BVR&MT – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ thăm và làm việc tại Bắc Giang, dự và cắt băng tại lễ xuất hành đoàn xe vải thiều đi tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.
Ngay sau khi cắt băng tại quảng trường 3/2 tại thành phố Bắc Giang, đoàn xe container chở vải đi tiêu thụ tại các thị trường như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Trung Quốc…
Sự kiện này diễn ra cùng dịp tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020, với sự tham gia của nhiều địa phương trong cả nước và 2 điểm cầu tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ vải chính của tỉnh.
Vải thiều là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của Bắc Giang. Hàng năm, sản xuất vải thiều thu về khoảng 4.000- 4.500 tỷ đồng, chưa tính thêm doanh thu từ các dịch vụ phụ trợ, chiếm 25- 28% giá trị ngành trồng trọt của toàn tỉnh.
Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu và tiêu thụ tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỉnh vẫn xác định thị trường truyền thống là thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục chiến lược xuất khẩu vào các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Thái Lan…
Năm 2020, diện tích vải toàn tỉnh là 28.126 ha, sản lượng ước đạt 160.000 tấn, tăng khoảng 10.000 tấn so với năm 2019. Thời gian thu hoạch vải chín sớm từ ngày 10/5 đến ngày 10/6/2020; vải chính vụ sẽ thu hoạch từ ngày 10/6 đến ngày 20/7/2020.
Do tác động của dịch COVID-19, việc thu mua vải thiều của các doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài rất hạn chế. Tuy nhiên, Bắc Giang đã chủ động sớm xây dựng phương án nên hoạt động tiêu thụ tương đối thuận lợi, giá ổn định. Đến nay toàn tỉnh đã tiêu thụ được hơn 18.000 tấn vải sớm, giá bình quân 25.000 đồng/kg.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng đến dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm “Vườn quả Bác Hồ” (tiền thân là “Rừng cây Bác Hồ” hình thành vào năm 1970) tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; trò chuyện, động viên bà con vùng vải có sản lượng hàng đầu tỉnh Bắc Giang.
Thủ tướng chia sẻ niềm vui với bà con nông dân khi năm nay vải thiều được mùa, được giá, đời sống ngày càng được cải thiện cũng như ghi nhận ý của bà con mong muốn các cơ quan chức năng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào nông nghiệp và đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Thủ tướng cũng đã đến thăm cụm di tích quốc gia Tiên Lục (gồm chùa Quang Phúc, đền Tiên Lục, đình Thuận Hòa và cây Dã Hương nghìn năm tuổi) thuộc xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang. Thân cây dã hương trong cụm di tích khoảng 8 người ôm, chu vi chỗ lớn nhất khoảng 17m, cao khoảng 36m. Vào thế kỷ 18, cây dã hương này đã được vua Lê Hiển Tông sắc phong là Quốc chúa Đô mộc Dã Đại vương, nghĩa là cây dã hương lớn nhất nước.