Trang ChủTin tứcHà Nội: Nguy cơ cao dịch xuất hiện và lây lan từ...
Hà Nội: Nguy cơ cao dịch xuất hiện và lây lan từ bệnh viện, nhà hàng
BVR&MT – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của người dân trong đợt này không bằng đợt dịch trước, nhất là tại các nhà hàng, quán ăn…
Chiều 17/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Thành phố Hà Nội giao ban dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Ngô Văn Quý, Trưởng ban chỉ đạo. Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Văn Sửu.
Nguy cơ dịch bệnh xuất hiện và lây lan từ bệnh viện, nhà hàng rất cao
Thành phố rà soát tổng số 100.090 người về từ Đà Nẵng, trong đó số về từ ngày 15/7 là 77.150 người. Từ chiều ngày 8/8/2020 đã trển khai lấy mẫu xét nghiệm PCR cho những người từ Đà Nẵng về trong thời gian từ 15-29/7 gửi các đơn vị của Bộ Y tế xét nghiệm, đến hết ngày 16/8 đã lấy được 50.602 mẫu, đã có kết qủa 28.478 mẫu, đều âm tính.
Có 13 đơn vị đã cơ bản triển khai xong gồm Phúc Thọ, Ứng Hòa, Đan Phượng, Hoàn Kiếm, Sơn Tây, Thạch Thất, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì, Quốc Oai, Phú Xuyên, Sóc Sơn và Mê Linh.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã xét nghiệm cho 1.086 người (trong đó có 854 người có biểu hiện ho, sốt, khó thở…).
Kết quả 1.078 trường hợp âm tính, hai trường hợp dương tính là BN752 tại Phúc Thọ và BN962 tại Thanh Xuân. Còn lại đang chờ kết quả.
Dự báo, trong giai đoạn này dịch bệnh đã xảy ra, tản phát tại cộng đồng trên địa bàn Hà Nội, tuy nhiên chưa lây lan thành ổ dịch lớn và nguồn lây đều từ ngoài thành phố xâm nhập vào.
Tại địa bàn thành phố đã có hiện tượng lây nhiễm thứ phát (F1 chuyển thành F0). Các ca mắc hầu hết được phát hiện tại các bệnh viện (8/10 ca).
Hà Nội là nơi có nhiều bệnh viện lớn của Trung ương cũng như thành phố và thường xuyên có lượng lớn người dân từ các tỉnh thành khác về khám chữa bệnh nên nguy cơ dịch xâm nhập từ các tỉnh thành khác vào là rất cao.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của người dân trong đợt này không bằng đợt dịch trước, nhất là tại các nhà hàng, quán ăn…
Chính vì vậy mà nguy cơ dịch bệnh xuất hiện và lây lan từ các bệnh viện và các cơ sở nhà hàng trong thời gian tới là rất cao.
Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm và truy cứu tiếp xúc liên quan
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường công tác khám sàng lọc, phân loại người bệnh đến khám (lưu ý cả những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở mà không rõ yếu tố dịch tễ), thực hiện xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ca nhiễm COVID-19, thực hiện nghiêm túc việc phân luồng, cách ly và kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm phòng tránh lây nhiễm trong các cơ sở y tế cũng như lây nhiễm từ các cơ sở y tế ra cộng đồng.
Đảm bảo đầy đủ trang bị phòng hộ cho nhân viên y tế trực tiếp phòng chống dịch, bảo đảm an toàn tốt nhất cho đội ngũ nhân viên y tế. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị đảm bảo cho việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc bệnh.
Đảm bảo công tác phòng chống dịch tại các nhà hàng, quán ăn. Đề nghị Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm các cấp tăng cường kiểm tra và xử lý sai phạm nếu có theo Quyết định số 2225/QĐ-BCĐQG ngày 28/5/2020 về việc ban hành hướng dẫn phòng chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng.
Thành phố tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm PCR cho những người về từ Đà Nẵng (trong thời gian từ ngày 15/7 đến 29/7).
