BVR&MT – Theo các nhà khoa học, thiên tai gia tăng cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Nhằm ứng phó, nhiều nước mới đây đưa ra các cam kết và kế hoạch dài hạn; đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay hành động vì “hành tinh xanh”.
Anh sẽ là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 26) vào tháng 11 tới. Hội nghị COP 26 tại Anh dự kiến kéo dài hai tuần nhằm đánh giá kết quả thực hiện Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu; đồng thời tìm ra các giải pháp chống biến đổi khí hậu. Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn bày tỏ tin tưởng, Hội nghị COP 26 sẽ là cơ hội giúp đạt được bước tiến trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thủ tướng B.Giôn-xơn kêu gọi các bên nỗ lực đạt được cam kết đưa lượng khí thải về mức 0 vào năm 2050, bằng việc đầu tư công nghệ sạch, bảo tồn môi trường sống tự nhiên và các biện pháp cải thiện khả năng phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu.
Khí thải từ nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá… vẫn tiếp tục tăng do nhu cầu sử dụng năng lượng tăng. Bất chấp tình trạng biến đổi khí hậu, nhiều nước phát triển vẫn thúc đẩy đầu tư các dự án nhiên liệu hóa thạch thay vì năng lượng tái tạo, đi ngược lại mục tiêu của Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu. Nhằm hạn chế tình trạng này, Liên hiệp châu Âu (EU) đang xây dựng các quy định cứng rắn hơn đối với phát thải khí CO2. Một số nước châu Âu như Pháp, Na Uy đã công bố các kế hoạch cấm ô-tô sử dụng dầu đi-ê-den và cắt giảm khí thải.
Tại Anh, khoảng 90% số lượng ô-tô hiện được bán sử dụng xăng hoặc dầu đi-ê-den. Bởi vậy, Chính phủ Anh dự kiến cấm bán ô-tô sử dụng xăng, dầu từ năm 2035, sớm hơn 5 năm so kế hoạch trước đó. Cơ quan quản lý thị trường năng lượng Ofgem của Anh cũng lên kế hoạch có 10 triệu xe điện được sử dụng vào năm 2030 và thúc đẩy áp dụng năng lượng tái tạo. Ofgem sẽ hỗ trợ phát triển lưới điện ngoài khơi nhằm tăng gấp bốn lần sản lượng điện gió ngoài khơi trong 10 năm tới và mở một quỹ đầu tư nhằm hỗ trợ các giải pháp chống biến đổi khí hậu.
Chính phủ Ô-xtrây-li-a mới đây tăng nguồn cung khí đốt và năng lượng tái tạo trong khuôn khổ thỏa thuận trị giá 1,4 tỷ USD với chính quyền bang đông dân nhất nước này là Niu Xao Uên, nhằm giảm khí thải các-bon. Theo Thủ tướng Ô-xtrây-li-a X.Mo-ri-xơn, thỏa thuận này sẽ giúp ổn định mạng lưới điện của bang Niu Xao Uên, giảm giá điện và thúc đẩy sản xuất thêm năng lượng tái tạo gồm thủy điện, điện mặt trời và điện gió. Trong bối cảnh Ô-xtrây-li-a đang chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, khí đốt sẽ là yếu tố quan trọng để giảm khí thải của ngành sản xuất điện ở Ô-xtrây-li-a, vốn phụ thuộc 70% vào than đá.
Pháp vừa thông qua luật nhằm đạt mục tiêu tất cả nhựa được tái chế vào năm 2025 và giảm 50% số chai nhựa sử dụng một lần trong 10 năm tới. Theo đó, các nhà hàng tại Pháp sẽ phải ngừng sử dụng túi, hộp nhựa từ năm 2023. Trong khi đó, quỹ hưu trí lớn nhất của Hà Lan là ABP hướng đến mục tiêu giảm lượng khí thải các-bon bằng việc rút vốn đầu tư khỏi các công ty trong lĩnh vực năng lượng gây ô nhiễm. ABP đã đặt mục tiêu cắt giảm khí thải các-bon với các công ty mà quỹ đầu tư từ năm 2015. Theo mục tiêu mới, ABP sẽ đầu tư thêm 5 tỷ USD vào các công ty năng lượng bền vững và giá cả phải chăng trong vòng 5 năm tới, nâng tổng mức đầu tư lên 15 tỷ USD.
Bên cạnh các nỗ lực thích ứng và phục hồi sau những tác động của biến đổi khí hậu, các quốc gia cần sớm thống nhất mục tiêu cắt giảm khí thải các-bon cũng như quản lý các thị trường khí thải hiệu quả. Ngoài ra, các bên cũng cần tăng cường hỗ trợ các nước chịu nhiều tác động từ tình trạng biến đổi khí hậu.