BVR&MT – Một nghiên cứu của Đại học Hồng Kông mới được công bố trên Tạp chí khoa học Science Advances đã đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của các biện pháp siết chặt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Bằng chứng ADN cho thấy loài cá chính cực kỳ nguy cấp mới đây vẫn bị bày bán tại các cửa hàng ở Hồng Kông, bất chấp lệnh cấm thương mại quốc tế.
Các nhà khoa học ở Hồng Kông nói rằng phát hiện này làm tăng mối lo ngại về quy mô mà các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp xâm nhập vào chuỗi cung ứng.
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi toàn cầu hành động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã.
Dịch virus corona bùng phát, Trung Quốc cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, trong khi đó các chính phủ khắp Đông Nam Á cũng tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác để ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Tiến sĩ Mark Jones thuộc Tổ chức Born Free Foundation là một trong số các chuyên gia quốc tế kêu gọi đưa ra một thỏa thuận toàn cầu mới về tội phạm động vật hoang dã.
Khai thác dưới mọi hình thức đã được xác định là nguyên nhân chính khiến động vật hoang dã và đa dạng sinh học suy giảm, đẩy một triệu loài vào cảnh tuyệt chủng trong những thập kỷ tới, trừ khi chúng ta thay đổi cách tương tác với thế giới tự nhiên.
“Thường thì chúng ta tập trung vào thương mại và buôn lậu động vật hoang dã giữa châu Phi và châu Á nhưng đây là một vấn đề ảnh hưởng đến mọi xó xỉnh trên thế giới, và tình cảnh tồi tệ của cá chình châu Âu mà nạn buôn bán bất hợp pháp đang đe dọa sự tồn tại trong tương lai của loài này là một ví dụ rất tốt”.
Cá chình châu Âu từng phổ biến ở các con sông nhưng hiện đang suy giảm nhanh chóng.
Cuộc di cư hoành tráng của sinh vật này kéo dài từ vùng sinh sản của chúng ở biển Sargasso đến các con sông thuộc châu Âu, Bắc Phi và một phần châu Á. Nhưng vì được coi là đặc sản nên chúng thu hút sự chú ý của các băng đảng tội phạm có tổ chức.
Thương mại quốc tế về cá chình bị cấm theo Công ước CITES, trừ trường hợp được cấp phép.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy cá chình vẫn có mặt tại các cửa hàng Hồng Kông vào năm 2017 và 2018, mặc dù thực tế là không có số liệu nhập khẩu nào được khai báo.
Xét nghiệm ADN các sản phẩm cá chình bày bán tại 49 cửa hàng bán lẻ ở Hồng Kông xác định có tới 45% là cá chình châu Âu. 9/13 cửa hàng bị kiểm nghiệm có bán các loài cực kỳ nguy cấp.
Các nhà khoa học của Đại học Hồng Kông cho biết nghiên cứu của họ dấy lên mối lo ngại về việc thực thi các quy định CITES trong thương mại quốc tế.
Tiến sĩ Jones nhận xét rằng nghiên cứu này “đáng chú ý” và hiện tại không có thỏa thuận pháp lý toàn cầu nào về tội phạm động vật hoang dã. Ngoài ra, mức độ mà các quốc gia ưu tiên và hình sự hóa việc khai thác động vật hoang dã bất hợp pháp cũng “rất khác nhau”.
“Chúng tôi đang kêu gọi xây dựng thỏa thuận quốc tế theo Công ước của Liên hợp quốc về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia để đảm bảo tất cả các nước nhận thức được quy mô, bản chất nghiêm trọng của tội phạm động vật hoang dã và tác động tàn phá của tội phạm này đối với rất nhiều loài, và ưu tiên cho các cơ chế thực thi pháp luật, truy tố và tư pháp”.
Cựu Tổng thư ký CITES John Scanlon nói rằng dù việc giải quyết tội phạm động vật hoang dã trong thập kỷ qua đạt được một số thành tựu đáng kể thì “tội phạm nghiêm trọng liên quan đến môi trường đang bị bỏ lọt lưới” .
Ông John Scanlon cho biết bằng chứng gần đây về quy mô tác động đến các hệ sinh thái, nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng phản ánh sự cần thiết của một chế độ ràng buộc pháp lý toàn diện để giải quyết tội phạm động vật hoang dã gắn với khuôn khổ của luật hình sự quốc tế.
Nhật Anh (Theo BBC)