BVR&MT – Trung Quốc còn giấu giếm các thông tin liên quan đến việc xây đập và vận hành đập ở thượng nguồn Mê Kông thì nông dân và ngư dân ở các nước hạ nguồn còn gặp khó trong việc lên kế hoạch ứng phó khô hạn.
Các dòng sông chảy xuôi ở phần lớn châu Á thường bắt đầu từ cao nguyên Tây Tạng trước khi đổ xuống phía đông, phía tây và phía nam. Dòng chảy dốc đứng là điều kiện lý tưởng cho các dự án thủy điện. Và vì Tây Tạng là một phần của Trung Quốc nên các kỹ sư nước này đã tận dụng tối đa tiềm năng đó.
Trung Quốc xây dựng những con đập lớn không chỉ trên các con sông như Hoàng Hà và Dương Tử chảy dọc Trung Quốc đến Thái Bình Dương mà cả những nơi khác như Brahmaputra và Mê Kông, đi qua một số quốc gia khác trên đường ra biển.
Hiện Trung Quốc đã xây dựng 11 đập trên dòng chính (không tính dòng nhánh) và có kế hoạch xây thêm 8 đập nữa trong khi các nước hạ nguồn đã xây 3 đập và dự tính xây thêm 7 đập.
Năm ngoái, hạn hán khiến nước sông xuống thấp đến mức Campuchia phải dừng hoạt động một nhà máy thủy điện lớn. Ngay cả khi lượng mưa ở mức bình thường, dòng chảy thay đổi và phù sa giảm dần khiến xâm nhập mặn vào sâu khu vực đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa của Việt Nam và làm cạn kiệt cá – nguồn cung cấp chất đạm duy nhất cho hàng triệu người nghèo Campuchia.
Trung Quốc từ lâu đã từ chối bất kỳ cam kết chính thức nào hạn chế xây dựng đập hoặc bảo đảm phân bổ lượng nước tối thiểu cho các nước hạ nguồn. Nước này thậm chí không tham gia Ủy hội sông Mê Kông – cơ quan điều phối các nước ven sông giải quyết tranh cãi về chia sẻ nước.
Tuy nhiên, điều đáng ngại là giới lãnh đạo Trung Quốc ngày càng bị mê hoặc bởi các dự án đập lớn và hiếm khi tỏ ra lo lắng cho người dân bị di dời hoặc bị thiệt hại, ngay cả khi nạn nhân là người Trung Quốc. Hiện quốc gia này đang giúp Pakistan xây một số con đập trên sông Ấn và đang cố gắng thuyết phục Myanmar xây một con đập khổng lồ chắn ngang Irrawaddy – dòng sông có các nhánh chảy qua Trung Quốc chỉ một vài cây số.
Nhưng ngay cả khi giới lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục theo đuổi các dự án đập lớn thì họ vẫn có thể làm nhiều hơn nữa để trấn an láng giềng, trong đó chia sẻ dữ liệu về mực nước một cách thường xuyên và không bị gián đoạn là một khởi đầu tốt.
Do tranh chấp về phân chia biên giới vào năm 2017, Trung Quốc đã ngừng cung cấp cho Ấn Độ thông tin về dòng chảy sông Brahmaputra được sử dụng để cảnh báo lũ lụt cho người dân ở hạ nguồn. Phải cần đến một hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai quốc gia thì thông tin mới được thông suốt.
Tương tự, các nước hạ nguồn rất muốn biết khi nào các nhà máy thủy điện của Trung Quốc có kế hoạch giữ lại hoặc xả nước, để nông dân và ngư dân ở hạ du có thời gian chuẩn bị.
Và Trung Quốc sẽ không tổn hại gì với cam kết giảm bớt hạn hán khi có thể, thậm chí thứ họ nhận được còn giá trị hơn nhiều.
Nhật Anh (Theo Economist)