BVR&MT – Trong nhiều năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Nhằm bảo đảm chiến lược phát triển rừng bền vững, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).
Ðẩy mạnh quản lý, bảo vệ rừng
Xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Tổng diện tích rừng được bảo vệ là: 27.095,0 ha (tăng 35,33%) so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó diện tích do các Ban quản lý rừng, Công ty lâm nghiệp quản lý: 21.989,12 ha; các Doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân quản lý: 5.105,88 ha.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên kiểm tra, nắm bắt các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản đặc biệt tại các địa bàn có nguy cơ cao xâm hại đến tài nguyên rừng; thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
Tổng hợp báo cáo kết quả rà soát bổ sung số liệu 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh báo cáo UBND tỉnh xem xét và trình Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tích hợp vào quy hoạch quốc gia. Tham mưu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn trình UBND tỉnh: Ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 04/02/2020 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Từ đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyết định thành lập tổ công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ và phân công nhiệm vụ của tổ công tác. Kết quả 9 tháng đầu năm cơ bản đạt được kết quả tích cực cụ thể: số vụ vi phạm luật lâm nghiệp giảm 38% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác lâm sản tăng 25% so cùng kỳ 2019; ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 50%. Công tác Bảo tồn thiên nhiên: Tăng cường công tác quản lý động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh; Thiết lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 01 cơ sở nuôi nhốt động vật rừng trái pháp luật tại huyện Định Hóa; Tiến hành kiểm tra các cơ sở nuôi nhốt, chế biến động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo Quyết định số 815/QĐ-CCKL ngày 17/8/2020 của Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên. Kết quả đã tiến hành kiểm tra 17 cơ sở nuôi nhốt ĐVHD tại 07 đơn vị. Hầu hết các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã đều chấp hành đúng quy định của pháp luật. Chi cục đã cấp 08 mã số gây nuôi động vật hoang dã theo đúng quy định hiện hành.
Chi cục triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ, PCCCR; Thường xuyên triển khai các lớp tuyên truyền về quản lý bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR; tăng cường tuyên truyền về trồng rừng gỗ lớn, thâm canh rừng và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, 9 tháng đã tổ chức được 49 lớp tuyên truyền với 2.846 người tham gia.
Nâng cao phát triển kinh tế rừng
Đến nay, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình giống; ban hành hướng dẫn một số phương thức kỹ thuật trồng rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất sử dụng vốn hỗ trợ NSNN; đề nghị phê duyệt đề cương kỹ thuật dự án “Xây dựng khung giá rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tổng diện tích rừng được chăm sóc: 4.000 ha.
Trong 9 tháng đầu năm số tiền thu quỹ bảo vệ phát triển rừng là hơn 1 tỉ đồng (tăng 2,9%) so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó thu từ cơ sở thủy điện hơn 212.912.000 đồng; thu từ cơ sở sản xuất nước sạch 875.114.000 đồng; thu từ cơ sở du lịch 4.905.000 đồng. Tổng số tiền chi trả cho chủ rừng cung cấp DVMTR tính đến thời điểm hiện tại là 1.879.200.000 đồng (tăng 11,37%) so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích rừng cung ứng DVMTR đã chi trả tính đến thời điểm hiện tại là 4705,42 ha. Xác định quản lý, bảo vệ rừng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao đời sống của người dân, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tích cực trồng mới cũng như bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thông qua đó, người dân đã nhận thức được ý nghĩa, lợi ích kinh tế thiết thực từ rừng mang lại.
Do dịch COVID 19 và thời tiết có diễn biến phức tạp nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các công việc được giao như trồng rừng, chăm sóc rừng và khai thác lâm sản. Một số nội dung triển khai còn chậm so với kế hoạch đề ra. Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn như: Rà soát diện tích rừng tự nhiên theo hiện trạng thực tế do kiểm lâm địa bàn có nơi phụ trách từ 2-3 xã, diện tích rừng tự nhiên không tập trung, việc xác định đúng hiện trạng phải có điều tra, đánh giá cụ thể; công tác cập nhật theo dõi diễn biến rừng trên phần mềm đã được triển khai song còn gặp khó khăn.
Văn Trì