BVR&MT – Cúc Phương là Vườn quốc gia (VQG) đầu tiên được thành lập ở Việt Nam vào năm 1962. Cùng với việc quản lý tài nguyên rừng, hệ sinh thái đá vôi và các nguồn gien động vật, thực vật hoang dã, thời gian qua, VQG Cúc Phương đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã (ĐVHD).
Tăng cường quản lý và phát triển rừng
VQG Cúc Phương có tổng diện tích hơn 22 nghìn ha, trong đó một nửa diện tích nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, phần còn lại thuộc hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình.
Về thực vật, đến nay đã điều tra thống kê, phân loại được khoảng 2.000 loài thực vật thuộc 117 bộ, 260 họ. Về động vật có xương sống đã điều tra, thống kê và phát hiện bảy bộ, 38 họ và 659 loài, trong đó, có nhiều loài thú được xếp vào loài quý hiếm như voọc mông trắng, báo gấm, báo lửa, gấu ngựa… nhiều loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Về động vật không xương sống, đã thống kê được khoảng 1.900 loài và phân loài, thuộc 169 họ, 33 bộ, sáu lớp và ba ngành. Vùng đệm của Vườn hiện có tới hơn 80 nghìn dân của ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa sinh sống, đã tạo áp lực khá lớn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là hoạt động săn bắt ĐVHD. Để không xảy ra những vụ việc xâm hại lớn về rừng, những năm qua, lực lượng kiểm lâm thuộc 13 trạm kiểm lâm của Vườn thường xuyên tăng cường công tác tuần tra bảo vệ, luôn củng cố tổ chức, thực hiện luân chuyển cán bộ; điều động bổ sung lực lượng cho các vùng xung yếu, nhất là khu vực nơi có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua và những nơi được coi là điểm nóng về các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên rừng.
Theo Giám đốc VQG Cúc Phương Nguyễn Văn Chính, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, lực lượng kiểm lâm VQG đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng. Với phương châm bảo vệ rừng tận gốc, Hạt Kiểm lâm VQG đã lập kế hoạch tăng cường tuần tra rừng, tổ chức chốt chặn lưu động 24 giờ mỗi ngày tại các tiểu khu rừng có nguy cơ bị xâm hại cao. Đến nay, lực lượng kiểm lâm đã sử dụng có hiệu quả phần mềm SMART trong công tác tuần tra rừng. Trong năm đã tổ chức 1.351 lần tuần tra, với 1.650 ngày và 299 đêm ngủ tại rừng. Vì vậy rừng tương đối ổn định, hiện trạng rừng được bảo vệ tốt.
Tuy nhiên, nói về những khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay, Phó Giám đốc VQG Cúc Phương Đỗ Văn Lập cho biết, do tình hình kinh tế – xã hội của người dân vùng đệm còn nhiều khó khăn, đặc biệt năm 2019 do biến đổi khí hậu dẫn đến nắng nóng, khô hạn kéo dài, nhất là dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại nặng đến sản xuất nông nghiệp cũng như chăn nuôi, do vậy việc người dân tác động xấu đến rừng là khó tránh khỏi. Các đối tượng thường lợi dụng ngày lễ, Tết, ngày nghỉ, ngày mưa gió để vào rừng khai thác lâm sản cũng như săn bắt động vật rừng trái phép. Đây chính là những khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng hiện nay. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được chú trọng, ngay từ đầu năm Vườn đã xây dựng kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng để triển khai thực hiện. Các phương tiện, công cụ phòng cháy, chữa cháy được trang bị như: Máy bơm nước, dao phát, xô múc nước… đều được chuẩn bị tốt. Khu vực rừng dễ cháy thường xuyên được quan tâm theo dõi, nhất là vào các ngày nắng nóng. Vì thế trong năm qua, trên địa bàn Vườn không có vụ cháy rừng nào xảy ra.
Cứu hộ và bảo tồn nhiều loài ĐVHD
Hiện nay, VQG Cúc Phương đang thực hiện nhiều chương trình, dự án bảo tồn ĐVHD, gồm: Bảo tồn linh trưởng quý hiếm của Việt Nam, bảo tồn các loài thú ăn thịt nhỏ và tê tê, bảo tồn rùa. Năm 2019, Trung tâm tiếp tục chăm sóc 181 cá thể của 15 loài linh trưởng quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam và khu vực Đông Dương. Trong năm đã cứu hộ 17 cá thể, sinh sản 11 cá thể, tái thả 8 cá thể và chết 15 cá thể. Về bảo tồn rùa, VQG cũng đã cứu hộ 185 cá thể rùa của 14 loài, sinh sản 415 cá thể của chín loài, thả về tự nhiên 82 cá thể của ba loài. Về chương trình bảo tồn các loài thú ăn thịt nhỏ và tê tê, hiện tại Trung tâm chăm sóc, nhân nuôi 91 cá thể của tám loài thú ăn thịt nhỏ và tê tê. Trong năm đã tiếp nhận 204 cá thể của sáu loài, gây nuôi sinh sản mới được năm cá thể tê tê.
Cuối tháng 11-2019, Vườn đã tiếp nhận và cứu hộ thành công hai cá thể hổ (Pathera tigris) hơn một tuần tuổi bị những kẻ buôn bán ĐVHD bỏ rơi ở Hà Tĩnh, sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện. Giám đốc Nguyễn Văn Chính cho biết, đây là lần đầu tiên VQG tiếp nhận và nhanh chóng thực hiện cứu hộ thành công hổ non. Bộ phận chuyên môn đã dành những điều kiện tốt nhất để chăm sóc, cứu hộ thành công hai cá thể này. Hổ là loài động vật nguy cấp quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà còn xuất hiện rất ít tại các khu rừng khác trên thế giới. Việc cứu hộ thành công hai cá thể hổ được kỳ vọng góp một phần trong công tác phục hồi các quần thể hổ hoang dã ở Việt Nam trong tương lai.
Về bảo tồn thực vật, VQG Cúc Phương đã xây dựng vườn thực vật từ năm 1985. Tại đây đã sưu tập và gây trồng các loài thực vật quý, hiếm của Cúc Phương và một số loài cây quý, hiếm của Việt Nam. Đến nay, đã sưu tập và bảo tồn được hơn 860 loài cây trên diện tích 167 ha. Các loài cây đều được chăm sóc và theo dõi sinh trưởng để nghiên cứu quá trình phát triển. Nhiều loài có triển vọng tốt có thể nhân rộng cho các chương trình trồng rừng bằng các loài cây bản địa.
Về công tác giáo dục môi trường và dịch vụ, Vườn đã thực hiện tốt công tác tiếp thị tại chỗ, trong năm đã hướng dẫn được 15 nghìn đoàn khách tham quan (trong đó có 14.135 đoàn khách thăm các trung tâm cứu hộ động vật, 865 đoàn khách đi thăm rừng). Bên cạnh đó, công tác giáo dục môi trường cho cộng đồng vùng đệm và tuyên truyền giáo dục cho học sinh cũng được Ban giám đốc Vườn quan tâm thỏa đáng. Năm 2019, đã tổ chức cho hơn 1.000 học sinh và giáo viên các trường phổ thông tham gia trải nghiệm tại Vườn.
Năm 2020 đang đặt ra cho VQG Cúc Phương nhiều nhiệm vụ mới. Cùng với việc phối hợp chính quyền địa phương trong phân định ranh giới, tổ chức bảo vệ nguyên vẹn rừng tự nhiên, lực lượng chuyên trách tiếp tục tăng cường cứu hộ động, thực vật hoang dã, quý, hiếm và nghiên cứu khoa học nhằm quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững.