BVR&MT – Theo một nghiên cứu mới công bố trên chuyên san Animal Biology, vượn đã thay đổi hành vi khi du khách hiện diện và điều đó làm suy yếu hệ miễn dịch khiến chúng dễ lây nhiễm bệnh.
Tiếng vượn hú vào lúc tinh mơ trong khi chuyền cành trong những khu rừng rậm ở Campuchia là nét đặc trưng nhất về động vật hoang dã ở quốc gia Đông Nam Á này. Nhưng khi những hạn chế chống đại dịch được nới lỏng và tham quan du lịch được khôi phục, nghiên cứu khuyến cáo du khách nên đeo khẩu trang và đồ bảo hộ cá nhân khi đến gần vượn vì hệ miễn dịch mong manh khiến chúng dễ lây nhiễm Covid-19.
Campuchia không bị ảnh hưởng nặng từ đại dịch nhưng vắng khách du lịch quốc tế là đòn giáng thẳng vào nền kinh tế. Đi lại không bị ngăn trở, những nhà điều hành du lịch sinh thái đang nóng lòng hướng đến mùa ngắm vượn vào tháng 11.
Cu li, khỉ và vượn đều bị đe dọa vì mất sinh cảnh và nạn phá rừng ở Campuchia nhưng các tour đi bộ ngắm vượn đen má hung ngày càng phổ biến. Du khách phải trả hàng trăm đô la để hướng dẫn viên đưa tới những địa điểm có thể ngắm cách “chuyền cành” độc nhất vô nhị của vượn – tức là quăng mình từ tán cây này sang tán cây khác bằng cánh tay dài.
Nhà nghiên cứu Jessica Williams thuộc Đại học Quốc gia Australia và là tác giả nghiên cứu đã mất nhiều tháng theo dõi vượn ở VQG Veun Sai-Siem Pang thuộc phía đông bắc Campuchia, cảnh báo khả năng con người lây nhiễm virus cho vượn nếu họ không thực hiện đúng cách các biện pháp phòng chống.
“Chúng ta đã thấy Covid từ con người lây cho động vật nhiều lần. Covid cũng lây từ động vật cho người như chúng ta thấy ở trường hợp thú cưng. Các loài càng gần gụi thì càng dễ bị lây virus. Rõ ràng vượn là họ hàng gần của chúng ta và thật tệ là các bệnh hô hấp đã lây từ người sang các quần thể tinh tinh và gorilla”.
Nghiên cứu mới của Williams cho thấy vượn thay đổi rõ hành vi khi du khách đi vào sinh cảnh của chúng – điều này khiến chúng căng thẳng, mệt mỏi và bị suy yếu hệ miễn dịch nên càng khó chống nổi dịch bệnh.
“Nghỉ ngơi ít hơn tác đông đến hệ miễn dịch, khả năng nhận thức nên chúng ta cần chắc rằng vượn được nghỉ ngơi đầy đủ khi du lịch quay trở lại”, Williams phân tích. Cô đang thực hiện nghiên cứu tương tự với quần thể vượn ở khu dự trữ thiên nhiên Cao Lê Cống Sơn tại Trung Quốc.
Williams cũng đưa ra các khuyến nghị cho du khách và những người vận hành tour thực hiện. Hiện các khuyến nghị này đang được giới chuyên gia xem xét nhưng tương đối cơ bản và giống với hướng dẫn đối phó với đại dịch trên khắp thế giới: giữ khoảng cách an toàn giữa người và vượn, tránh chạm vào chúng.
“Tuyệt đối không nên chạm vào chúng, không cho chúng ăn. Nếu bạn không khỏe thì càng nên cách xa. Bệnh dịch có thể lây truyền và bạn cần bảo vệ các loài hoang dã cũng như chính bạn. Con người cũng có thể lây bệnh từ động vật”.
Williams cũng cho rằng sẽ có nhiều khách quốc tế đi đến các nơi vượn sống một khi lệnh phong tỏa tại nhiều nơi trên thế giới được nới lỏng và các công ty du lịch sẽ tích cực thúc đẩy tiếp thị. Quan trọng là thực hiện quy định đã đề ra.
“Bạn phải nhận ra rằng [được ngắm vượn] là đặc ân và bạn có tác động đến các loài hoang dã. Chúng ta không nên lấy đi cơ hội này của các thế hệ tương lai vì nhìn ngắm động vật hoang dã trong tự nhiên là một phép màu thực sự”.
Thế An (Theo Vice)