BVR&MT – Với năng lực của một “cường quốc” hàng đầu về xuất khẩu dệt may, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu cao về mặt hàng khẩu trang, thậm chí có thể xuất khẩu mặt hàng này.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã vào cuộc để sản xuất khẩu trang cung ứng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Tuy vậy, để người tiêu dùng có thể mua hàng nhanh chóng, thuận tiện cũng như đảm bảo đúng chất lượng, bênh cạnh việc chủ động sản xuất thì rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ.
Đây là kiến nghị được đưa ra tại buổi họp về “Sản xuất và cung ứng khẩu trang phòng chống dịch,” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 17/3, tại Hà Nội.
Đủ năng lực đáp ứng nhu cầu người dân
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), với năng lực sản xuất khẩu trang hiện nay của các đơn vị thành viên, lượng cung ứng ra thị trường đã được nâng lên đáng kể.
Tính đến ngày 15/3 đã có khoảng 10 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn được phía Vinatex cung ứng ra thị trường, cùng hơn 300 tấn vải do 6 đơn vị sản xuất nguyên liệu vải kháng khuẩn của Tập đoàn cung ứng cho các doanh nghiệp may khẩu trang chống dịch, tương ứng khoảng 16 triệu chiếc khẩu trang.
Ngoài ra, Dệt Kim Đông Phương (một đơn vị thành viên của Vinatex) có năng lực sản xuất lên tới 500.000 mét vải dệt thoi kháng nước, kháng bụi, kháng khuẩn công nghệ nano bạc, chủ động để cung ứng cho các doanh nghiệp khác, tương ứng với 15 triệu chiếc khẩu trang/tháng.
Với sự chuẩn bị trên, lãnh đạo Vinatex khẳng định tập đoàn có đủ năng lực sản xuất khẩu trang kháng khuẩn đáp ứng nhu cầu người dân trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, với nguồn nguyên liệu hoàn toàn chủ động từ trong nước.
Không chỉ Vinatex, nhiều doanh nghiệp khác cũng vào cuộc để chung tay sản xuất khẩu trang, phục vụ thị trường.
Ông Đào Văn Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Dệt lụa Nam Định thông tin thêm: Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã cung ứng ra thị trường khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang kháng khuẩn, được làm bằng công nghệ sinh học từ chính nguồn nguyên liệu trong nước.
Đây sẽ là một nguồn cung quan trọng đáp ứng cho người tiêu dùng ở nhiều địa phương khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Báo cáo của Cục công nghiệp (Bộ Công Thương), cho thấy với năng lực sản xuất của 20 doanh nghiệp trong ngành dệt may, dự kiến đến cuối tháng Ba, lượng khẩu trang cung ứng ra thị trường có thể đạt 57 triệu chiếc.
“Với năng lực như vậy, ngành dệt may trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước phục vụ công tác phòng chống dịch, thậm chí là xuất khẩu,” ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp (Bộ Công Thương) thông tin thêm.
Kết nối, khơi thông thị trường
Có thể thấy, việc chủ động các nguồn cung trong nước đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu kép là “bình ổn thị trường và phòng chống dịch bệnh”.
Đại diện Saigon Coop chia sẻ với trên 800 điểm bán ở khắp cả nước, mỗi ngày hệ thống của doanh nghiệp này đã cung ứng trên 20.000 khẩu trang từ nguồn trong nước với giá không lợi nhuận.
Điều này đã góp phần không nhỏ vào việc đưa hàng đảm bảo chất lượng đến trực tiếp với người dân, cũng như giảm tải cho nhiều doanh nghiệp không có hệ thống phân phối, bán lẻ trực tiếp.
Đây cũng là những băn khoăn của nhiều doanh nghiệp sản xuất khi năng lực đủ nhưng đầu ra về thị trường lại chưa nhiều.
Nói thêm về việc này, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam, cho hay với năng lực của một “cường quốc” hàng đầu về xuất khẩu dệt may, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu cao về mặt hàng khẩu trang, thậm chí có thể xuất khẩu mặt hàng này.
Song theo ông, nhiều doanh nghiệp lo ngại tình trạng dư thừa nguồn cung khẩu trang vải. Vì vậy, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về lãi suất, vốn vay ưu đãi, Nhà nước cần có kế hoạch cụ thể hỗ trợ về đơn hàng để doanh nghiệp chủ động, sẵn sàng có kế hoạch sản xuất và đáp ứng.
“Với thực tế hiện nay cần phải có kết nối giữa nhu cầu và sản xuất… cho nên rất cần sự vào cuộc của không chỉ các doanh nghiệp, các nhà phân phối mà của cả các cơ quan nhà nước, các bộ ngành, đặc biệt nếu Nhà nước có thể sử dụng một phần gói hỗ trợ để đứng ra gánh rủi ro cho doanh nghiệp trong trường hợp sản xuất ra mà hàng tồn kho…,” đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam bày tỏ.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự vào cuộc của các doanh nghiệp dệt may trong thời gian qua trong việc chủ động kết hợp với các nhà phân phối cung ứng khẩu trang đảm bảo tiêu chuẩn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 phục vụ nhu cầu người dân.
Ông đề nghị các doanh nghiệp phân phối tiếp tục làm tốt hơn nữa trong việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu nói chung, mặt hàng khẩu trang nói riêng.
Với kiến nghị của doanh nghiệp, người đứng đầu Bộ Công Thương yêu cầu các cục, vụ chức năng tổng hợp các kiến nghị nêu trên để báo cáo Chính phủ phương án hỗ trợ kịp thời đồng thời xây dựng các phương án cung ứng khẩu trang tại các địa bàn khu dân cư, phát khẩu trang miễn phí cho các đối tượng chính sách…
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định ngoài việc đảm bảo năng lực sản xuất và cung ứng cho thị trường nội địa, doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam hoàn toàn có thể đảm bảo một số lượng khẩu trang lớn cho xuất khẩu vì mục đích nhân đạo.