Mở cửa thị trường phân phối xăng dầu: Để “lượng đổi, chất đổi”
BVR&MT – Việc mở cửa thị trường xăng dầu nội địa cho doanh nghiệp nước ngoài tạo động lực buộc mỗi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh tốt hơn.
Đề xuất của Bộ Công Thương về mở cửa cho doanh nghiệp ngoại phân phối xăng dầu được kỳ vọng sẽ tạo ra sự cạnh tranh thực sự trên thị trường Việt Nam, từ đó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, mục tiêu này có hiện thực hóa được hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách “nền móng.”
Động lực để cạnh tranh lành mạnh
Sau gần ba năm kể từ khi Công ty liên doanh giữa Kuwait International Petroleum và Idemitsu Kosan của Nhật Bản là Idemitsu Q8 chính thức khai trương cửa hàng kinh doanh xăng dầu đầu tiên tại Việt Nam, thị trường phân phối xăng dầu trong nước đã có sự biến chuyển nhất định trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.
Với phong cách phục vụ đặc trưng Nhật Bản khi cúi gập chào khách vào đổ xăng, các cửa hàng xăng dầu “ngoại” đã gây được ấn tượng tốt về thái độ phục vụ với khách hàng Việt Nam.
Bên cạnh đó, với hệ thống phần mềm quản lý tự động và các tiện ích thanh toán bằng thẻ, các cửa hàng xăng dầu của Idemitsu Q8 không chỉ tạo sự tiện lợi cho việc mua xăng dầu mà còn cung cấp báo cáo các chi tiết giao dịch cho khách hàng, giúp tránh tình trạng gian lận.
Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) Cao Hoài Dương cho biết, việc mở cửa thị trường xăng dầu nội địa cho doanh nghiệp nước ngoài như Idemitsu Q8 là xu thế mở cửa tất yếu và tạo động lực cạnh tranh buộc mỗi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh tốt hơn và hoạt động hiệu quả hơn.
Thực tế là, cùng với việc tăng thêm số cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các thành phố nhỏ, khu vực nông thôn, tại các đường liên tỉnh, liên huyện và liên xã nhằm tạo thuận lợi cho người tiêu dùng mua được các sản phẩm xăng dầu đạt tiêu chuẩn chất lượng, đủ về số lượng và với giá bán quy định, PVOIL tiếp tục phát triển sản phẩm dịch vụ mang tính cạnh tranh riêng của PVOIL.
Cụ thể, PVOIL đã triển khai ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua xăng dầu bằng dịch vụ PVOIL Easy và hợp tác với các ứng dụng thanh toán điện tử lớn nhất Việt Nam như: MoMo, GOT IT, ViettelPay, VCB Pay, VCB Mobile Banking và 22 ngân hàng liên kết của Vietcombank.
Cho đến nay, PVOIL cũng là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất ứng dụng thanh toán điện tử bằng mã QR khi mua xăng dầu, ông Dương cho biết.
Về phía doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn nhất cả nước là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Phó Tổng giám đốc Petrolimex Nguyễn Quang Dũng khẳng định, việc mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam là hướng đi tích cực, giúp chia sẻ những bí quyết, kinh nghiệm cũng như nguồn lực, khiến cho thị trường tăng tính cạnh tranh hơn nữa.
Bên cạnh đó, việc tham gia của doanh nghiệp ngoại cũng sẽ khiến cho các doanh nghiệp trong nước phải chủ động và thích ứng hơn với điều kiện mới trong hoạt động kinh doanh.
Hiện, Petrolimex đã trình lên các cơ quan quản lý đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước xuống còn 51% nhằm giúp nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội sở hữu cổ phần.
Vì vậy, đề xuất của Bộ Công Thương về mở zoom cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xăng dầu là phù hợp với kỳ vọng của doanh nghiệp, ông Dũng chia sẻ.
Thực tế là, trong nhiều năm qua, Petrolimex đã có sự chuẩn bị cho việc mở cửa thị trường này. Theo đó, nhằm minh bạch hóa và đảm bảo không có việc gian lận trong kinh doanh, Petrolimex đã triển khai chương trình quản lý EGAS trên toàn bộ hệ thống cửa hàng xăng dầu Petrolimex trong những năm qua để kết nối tự động dữ liệu từ cột bơm xăng với máy tính tại Tập đoàn, trang bị camera theo dõi bán hàng.
Petrolimex cũng triển khai nhiều tiện ích phục vụ khách hàng như bản đồ các cây xăng Petrolimex trên internet, hệ thống thanh toán POS chấp nhận thẻ tín dụng của 41 ngân hàng thành viên thuộc liên minh NAPAS cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng với quy trình 5 bước phục vụ khách hàng.
Cùng đó, Petrolimex đã triển khai nhiều cửa hàng xăng dầu tự phục vụ, một hình thức bán hàng văn minh, hướng tới việc minh bạch trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Ngoài việc tự kiểm soát được số lượng mua, người tiêu dùng còn được hưởng nhiều lợi ích như được tặng miễn phí “Thẻ khách hàng tự phục vụ,” được tích điểm để nhận ưu đãi khi mua xăng dầu, được tham gia nhiều chương trình tri ân khách hàng.
Đặc biệt, vào cuối năm 2019, Petrolimex đã đưa vào hoạt động cửa hàng xăng dầu tích hợp trạm rửa xe tự động tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội.
Đây là công trình đầu tiên tích hợp Trạm rửa xe tự động vào Cửa hàng xăng dầu theo chủ trương của thành phố Hà Nội, nhằm từng bước loại bỏ các Cửa hàng rửa xe tự phát, góp phần bảo vệ môi trường, tạo nên một Hà Nội xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là Thủ đô – trái tim của cả nước, ông Dũng cho biết.
Cần chính sách phù hợp để cạnh tranh thực sự
Theo nhiều doanh nghiệp, việc mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm tạo động lực cạnh tranh mới chỉ là điều kiện cần, còn thị trường phân phối xăng dầu có thực sự cạnh tranh được hay không lại phụ thuộc rất nhiều ở chính sách quản lý xăng dầu, đặc biệt là cơ chế điều hành giá.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ cho biết hiện cả nước có hàng chục thương nhân đầu mối được phép nhập khẩu và cung ứng xăng dầu nhưng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng chưa có sự cạnh tranh đúng nghĩa do đặc thù trong cơ chế điều hành giá hiện nay.
Vì vậy, Nhà nước chỉ nên ban hành khung giá định kỳ để doanh nghiệp vận dụng nhằm tạo ra sự cạnh tranh bằng giá.
Lý giải rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng cho biết, mở cửa thị trường nhưng nhà nước vẫn tính toán, công bố giá để mọi doanh nghiệp áp dụng theo thì thực chất chưa có sự cạnh tranh về giá xăng dầu đúng nghĩa để người tiêu dùng được hưởng lợi nhất như nhiều nước trên thế giới.
Mặt khác, giá bán lẻ xăng dầu phụ thuộc vào bán buôn nên muốn có được thị trường bán lẻ cạnh tranh thực sự thì còn cần mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào cả khâu từ nhập khẩu đến bán buôn.
Đề xuất giải pháp để phát triển một thị trường bán lẻ cạnh tranh lành mạnh thực sự, Tổng Giám đốc PVOIL Cao Hoài Dương cho rằng, với giá xăng dầu hiện thay đổi hàng ngày và không theo các quy luật như trước đây, chính sách điều hành giá xăng dầu thông qua các Quỹ bình ổn xăng dầu như hiện nay đang tạo ra sự bị động cho doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Đồng quan điểm này, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam trong nhiều bản kiến nghị gửi cơ quan quản lý nhà nước đều chỉ rõ, việc điều hành quỹ bình ổn xăng dầu chưa có quy định rõ ràng để lý giải khi giá xăng tăng bao nhiêu phần trăm sẽ trích quỹ bao nhiêu, khi nào sử dụng, khi nào không sử dụng quỹ.
Điều này dẫn tới việc sử dụng quỹ bình ổn quá lớn ở thời điểm không phù hợp sẽ khiến cho các doanh nghiệp đầu mối có mức quỹ thấp sẽ âm quỹ và phải sử dụng tạm thời nguồn vốn kinh doanh hoặc vay ngân hàng để bù quỹ, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh.
Cụ thể, quỹ bình ổn giá xăng dầu của Petrolimex đã bị âm 240 tỷ đồng, quỹ bình ổn giá xăng dầu của PVOIL bị âm hơn 620 tỷ đồng vào thời điểm điều chỉnh giá xăng ngày 17/4/2019.
Vì vậy, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị bỏ quỹ bình ổn giá này để đảm bảo minh bạch công khai trong điều hành và tạo cơ hội bình đẳng giữa các doanh nghiệp cũng như giúp giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới.
Theo Tiến sỹ Lê Thị Thùy Vân, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Chile, Mexico vẫn có quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Nguồn thu vào Quỹ được lấy từ thành 4 nguồn chính gồm: Các khoản thuế xuất nhập khẩu; thu trực tiếp với các nhà máy lọc dầu trên lãnh thổ; từ giá bán lẻ trong nước và từ ngân sách.
Tuy nhiên, các quỹ này chỉ chủ yếu được sử dụng để điều tiết giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới tăng cao, còn không nhằm mục đích bù giá trong mọi trường hợp.
Ngoài ra, Tiến sỹ Lê Thị Thuỳ Vân cho biết, các quỹ bình ổn hầu hết được quản lý và giám sát bởi Bộ Tài chính; một số nước mở tài khoản quỹ tại Kho bạc Nhà nước, một vài nước quỹ được quản lý tại doanh nghiệp nhưng chịu sự giám sát của Bộ Tài chính để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động.
Ở một góc độ khác, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Nguyễn Quang Dũng đề xuất, Nhà nước cần có sự giám sát và kiểm tra thường xuyên, liên tục với hoạt động kinh doanh xăng dầu để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục có những chương trình đầu tư hạ tầng nhất là giao thông tới các địa bàn vùng sâu vùng xa để giảm chi phí logistics; điều chỉnh chính sách giá bán tại các địa bàn này phù hợp.
Có như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mới đảm bảo hiệu quả kinh doanh, mạnh dạn mở rộng phạm vi kinh doanh ở vùng sâu, vùng xa, từ đó giúp cho người tiêu dùng được hưởng lợi về giá xăng dầu, ông Dũng chỉ rõ.