuyên đi tuyền tra bảo vệ rừng, phối hợp với hạt kiểm lâm địa phương”, anh Đinh Công Dần (xã Xuân An, Yên Lập, Phú Thọ) cho hay.
Hạt kiểm lâm Yên Lập kết hợp nhiều biện pháp để xác định thông tin chủ rừng phục vụ công tác giao đất, giao rừng đúng chủ. Sau khi được giao đất, giao rừng, người dân và cộng đồng dân cư có ý thức tự chủ với tài sản được giao, có trách nhiệm hơn trong quản lý, sản xuất, hạn chế tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép, việc phát triển kinh tế từ rừng cũng hiệu quả hơn. Những khu vực giáp ranh, rừng đầu nguồn giao cho cộng đồng dân cư được bảo vệ tốt, giúp giữ được tỷ lệ che phủ rừng.
Vấn đề đặt ra, theo chi cục kiểm lâm tỉnh Phú Thọ là diện tích rừng nhỏ, lẻ, phân bố rộng trên địa bàn. Ý thức người dân trong việc bảo vệ rừng còn thấp. Nguồn kinh phí bố trí thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế so với nhu cầu. Trong đó, theo báo cáo của chi cục kiểm lâm việc chuyển hóa gỗ lớn thực hiện theo chính sách Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND tỉnh chưa hoàn thành kế hoạch do một số diện tích đưa vào thực hiện chuyển hóa gặp phải mưa bão gây đổ, gãy. Lý giải theo về khó khăn, còn do ngân sách Nhà nước không bố trí kinh phí thuê tư vấn lập hồ sơ thiết kế, dự toán chuyển hóa rừng gỗ lớn, kinh phí nghiệm thu, quản lý, trong khi ngân sách một số huyện còn hạn hẹp khó bố trí nguồn vốn. Do vậy rất gặp khó khăn khi triển khai thực hiện tại cơ sở.
Nhiệm vụ của UBND tỉnh Phú Thọ tại quyết định số:18/2011/QĐ-UBND đó là: Trồng và chăm sóc rừng: 63.440 ha, bao gồm: Trồng mới 5.474 ha; trồng lại sau khai thác 55.416 ha; trồng cây phân tán 2.550ha; Làm giàu rừng kết hợp với phát triển cây dược liệu dưới tán rừng trên diện tích 5 nghìn ha; Giữ ổn định 60 nghìn ha rừng trồng nguyên liệu giấy tập trung; 6 nghìn ha rừng cây gỗ lớn (trồng tập trung và phân tán); Cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt: 2.126 ha; Đến năm 2020 độ che phủ của rừng đạt trên 51%.
Phát triển rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu; đồng thời làm thay đổi tư duy người dân và phát triển rừng bền vững. Với lợi ích kinh tế lâm nghiệp của mô hình mang lại, ngành nông nghiệp, cụ thể là sự tham mưu, giúp sức của Kiểm lâm là hết sức quan trọng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, về môi trường rừng. Cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ lớn theo đúng chủ trương đề ra của tỉnh Phú Thọ. Bảo vệ toàn bộ diện tích hiện có, phát triển rừng bền vững, nâng cao chất lượng rừng, làm giàu rừng; khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, Đảm bảo đáp ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp chế biến lâm sản của tỉnh, gắn bảo vệ và phát triển rừng với an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường và phát triển du lịch sinh thái.
Văn Trì – Khắc Nghị