BVR&MT – Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội, một số địa phương đã quyết định cho phép mở cửa trở lại một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ 0 giờ ngày 23/4.
Sáng 23/4, tại một số thành phố, đô thị lớn, sau hơn 20 ngày “ngủ đông”, nhịp sống trở lại hối hả, khi một số trung tâm thương mại, cửa hàng, quán ăn, cà-phê,… đã mở cửa đón khách. Cùng với đó, nhiều hình thức kinh doanh vận tải cũng được phép hoạt động trở lại, tạo động lực giúp “mạch máu” kinh tế của đất nước thông suốt hơn.
Khôi phục nhiều dịch vụ thiết yếu
Đầu giờ sáng 23/4, tuy trời Hà Nội mưa tầm tã, nhưng hai quán phở cạnh nhau ở đầu phố Lê Văn Hưu đã có một ngày đầu tháng tư âm lịch may mắn khi khách vào ăn đông nườm nượp. Bởi đây là những quán phở hiếm hoi ở Thủ đô mở cửa lại được ngay, trong khi nhiều quán khác thông thường có “độ trễ” một ngày. Do thời điểm công bố nới lỏng ngày hôm trước khá muộn, phần lớn các quán hàng ăn sáng không chuẩn bị kịp nguyên liệu cũng như gọi nhân công làm thuê trở lại làm. Theo một số thực khách, trong những ngày giãn cách xã hội, quán phở này vẫn “nhúc nhắc” làm hàng bán cho khách mua đem về, cho nên khi dỡ bỏ lệnh cách ly, mọi thứ đã sẵn sàng để khởi động kinh doanh.
Đối với hàng quán cà-phê, do khâu chuẩn bị đơn giản hơn, hầu hết các quán đều mở cửa từ sớm, sẵn sàng phục vụ. Anh Trần Xuân Diễm, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc điều hành hệ thống cửa hàng cà-phê Kafa chia sẻ, chiều 22/4, khi nhận được thông tin chính quyền thành phố cho phép hoạt động trở lại, bộ máy của Kafa đã vận hành hết tốc lực để chuẩn bị mở cửa trở lại ngay sáng hôm sau. Các bộ phận kho, chế biến của Kafa đã làm việc suốt đêm để chiết cà-phê, chuẩn bị hàng hóa; đội ngũ nhân viên cũng được triệu tập gấp để dọn dẹp, vệ sinh các cửa hàng cũng như mở cửa ngay trong sáng 23/4. Theo anh Diễm, rất nhiều người dân ở Thủ đô có thói quen uống cà-phê hằng ngày, hơn ba tuần qua đã phải “nhịn thèm” nên lượng khách đổ đến các quán trong ngày đầu tiên mở bán khá đông. Trong khi đó, lượng nhân viên Kafa huy động được mới chỉ đạt 50% do nhiều người ở tỉnh xa không về kịp. Mặt khác, thông báo của thành phố vẫn yêu cầu việc giữ cự ly trong quán, sắp xếp chỗ ngồi của khách bảo đảm khoảng cách an toàn, thậm chí có tấm chắn bằng mi-ca hoặc ni-lông để tránh lây nhiễm. Đây là áp lực lớn đối với quán vì nhiều khi khách hàng không chịu ngồi theo sự sắp xếp của nhân viên, trong khi nếu vi phạm, cửa hàng sẽ bị phạt từ 7,5 đến 12,5 triệu đồng. “Quan trọng nhất là phải nhanh chóng quay trở lại hoạt động, có doanh thu để bù đắp cho khoảng thời gian dài bị đình trệ vừa qua”, anh Diễm bộc bạch.
Cũng đang bắt tay chuẩn bị mở cửa kinh doanh trở lại, nhưng anh Long, quản lý chuỗi ba cửa hàng sushi tại Hà Nội cho biết, ngày mở cửa phải phụ thuộc vào tình hình thực tế. Khác với kinh doanh hàng ăn sáng hay cà-phê là thói quen thường nhật của nhiều người dân, việc đi ăn nhà hàng bị hạn chế hơn, chỉ một vài lần trong tháng. Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh hiện nay, lượng khách đến các nhà hàng, nhất là những nhà hàng sang trọng sẽ càng ít hơn. Do đó, trước mắt anh Long dự kiến sẽ duy trì hoạt động bán hàng online như trong thời gian giãn cách, đồng thời xem xét mở dần từng cơ sở nếu thấy tín hiệu tích cực hơn từ thị trường.
Tối muộn 22/4, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành công văn hỏa tốc hướng dẫn các địa phương về phương án tổ chức vận tải, áp dụng từ 0 giờ ngày 23/4. Theo đó, về hàng không, đường bay Hà Nội – TP Hồ Chí Minh và ngược lại, tổng tần suất 20 chuyến khứ hồi/ngày; các đường bay Hà Nội/TP Hồ Chí Minh – Đà Nẵng và ngược lại, tổng tần suất mỗi đường bay sáu chuyến khứ hồi/ngày. Các đường bay khác, mỗi hãng được khai thác một chuyến khứ hồi/ngày/đường bay. Lĩnh vực đường bộ, vận tải khách nội tỉnh do Chủ tịch UBND địa phương quyết định cụ thể; vận tải khách liên tỉnh, tuyến cố định, xe hợp đồng, du lịch,… chỉ hoạt động cao nhất 30 đến 50% theo biểu đồ tùy địa phương. Tuyến đường sắt bắc – nam chỉ khai thác ba đôi tàu khách/ngày; các tuyến khác duy trì mỗi tuyến một đôi tàu khách/ngày,… “Trước khi lên tàu, xe, hành khách được yêu cầu khai báo y tế điện tử (hoặc giấy), kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn, đeo khẩu trang suốt chuyến đi, khuyến khích thông gió tự nhiên trên ta-xi, xe khách…”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn khuyến cáo các đơn vị, địa phương.
Tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, chính quyền Hà Nội đã yêu cầu chủ đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị khai thác bến xe, lái xe chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đối với mọi hoạt động của đơn vị mình. Các hãng ta-xi và ứng dụng gọi xe công nghệ cũng bắt đầu hoạt động trở lại tại Hà Nội ngay trong ngày 23/4 với công suất phương tiện khoảng 20 đến 30% để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quản lý G7 ta-xi Nguyễn Anh Quân cho biết, theo hướng dẫn, G7 ta-xi đã hoạt động trở lại với 30% số lượng phương tiện của hãng. Công ty cũng khuyến cáo các lái xe chở khách tuân thủ các quy định theo hướng dẫn. “Công ty hỗ trợ một phần cho lái xe về khẩu trang, nước sát khuẩn, về phía lái xe cũng tự trang bị các thiết bị sát khuẩn để phòng, chống dịch tốt nhất”, ông Quân thông tin. Tương tự, một số hãng ta-xi khác như Group, Nguyên Minh,… hoạt động trở lại với 30% công suất số xe hiện có và đều bảo đảm các yêu cầu về phòng dịch như yêu cầu của chính quyền. Với ứng dụng gọi xe công nghệ, ứng dụng Grab đã cung cấp trở lại dịch vụ Grabcar, xe doanh nghiệp, xe cho thuê,… trên toàn quốc (trừ TP Hồ Chí Minh); dịch vụ GrabBike (tại Hà Nội) từ ngày 23/4. Các dịch vụ khác như giao đồ ăn, bưu phẩm, đi chợ hộ của Grab tiếp tục hoạt động bình thường. Cũng trong ngày 23/4, ứng dụng gọi xe công nghệ thuần Việt “be” cũng bắt đầu hoạt động trở lại các dịch vụ BeCar, BeBike hay dịch vụ giao hàng, đi chợ trên nền tảng hệ thống của doanh nghiệp tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Quảng Ninh.
Đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, ta-xi hay xe dưới chín chỗ ngồi sử dụng hợp đồng điện tử, TP Hà Nội cho phép hoạt động toàn mạng để bảo đảm kết nối, nhưng tần suất ở mức từ 20 đến 30%. Trong ngày đầu nới lỏng giãn cách hoạt động vận tải ở Hà Nội, theo ghi nhận, cả bốn bến xe lớn: Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát và Gia Lâm đều mở bến đón khách. Ngoài cổng bến, xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ đã hoạt động khá tấp nập. Từ sáng sớm, các đơn vị xe buýt đã khẩn trương bố trí nhân lực, phương tiện kịp thời ra tuyến phục vụ hành khách. Nhằm bảo đảm cự ly, các ghế cách nhau được đánh dấu X hoặc dán giấy ghi rõ: “Vui lòng không ngồi ghế này”. Tuy nhiên, trong ngày đầu, các bến xe Hà Nội rất ít xe khách hoạt động, hành khách cũng khá thưa thớt. Lãnh đạo Bến xe Mỹ Đình cho biết, đến chiều 23/4, tại bến mới có hai tuyến xe đi Lào Cai lăn bánh, các nhà xe khác chưa hoạt động trở lại. Bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát chỉ có xe buýt hoạt động, các tuyến xe khách vẫn tạm ngừng. Theo giải thích của Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành, do mỗi tỉnh có yêu cầu khác nhau, hoặc chưa sắp xếp được lao động, nhiều doanh nghiệp vận tải đang theo dõi tình hình.
Từ ngày 23/4, các hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), Jetstar Pacific Airlines (JPA) và Vietjet Air (VJA) đều đồng loạt tăng tần suất khai thác các đường bay nội địa, từng bước khôi phục cầu nối kinh tế giữa các địa phương. Tổng Giám đốc VNA Dương Trí Thành cho biết, trước mắt hãng khai thác đường bay Hà Nội – TP Hồ Chí Minh với tần suất bốn đến sáu chuyến/ngày, sau ngày 30/4, hãng dự kiến tăng lên 10 đến 13 chuyến/ngày. Bên cạnh đó, VNA tiếp tục duy trì khai thác các đường bay giữa Đà Nẵng và Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với tần suất một chuyến/ngày, sau đó tăng lên hai chuyến/ngày (từ ngày 26 đến 30/4) và dự kiến ba đến năm chuyến/ngày trong giai đoạn tiếp theo. Hãng sẽ tiếp tục theo dõi và điều chỉnh tần suất các đường bay phù hợp tình hình thực tế. Hãng JPA cũng tăng tần suất đường bay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lên hai chuyến/ngày dưới hình thức hợp tác liên danh với VNA. Hành khách mua vé đi trên các chuyến bay liên danh sẽ được hưởng đầy đủ các dịch vụ về hành lý ký gửi miễn cước, suất ăn,… Tương tự, hãng hàng không VJA tăng tần suất khai thác các chuyến bay khứ hồi chở khách Hà Nội – TP Hồ Chí Minh lên sáu chuyến/ngày; tăng tần suất khai thác Hà Nội/TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng lên ba chuyến/ngày và một chuyến khứ hồi/ngày với một số chặng bay nội địa khác. Bên cạnh đó, mỗi ngày VJA còn khai thác khoảng 10 chuyến bay chuyên chở hàng hóa, chở miễn phí các vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 và vận chuyển miễn phí các y sĩ, bác sĩ trong thời gian này.
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh cho biết, từ ngày 23/4, VNR chạy thêm một đôi tàu khách Thống Nhất SE1/SE2 trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, nâng tổng số lên ba đôi/ngày. Đây là đôi tàu có hành trình nhanh và được ưu tiên trên tuyến đường sắt bắc – nam. Đối với tàu địa phương, VNR chạy lại tàu NA1/2 (tuyến Hà Nội – Vinh), áp dụng chính sách giảm giá vé từ 10 đến 30%. Tuyến Hà Nội – Hải Phòng, VNR chạy lại tàu LP5/6 từ ngày 24/4. Nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách, VNR vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như hành khách phải đeo khẩu trang khi vào ga, đi tàu; kiểm tra thân nhiệt trước khi vào ga, lên tàu; kiểm tra, hướng dẫn hành khách khai báo y tế điện tử; vệ sinh khử trùng thường xuyên trong quá trình tàu chạy,…
Có thể thấy, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch ở nước ta đã đạt được những kết quả ban đầu khả quan, song tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường. Khi hoạt động kinh tế từng bước trở lại nhịp độ bình thường, mỗi người dân, tổ chức và chính quyền càng không thể lơ là, chủ quan mà cần tiếp tục thực hiện nghiêm cẩn hơn quy định về phòng, chống dịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội để chúng ta chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế – xã hội. Mỗi người dân càng cần nâng cao ý thức, chủ động biện pháp phòng dịch; hạn chế các hoạt động tập trung đông người, tuân thủ việc đeo khẩu trang, sát khuẩn khi tham gia các hoạt động cộng đồng;… Chỉ có như vậy, bệnh dịch mới nhanh chóng được đẩy lùi hoàn toàn, để cả nước yên tâm tập trung sớm hồi phục các hoạt động kinh tế – xã hội, đưa đất nước phát triển bền vững.