Khi phát hiện ra ca bệnh tập trung điều tra, xác minh truy vết những người tiếp xúc và có liên quan, phát hiện nhanh nhất các ca nhiễm trong cộng đồng, cách ly kịp thời các trường hợp có nguy cơ; khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm và không được bỏ sót đối tượng.
Ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội, cho rằng người dân hiện nay chủ quan trong việc thực hiện giữ khoảng cách khi ra ngoài xã hội; việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên kể cả ở công sở cũng không được nghiêm túc. CDC đi kiểm tra cho thấy một số đơn vị chưa có phương án khi COVID-19 lây lan rộng, giám sát đã có phần lỏng lẻo hơn so với giai đoạn trước.
CDC Hà Nội đề xuất chỉ định xét nghiệm cho người già yếu cô đơn nằm trong khu nuôi dưỡng tập trung, bệnh nhân khoa hồi sức tích cực, luân phiên mạch máu, nhiều bệnh nền như tai biến mạch máu não, bệnh nhân tim mạch nặng…
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Nguyễn Sỹ Trường cho rằng cần phải nghiêm túc hơn trong việc cách ly các trường hợp F1, không để tình trạng lây lan như trường hợp BN962.
Theo ông, các địa phương cần phải quyết liệt hơn trong việc vận động Nhân dân hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết, tăng cường xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
“Chỉ cần số ít người không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch thì cả cộng đồng sẽ phải vất vả. Để bẻ gẫy được chuỗi lây lan này phụ thuộc rất lớn vào ý thức của từng người dân,” ông Trường nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, Quận xử lý hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng từ ngày 8-16/8/2020, phạt 140 trường hợp với số tiền 28.000.000 đồng.
Việc tạm dừng các hoạt động lễ hội đông người tại nơi công cộng, quán bar, karaoke và quán hàng nước vỉa hè đã thực hiện từ ngày 01/8/2020. Quận cũng đã tổ chức tuyên truyền tại Phố đi bộ để người dân thực hiện đúng việc giữ khoảng cách cũng như tạm dừng tổ chức các lễ hội và hoạt động có tập trung đông người tại khu Phố đi bộ.
Thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh tại nhà hàng, quán ăn
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định rằng hiện nay thành phố vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh, song với việc Hà Nội xuất hiện các ca thứ phát trên địa bàn thành phố, ‘nếu chúng ta không làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trong bệnh viện thì việc lây chéo sẽ rất đáng lo ngại. Trong thời gian tới có thể sẽ có ca mắc mới nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Dịch bệnh chưa có khả năng lây lan rộng trên địa bàn thành phố khi chúng ta thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nói.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị các quận, huyện, thị xã, sở ngành tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tiếp tục tuyên truyền vận động để người dân phòng chống dịch, không tập trung quá 30 người nơi công cộng; người dân khi có biểu hiện của bệnh phải đến ngay cơ sở y tế; người già cao tuổi có bệnh lý tuyên truyền không nên ra ngoài vì dễ lây nhiễm, trừ trường hợp cấp thiết.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Ngô Văn Quý đề nghị các đơn vị đôn đốc kiểm tra các nhà hàng, quán ăn, quán giải khát phải thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh: chỗ ngồi cách nhau 1m, có vách ngăn, toàn bộ nhân viên phải đeo khẩu trang, có biển hướng dẫn phòng chống dịch, đo thân nhiệt cho khách hàng và bố trí dung dịch sát khuẩn. Các quận huyện quản lý chặt chẽ các khu cách ly trên địa bàn. Các nhà hàng, quán ăn cần nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn phòng chống dịch; nếu không thực hiện nghiêm thì phải đóng cửa.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu tập trung kiểm tra phòng chống dịch tại các bệnh viện, các cơ sở y tế tư nhân, nếu bệnh viện nào không đảm bảo tiêu chí an toàn yêu cầu dừng hoạt động tránh lây nhiễm. Sở Lao động Thương binh và xã hội kiểm tra phòng chống dịch tại các cơ sở có người cao tuổi, người có công với cách mạng.