BVR&MT – Đầu tháng 3, nhằm ứng phó với đại dịch virus corona chủng mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT soạn thảo chỉ thị cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/4. Tuy nhiên, thời hạn đã qua gần 1 tháng nhưng chưa có bất cứ thông tin nào về lệnh cấm được đưa ra.
Các tổ chức bảo tồn tại Việt Nam tuần trước đã gửi thư cho Thủ tướng đề nghị cập nhật kế hoạch soạn thảo chỉ thị lệnh cấm này.
Trước đó, ngày 16/2/2020, 14 tổ chức bảo tồn đã gửi Thư ngỏ lên Thủ tướng nhằm kiến nghị về việc Việt Nam cần xác định và đóng cửa các chợ cùng các địa điểm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, qua đó góp phần ngăn chặn dịch bệnh trong tương lai. Các chuyên gia tin rằng đại dịch Covid-19 bắt đầu khi một loại virus nhảy từ một loài động vật hoang dã sang người tại một khu chợ ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Yoganand, Trưởng nhóm khu vực về tội phạm và động vật hoang dã thuộc WWF Greater Mekong cho biết các hệ thống pháp lý về động vật hoang dã cần được cải thiện trên khắp Đông Nam Á: “Hiện luật pháp về thương mại động vật hoang dã của hầu hết các quốc gia không tính đến yếu tố rủi ro bệnh truyền nhiễm. Đây là một lỗ hổng chính sách lớn. Để giảm thiểu rủi ro dịch bệnh lây lan, các chính phủ cần phải đình chỉ mọi hoạt động buôn bán động vật và chim hoang dã, và phải tuân theo đánh giá khoa học về nhóm động vật hoang dã nào có nguy cơ cao mang virus có thể truyền sang người”.
Về phần mình, CHANGE đang tiếp tục vận động cho lệnh cấm. Hiện tổ chức đã thuyết phục bốn đại biểu Quốc hội chia sẻ với truyền thông trong nước về tầm quan trọng của việc chấm dứt buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Bên cạnh đó, CHANGE cũng thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức mang tên Vật chủ để giáo dục công chúng về mối liên hệ giữa động vật hoang dã và các bệnh truyền nhiễm mới. Theo đó, video đầu tiên có tựa đề “Tiếng gọi vùng hoang dã” thu hút hơn 4 triệu lượt xem trên Facebook và hơn 3,5 triệu lượt xem trên YouTube. Thông điệp kết thúc là “Hãy dừng sử dụng động vật hoang dã để có tương lai tốt đẹp hơn/an toàn hơn”.
Nhật Anh (Theo Mongabay)