Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục chống chọi dịch Covid-19

BVR&MT – Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã tác động tiêu cực đến hầu hết các doanh nghiệp (DN) sản xuất và dịch vụ vốn chưa kịp phục hồi “sức khỏe” sau đợt dịch lần đầu. Thời điểm này, sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Nhà nước đang là vấn đề cấp bách giúp các DN duy trì hoạt động, từng bước vượt qua thử thách.

Công nhân Công ty cổ phần Daikin Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long II (Hưng Yên) làm việc tại dây chuyền lắp ráp máy điều hòa không khí.
Chồng chất khó khăn
Sau khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 lần thứ nhất, sau ba tháng yên ổn, không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, du lịch trong nước (ngành kinh tế chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất của dịch) đã bắt đầu hồi phục với mức tăng trưởng hết sức ấn tượng. Chị Tuyết Nhung, chủ một khách sạn quy mô 10 phòng trên phố Hàng Thiếc (Hà Nội) chia sẻ, sau khi phải đóng cửa hơn hai tháng trong đợt giãn cách xã hội, từ tháng 6 vừa qua, chị Nhung và cộng sự đã nhanh chóng cho khách sạn hoạt động trở lại.
Do hệ thống các khách sạn lớn chưa kịp mở cửa do chưa đón khách quốc tế, khách sạn quy mô nhỏ như của chị Nhung nhờ đó có đất sống. Trong hai tháng 6 và 7, dù giá phòng giảm 60 đến 65%, nhưng tỷ lệ chiếm phòng khá cao (khoảng 90%), nên chị Nhung vẫn đủ doanh thu để trang trải các chi phí tối thiểu như tiền thuê nhà, nhân công,… Thế nhưng, “làn sóng” dịch lần thứ hai bùng phát đã dập tắt mọi nỗ lực của chị. Tuy chưa đến mức độ giãn cách triệt để như đợt trước, song tâm lý e ngại vẫn bao trùm khắp xã hội khiến người dân hạn chế cả việc đi lại, công tác chứ đừng nói đến du lịch. Từ đầu tháng 8 trở lại đây, dù tiếp tục giảm giá mạnh, song lượng khách ngày càng giảm. “Mặc dù chủ nhà hỗ trợ 30% giá thuê, nhưng doanh thu quá ít ỏi như hiện nay chưa bù nổi tiền thuê nhà chứ đừng nói đến các chi phí khác. Nếu tình trạng này còn kéo dài một đến hai tháng nữa, chắc tôi phải đóng cửa khách sạn”, chị Nhung than thở.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư, Trần Quốc Phương nhận định, tác động của dịch lần này đến nền kinh tế rất lớn, khiến các chỉ số tăng trưởng bị tác động mạnh. Có thể thấy rõ, dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực ngay lập tức đến ngành du lịch và vận tải hành khách. Khách du lịch trong nước hủy tua, hủy hợp đồng; vận tải hành khách ngưng trệ,… Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, do tâm lý lo sợ dịch kéo dài, người dân đã chủ động tiết giảm chi tiêu khiến nhiều hoạt động kinh tế lâm vào đình trệ. Ngoài các hoạt động như du lịch, vui chơi giải trí gần như ngừng hẳn, nhiều loại hình thương mại dịch vụ khác như thời trang, điện tử, ô-tô, xe máy, hay thậm chí nhà hàng và quán cà-phê cũng đều vắng khách. Từ đó, tiếp tục tác động xấu đến hoạt động của các DN sản xuất và thương mại khác. Các DN của Hà Nội, nhất là các DN nhỏ và vừa chưa kịp hồi phục qua đợt dịch Covid-19 trước, nay lại gặp “cơn bão mới” và rất dễ dàng bị “quật ngã”.
Sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Ðà Nẵng và có dấu hiệu lan ra một số địa phương khác, kể từ ngày 28-7, các hãng hàng không dừng bay đến Ðà Nẵng, cùng với đó là giảm mạnh số chuyến bay khác, khiến đợt cao điểm hè nhanh chóng kết thúc. Các hãng đang phải tiếp tục đối mặt khó khăn được dự báo căng thẳng hơn trước đây, khi nhiều người dân có tâm lý lo ngại, hủy hoặc dời lịch bay sang các tháng sau. Số liệu thống kê mười ngày qua cho thấy, so với trước khi dịch bùng phát, số chuyến bay khai thác đã giảm khoảng 15%, lượng khách giảm hơn 30%. Các chặng bay đến những điểm du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn,… dù vẫn khai thác bình thường nhưng rất ế ẩm, dù giá rẻ nhưng vé còn nhiều. Sau lệnh dừng bay, các hãng hàng không trong nước đều phải xử lý nhiều trường hợp hoàn, hủy vé. Phó Tổng Giám đốc hãng Bamboo Airways Nguyễn Khắc Hải cho hay, trước khi đợt dịch thứ hai xảy ra, hãng đã nhanh chóng khôi phục 100% mạng đường bay trong nước, một số đường bay thời điểm cao điểm tháng 6, tháng 7 thậm chí còn cao hơn cả giai đoạn trước Tết Nguyên đán Canh Tý. Bên cạnh việc tập trung các giải pháp ứng phó dịch, Bamboo Airways đang thống kê, đánh giá ảnh hưởng tiềm tàng đối với hoạt động của hãng, để chuẩn bị các kịch bản, phương án phục hồi khai thác ngay khi điều kiện cho phép.
Tiếp tục lên phương án hỗ trợ hiệu quả
Trước làn sóng dịch bệnh lần thứ hai có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh của toàn ngành hàng không, các hãng hàng không đều kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có giải pháp, cơ chế phù hợp, điều chỉnh về giá dịch vụ các hoạt động hàng không như dịch vụ cất, hạ cánh tàu bay, điều hành bay. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã miễn, giảm giá nhiều dịch vụ cho tất cả các hãng hàng không đang sử dụng dịch vụ tại các sân bay của DN. Theo đó, có bảy loại dịch vụ thuộc thẩm quyền được ACV miễn, giảm giá từ 10 đến 50%, chung tay cùng các hãng đối phó dịch bệnh, sớm khôi phục hoạt động. Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ xem xét, hỗ trợ về lãi suất vay vốn đối với các hãng hàng không Việt Nam. Không chỉ các ngành dịch vụ, cả DN sản xuất cũng đang phải hứng chịu tác động xấu từ đợt dịch Covid-19 lần này, tuy chưa thật sự rõ nét như trước. Trong dài hạn, các DN tư nhân cần có chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về tài chính để đẩy nhanh tốc độ khôi phục sản xuất, kinh doanh. Theo báo cáo của Bộ Công thương, do ảnh hưởng của dịch, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu. Tính đến tháng 7, nhiều DN dệt may gần như chưa có đơn hàng “gối đầu” cho hai quý cuối năm, trong khi khẩu trang và đồ bảo hộ đã giảm mạnh cả về giá và sản lượng do dư thừa nguồn cung trên thế giới. Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường nhận định, sáu tháng đầu năm vừa qua có lẽ vẫn chưa phải là thời điểm khó khăn nhất đối với ngành dệt may, do kinh tế còn thông thương và số ca nhiễm bệnh chưa tăng cao. Thời điểm này, khi nhiều nước gần như rơi vào tình trạng không kiểm soát được dịch bệnh, chưa tạo lập lại việc làm, ngân khố các quốc gia đều ở trạng thái cạn kiệt và nhu cầu tiêu dùng giảm, quý III và quý IV năm nay mới thật sự là thử thách đối với ngành dệt may. Giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra là từ nay đến cuối năm, DN cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bùng phát trở lại, giải pháp này khả năng sẽ khó đem lại hiệu quả như mong muốn.
Nhận định về “sức khỏe” hiện nay của DN, Phó Giám đốc Thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) Phạm Thị Ngọc Thủy cho rằng, sức chống chịu của DN hiện đã rất mỏng, nhất là căng thẳng về dòng tiền. Từ đợt dịch đầu tiên, các DN hầu hết đều chịu tác động lớn, hoạt động gần như tê liệt. Từ khi dịch bệnh bùng phát, ngành da giày vẫn chưa tìm được sản phẩm thay thế; dệt may dù chuyển hướng sang một số sản phẩm phòng, chống dịch (như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ) nhưng thực tế từ tháng 7 đến nay, đơn hàng mới rất khan hiếm. Du lịch, lữ hành hoàn toàn tê liệt, hầu như không có giải pháp nào khả thi trong bối cảnh dịch bùng phát trở lại. Hầu hết các DN đã kiệt lực, không còn sức suy nghĩ đến giải pháp chống chịu, chỉ quan tâm làm cách nào tiết giảm dòng tiền chi ra. Nhiều DN luôn bị căng thẳng với nhiều khoản chi phí phải đóng cho Nhà nước như tiền thuê đất, thuế phí,… Ðơn cử, một DN logistics năm 2019 phải đóng tiền thuê đất 6,3 tỷ đồng, sang năm nay đã tăng vọt lên hơn 20 tỷ đồng do khung giá thuê đất tăng mạnh, cộng thêm cách tính cũng thay đổi (đất thuê của nhóm logistics trước đây thuộc khung đất công nghiệp, tiểu thủ công nghệ, nay áp theo khung loại hình dịch vụ, nhà hàng, khách sạn với hệ số tăng từ 1,5 đến 2,1 lần),… Nhiều DN dệt may, da giày cần diện tích nhà xưởng, kho bãi lớn cũng lâm phải tình trạng tương tự trong bối cảnh dòng tiền cạn kiệt.
Các chuyên gia kinh tế kiến nghị, Chính phủ cần cho rà soát lại các gói hỗ trợ trong bối cảnh làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ hai để nghiên cứu, xem xét, tháo gỡ vướng mắc một cách nhanh chóng. Tiếp đó, cần mở rộng những gói hỗ trợ, thời gian, thời hạn và cả đối tượng cần hỗ trợ. Do dịch bệnh, sức cầu trên thị trường giảm sâu, nhu cầu vay vốn của DN sẽ giảm, đồng thời kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng thay đổi, không còn như trước. Dịch bệnh chưa có chiều hướng giảm mà còn có nguy cơ bùng phát mạnh hơn trước, DN đã khó sẽ càng khó khăn hơn. Bên cạnh việc hạ lãi suất, khoanh nợ,… phía ngân hàng cần hợp tác với tổ chức tư vấn để cập nhật vào hồ sơ vay vốn của DN. Việc thận trọng trước khi bơm vốn ra thị trường là cần thiết để tránh phát sinh nợ xấu sau dịch. Tuy vậy, câu chuyện hỗ trợ DN thời điểm này một lần nữa tiếp tục được đưa ra xem xét như một vấn đề cấp bách chứ không thể đợi DN đổ vỡ, phá sản rồi mới tính toán đến phương án hỗ trợ. Trước đây, Chính phủ đã chấp thuận gia hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập và tiền thuê đất cho DN trong năm tháng, được DN đánh giá là chính sách hiệu quả trong nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai. Do đó, trong tình hình mới lần này, cần tiếp tục xem xét cho giãn, hoãn các khoản thu, hỗ trợ DN có đủ sức chống chịu dịch bệnh khi nguồn lực đã cạn kiệt.
Chính phủ đã có những kịch bản ứng phó từng giai đoạn dịch bệnh, ngay cả trong tình huống xấu nhất. Trước đây, Chính phủ đã tập trung xử lý, hỗ trợ nhiều cho DN ngành hàng không, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1-8 đến 31-12-2020. Trước đó, Bộ Tài chính cũng giảm 10% mức thu, nộp phí nhượng quyền khai thác sân bay; giảm 20% mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với máy bay và phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép,… Các chính sách hỗ trợ nêu trên đã góp phần tạo ra dòng tiền để bảo đảm tính thanh khoản trong các hoạt động tài chính của ngành hàng không.
TS. NGUYỄN ÐỨC KIÊN
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội,
Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng