BVR&MT – Hiện tại, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 với 400.549 ca, tiếp đến là Tây Ban Nha với 146.690 ca, Italy với 135.586 ca.
Theo website chuyên về thống kê worldometers.info, tính đến 21 giờ ngày 8/4 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có 1.450.092 người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 83.474 ca tử vong, và 309.321 bệnh nhân đã bình phục.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 với 400.549 ca, tiếp đến là Tây Ban Nha với 146.690 ca, Italy với 135.586 ca. Đức ghi nhận 109.178 và Pháp là 109.069 ca, Trung Quốc hiện ghi nhận 81.802 ca.
Trong khi đó, Italy là nước có ca tử vong cao nhất thế giới với 17.127 người. Tây Ban Nha đứng thứ 2 với 14.555 trường hợp.
Còn tại Việt Nam, đến thời điểm này tại Việt Nam đã có 251 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 126 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, chưa có ca bệnh nào tử vong.
Đức thiết lập “cầu không vận” để nhập thiết bị bảo hộ chống dịch
Chính phủ liên bang đã tổ chức thiết lập “cầu không vận” để vận chuyển các trang thiết bị bảo vệ thiết yếu khẩn cấp từ Trung Quốc sang Đức.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ Y tế Đức dự kiến mỗi ngày gửi 1 máy bay chở khách của hãng hàng không Lufthansa tới Thượng Hải (Shanghai) để chở 25 tấn hàng. Ngoài ra, việc vận chuyển có thể thông qua Bộ Quốc phòng liên bang.
Các biện pháp sẽ được lựa chọn để đáp ứng linh hoạt nhằm lưu thông hàng hóa.
Trước đó, tối 7/4, 8 triệu khẩu trang y tế đã được chuyển từ Thượng Hải đến Müchen, bang Bayern, bằng máy bay của Lufthansa.
Các trang thiết bị bảo vệ dành cho nhân viên y tế như khẩu trang y tế và quần áo bảo hộ hiện đang khan hiếm.
Do đó, Chính phủ Đức đã bắt đầu mua sắm thêm các trang thiết bị bảo hộ từ nước ngoài nhằm phân phối cho các cơ sở y tế, bệnh viện và viện dưỡng lão.
Chủ tịch Hội đồng khoa học châu Âu từ chức
Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu châu Âu (ERC) Mauro Ferrari đã từ chức nhằm phản đối cách Liên minh châu Âu (EU) ứng phó với dịch bệnh.
Ông Ferrari là Chủ tịch ERC từ tháng Một vừa qua.
Phát biểu với tờ The Financial Times, ông bày tỏ “đặc biệt thất vọng” về các ứng phó của EU đối với dịch COVID-19.
Một người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan giám sát ERC, xác nhận ông Ferrari đã từ chức và quyết định này có hiệu lực từ ngày 7/4.
Nam Phi xử lý nghiêm Bộ trưởng vi phạm lệnh phong tỏa toàn quốc
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã tạm đình chỉ chức vụ của Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ kỹ thuật số Stella Ndabeni-Abrahams trong vòng 2 tháng do vi phạm quy định phong tỏa toàn quốc bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phóng viên TTXVN tại Pretoria dẫn thông báo của Văn phòng Tổng thống Nam Phi cho biết Bộ trưởng Ndabeni-Abrahams mới đây đã đến thăm nhà một người bạn và ăn trưa ở đó.
Hành động này vi phạm các quy định phong tỏa toàn quốc 21 ngày có hiệu lực từ ngày 26/3-16/4.
Trong cuộc họp khẩn với Bộ trưởng Ndabeni-Abrahams ngày 7/4, Tổng thống Ramaphosa khẳng định mọi công dân Nam Phi, kể cả các bộ trưởng, “không được đứng trên luật pháp.”
Tổng thống nhấn mạnh hành động của bà Ndabeni-Abrahams đã vi phạm quy định yêu cầu tất cả công dân Nam Phi phải ở nhà, trừ những người hoạt động trong các ngành nghề thiết yếu thuộc danh mục cụ thể.
Do đó, Bộ trưởng Ndabeni-Abrahams phải chịu các hình thức xử phạt giống như bất kỳ cá nhân nào vi phạm lệnh phong tỏa toàn quốc.
Ngoài quyết định tạm đình chỉ chức vụ trong 2 tháng, trong đó một tháng không được trả lương, Tổng thống Ramaphosa cũng yêu cầu Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ kỹ thuật số phải xin lỗi công khai trước toàn dân và khẳng định các thành viên chính phủ (bao gồm cả tổng thống và phó tổng thống) phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao hơn những công dân bình thường.
Tổng thống Ramaphosa cũng đã chỉ định Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Tổng thống Jackson Mthembu điều hành Bộ Truyền thông và công nghệ kỹ thuật số trong 2 tháng tới.
Tunisia: Bị buộc tội ngộ sát nếu làm lây lan dịch bệnh
Bộ Nội vụ Tunisia ngày 7/4 cảnh báo các trường hợp mắc COVID-19 có thể bị buộc tội ngộ sát nếu làm lây lan dịch bệnh cho người khác qua việc không tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế nước này.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Nội vụ Hichem Mechichi nhấn mạnh “Nếu người nào mắc COVID-19 không tự cách ly theo yêu cầu của Bộ Y tế và làm lây bệnh cho người khác, chúng tôi sẽ truy cứu căn cứ theo luật hình sự. Nếu làm lây bệnh dẫn tới chết người, các trường hợp này có thể bị truy tố vì tội ngộ sát.”
Tính đến chiều 8/4, theo trang thống kê worldometers.info, tại Tunisia có tổng cộng 623 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 23 ca tử vong.
Trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan, kể từ 18/3, nước này đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ 18 giờ tối hôm trước tới 6 giờ sáng hôm sau, đồng thời hạn chế việc đi lại của người dân trong ngày bắt đầu từ 22/3. Hơn 1.000 người đã bị bắt giữ do vi phạm các quy định này.