BVR&MT – Khí thải nhà kính đang khiến thế giới đối mặt với ngày càng nhiều thảm họa từ cháy rừng, lụt lội, bão lũ đến mất an ninh lương thực và suy thoái kinh tế.
Ngày 24/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã tổ chức phiên thảo luận bàn tròn cấp cao trực tuyến về biến đổi khí hậu, trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 đang diễn ra tại New York.
Lãnh đạo nhiều nước, đại diện giới tài chính doanh nghiệp và các tổ chức dân sự đã tham dự sự kiện nhằm cùng nhau đưa ra kế hoạch hành động ứng phó với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Phát biểu khai mạc, Tổng thư ký Guterres cho rằng thế giới đang nóng lên ở mức báo động, khí thải nhà kính đang khiến thế giới đối mặt với ngày càng nhiều thảm họa từ cháy rừng, lụt lội, bão lũ đến mất an ninh lương thực và suy thoái kinh tế.
Cũng theo người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới, đại dịch COVID-19 hiện nay không hề khiến cuộc khủng hoảng khí hậu tạm ngừng mà trái lại, mức khí thải nhà kính đã nhanh chóng cao trở lại như trước khi đại dịch xảy ra, dựa theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc ngày 9/9.
Ông Guterres kêu gọi thế giới cần hành động ngay đối với vấn đề cần thiết, đó là cố gắng phục hồi bền vững sau đại dịch COVID-19 và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại phiên thảo luận, Tổng thư ký Guterres đã trình bày 6 nhóm hành động ứng phó với biến đổi khí hậu để lãnh đạo các nước có thể cân nhắc tiến hành.
Các nhóm hành động bao gồm: tạo việc làm và các ngành nghề xanh; không thỏa hiệp với các ngành gây ô nhiễm; chấm dứt hỗ trợ cho các ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch; cân nhắc cẩn trọng các nguy cơ đối với khí hậu trong hoạch định chính sách; đưa ra các quyết định và cùng nhau hợp tác để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Phiên họp cũng đề cập tới những lợi ích kinh tế-xã hội to lớn mà việc phục hồi bền vững sau đại dịch có thể mang lại nếu như thế giới có thể giới hạn nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C bằng cách đưa lượng phát thải carbon về 0 vào năm 2050.
Tổng thư ký Guterres kêu gọi lãnh đạo các nước thúc đẩy nỗ lực toàn cầu trong việc hiện thực hóa mục tiêu của Hiệp ước Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu.