BVR&MT – Chiều ngày 11/6, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đã có thông báo gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng về việc ứng phó áp thấp nhiệt đới khả năng đi vào Biển Đông và mưa lớn diện rộng.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đang hoạt động ở ngoài khơi Philippines, dự báo trong 2-3 ngày tới, ATNĐ có thể đi vào Biển Đông và khả năng mạnh lên thành bão.
Do ảnh hưởng của ATNĐ, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to diện rộng từ tối 13, kéo dài tới ngày 15/6, trọng tâm mưa to đến rất to ở vùng núi Bắc Bộ, nguy cơ cao xảy ra lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất.
Để chủ động ứng phó với ATNĐ và mưa lớn diện rộng, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã ban hành thông báo số 202 về việc ứng phó với ATNĐ khả năng đi vào Biển Đông và mưa lớn diện rộng. Tại công văn Ban Chỉ đạo đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng khẩn trương thực hiện một số nội dung:
Đối với khu vực đất liền Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ: Kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, vùng ngập sâu khi mưa lớn; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; Tổ chức kiểm tra việc vận hành các hồ chứa, đặc biệt là các hồ thủy điện nhỏ để bảo đảm an toàn đập và vùng hạ du.
Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất và hệ thống các trạm đo mưa trên địa bàn để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và sản xuất.
Đối với khu vực trên biển: Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của ATNĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng, giữ liên lạc với thuyền trưởng và chủ các phương tiện tàu, thuyền nhằm chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
* Trước đó, hồi 16 giờ, ngày 11/6, ở vùng biển miền trung Philippines xuất hiện một áp thấp nhiệt đới, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,0 độ vĩ bắc; 122,8 độ kinh đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 230 km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6 khoảng 60 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và đi vào Biển Đông. Đến 16 giờ ngày 12/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,5 độ vĩ bắc; 119,4 độ kinh đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 90 km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: Phía đông kinh tuyến 118,0 độ kinh đông; từ vĩ tuyến 15,0 độ vĩ bắc đến 18,0 độ vĩ bắc. Cấp độ rủi do thiên tai do áp thấp nhiệt đới: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 13/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,0 độ vĩ bắc; 116,2 độ kinh đông, cách Hồng Công (Trung Quốc) khoảng 350 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và có khả năng mạnh thêm.