BVR&MT – Mới đây, Thành ủy Hà Nội ban hành Thông báo số 2727-TB/TU, kết luận của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy tại hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2020.
Theo đó, nhằm phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế, để hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu năm 2020, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội thành phố, cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo các huyện, thị xã và các quận tiếp tục tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, về phát triển nông nghiệp: Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng trưởng ngành Nông nghiệp theo đúng kịch bản đề ra, phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2020 đạt 4,12% trở lên.
Thực hiện tốt công tác gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch hại và bảo vệ cây trồng vụ Mùa; xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch sản xuất vụ Đông năm 2020-2021; tập trung chỉ đạo công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; tận dụng tối đa diện tích đất phục vụ sản xuất, tránh để hoang hóa, lãng phí.
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; làm tốt công tác kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, vệ sinh ATTP; công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt bệnh dịch tả lợn châu Phi và cúm gia cầm; triển khai thực hiện các dự án trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản an toàn, đảm bảo phát triển bền vững theo quy hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt, tập trung ở các xã, vùng trọng điểm; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển, tìm kiếm thị trường mới đối với sản phẩm nông nghiệp Thủ đô; tăng cường liên doanh, liên kết giữa các tổ chức, cá nhân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Các quận, huyện, thị xã tập trung xử lý dứt điểm việc giải thể, chuyển đổi sang loại hình khác đối với các hợp tác xã đã ngừng hoạt động. Nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp yếu kém, tập trung chỉ đạo giúp các hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các trang trại về đất đai, vốn, khoa học kỹ thuật…
Trong xây dựng nông thôn mới: Phấn đấu đạt mục tiêu có thêm thị xã Sơn Tây, 6 huyện và 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, lập thành tích thiết thực chào mừng đại hội đảng bộ các huyện, thị xã, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVII.
Về nâng cao đời sống nông dân: Tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, đào tạo nghề; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu hút nguồn lao động phát triển kinh tế nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình của Thành phố về giảm nghèo. Nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đô thị, nhất là ở khu vực các huyện phía Nam thành phố. Hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, liên kết đầu tư, mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập. Phát triển và mở rộng sản xuất trong các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề nông thôn để giải quyết việc làm cho nông dân, thúc đẩy chuyển dịch lao động nông thôn.
Song song với thực hiện các nội dung trên, tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP. Tập trung công tác đăng ký, xây dựng và thẩm định hồ sơ, đảm bảo hoàn thành mục tiêu 1.000 sản phẩm OCOP trong năm 2020. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng Online…
Hoàng Tôn