EU lên kế hoạch trồng 3 tỷ cây xanh để giải quyết khủng hoảng đa dạng sinh học

BVR&MT – Ủy ban châu Âu đã và đang khởi động một nỗ lực sâu rộng để giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học toàn cầu bằng lời kêu gọi trồng 3 tỷ cây xanh từ nay đến năm 2030 và vạch ra kế hoạch bảo vệ tốt hơn các khu rừng nguyên sinh cuối cùng của lục địa.

Theo tài liệu dự thảo chính sách được một tổ chức phi chính phủ về môi trường công bố trực tuyến, EU thừa nhận rằng cho đến nay “việc bảo vệ đa dạng sinh học là không đầy đủ, khôi phục còn ở quy mô nhỏ, thực thi pháp luật vẫn chưa hiệu quả”.

Giới khoa học và các nhóm môi trường bình luận rằng dù các mục tiêu mới đáng hoan nghênh và ấn tượng thì vẫn còn thiếu các công cụ để thực hiện.

Przemysław Chylarecki thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan phân tích: “Đó là một tài liệu hay và đầy tham vọng nhưng điều hiển nhiên là thiếu chiến lược thực hiện và chưa có thảo luận về lý do tại sao các tài liệu tương tự trước đây thất bại”.

Chiến lược mới kêu gọi chuyển gần 1/3 đất liền và biển của EU thành các khu bảo tồn. Hiện tại, 26% đất đai và 11% biển được phân loại là khu bảo tồn nhưng Ủy ban châu Âu thừa nhận như thế vẫn chưa đủ để giải quyết tình trạng xuống cấp của thế giới tự nhiên và mối đe dọa tuyệt chủng với một số loài chim và động vật. Các nhà môi trường nói rằng thực tế thì ngay cả những mục tiêu bảo vệ trước đây cũng không đạt được.

Nhiều nước trở thành đích ngắm của các công ty khai thác gỗ trong khi các chính phủ hoặc làm ngơ hoặc thiếu nguồn lực để ngăn chặn. (Ảnh: Ioana Moldovan/Greenpeace Rumani)

Một số mục tiêu của chương trình, như bảo vệ các quần thể chim di cư, khó có thể thực hiện nếu không có cách tiếp cận toàn cầu. Dự thảo kế hoạch kêu gọi EU tăng cường nỗ lực biến đa dạng sinh học thành một phần trung tâm của chính sách ngoại giao, đồng thời kết luận rằng những nỗ lực toàn cầu để giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc “không đủ hiệu quả để ngăn chặn sự mất mát đa dạng sinh học của thế giới”.

Kế hoạch cũng chú ý đến chính sách nông nghiệp chung trị giá 60 tỷ Euro mỗi năm của EU – vốn bị chỉ trích vì góp phần làm tự nhiên suy giảm mạnh – với lời kêu gọi thực hiện canh tác hữu cơ 1/4 đất nông nghiệp vào năm 2030.

Các nhà môi trường cảnh báo mục tiêu hàng đầu của kế hoạch là trồng ít nhất 3 tỷ cây xanh vào năm 2030, vì hoàn toàn tôn trọng các nguyên tắc sinh thái, chỉ nên là một phần nhỏ của giải pháp.

“Trồng cây 3 tỷ cây là một mục tiêu thực sự kì vĩ và trực quan, nhưng trồng thêm cây không phải là thần dược và không phải lúc nào cũng hiệu quả”, Chylarecki nhận định.

Quan trọng hơn là mục tiêu lập bản đồ, giám sát và “bảo vệ nghiêm ngặt” các khu rừng nguyên sinh cuối cùng của EU – tuy vẫn còn ở hầu hết các quốc gia thành viên nhưng bị đe dọa từ hoạt động của con người như khai thác gỗ lậu.

Những khu rừng già này có vai trò như lá chắn tự nhiên chống lại biến đổi khí hậu nhưng đã trở thành mục tiêu của các công ty khai thác gỗ trong khi chính phủ hoặc làm ngơ hoặc thiếu nguồn lực để ngăn chặn.

Bộ trưởng Môi trường Rumani Costel Alexe, người từng phát biểu rằng muốn bảo vệ tốt hơn khu rừng già tại nước mình, thẳng thắn chỉ rõ: “Chúng ta tin rằng một cách tiếp cận tích hợp các cơ chế tài chính thông minh và khía cạnh xã hội là chìa khóa của khung quản trị đa dạng sinh học châu Âu trong tương lai”.

Phó chủ tịch Ủy ban môi trường thuộc Nghị viện châu Âu César Luena đồng ý rằng các mục tiêu năm 2030 “cần phải được pháp luật bảo vệ để mang tính ràng buộc” các quốc gia thành viên.

“Nếu chiến lược mới vẫn chỉ là một tập hợp các ý tưởng, sẽ chẳng có gì xảy ra. Chiến lược có vẻ tham vọng hơn chiến lược trước, nhưng vẫn còn những điểm cần cải thiện”, Luena phân tích.

Thụy Điển và Latvia bị cáo buộc không thực hiện nhiều nội dung trong các chỉ thị của EU về chim và sinh cảnh, Malta bị buộc tội không bảo tồn cá ngừ vây xanh nguy cấp trong khi Pháp, Síp và Litva được cho là đã không đưa tiêu chuẩn ô nhiễm không khí của EU vào luật quốc gia.

Các nhà vận động cũng cho rằng EU nên hỗ trợ vốn cho những chính phủ nghiêm túc trong việc thực hiện các mục tiêu.

Nhà vận động thuộc tổ chức Hòa bình Xanh Ba Lan Marta Grundland chỉ rõ: “Ở cấp độ EU, chúng ta cần một số hình thức kích thích tài chính để thu hút các quốc gia tập trung vào đa dạng sinh học. Ngay bây giờ tôi không thấy đó là ưu tiên của EU hay ưu tiên của quốc gia. Sau khí hậu, đây là mối đe dọa lớn thứ hai mà chúng ta đang phải đối mặt, và tất cả kết nối với nhau. Nếu chúng ta muốn giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, chúng ta cũng nên giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học”.

Nhật Anh (Theo Guardian)