Hàng loạt mô hình khởi nghiệp độc đáo tại Đồng bằng sông Cửu Long

BVR&MT – Sữa gạo lứt, mộng dừa sấy dẻo, tranh thư pháp trên lá sen khô, bánh xèo nhân củ hũ dứa…. là những sản phẩm độc đáo do những người trẻ tuổi ở ĐBSCL sáng tạo và gây ấn tượng mạnh trên thị trường.

Sản phẩm “Mộng dừa sấy dẻo” độc nhất vô nhị giúp đa dạng hóa sản phẩm chủ lực của Bến Tre, gia tăng thu nhập trong chuỗi cung ứng thành phẩm từ dừa.

Hiện nay, xu hướng thúc đẩy chuỗi giá trị cho sản phẩm từ khai thác đi song song với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên từ các sản phẩm chủ lực của địa phương, gắn với giá trị văn hóa bản địa đang được nhiều tỉnh, thành trong cả nước chú trọng.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa, vựa trái cây lớn nhất cả nước, các mô hình kinh tế, khởi nghiệp độc đáo từ sản phẩm nông nghiệp đang ngày càng xuất hiện nhiều, đặc biệt ở các bạn trẻ.

Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự chuyển dịch từ khai thác nông sản thô sang kết hợp ý tưởng mới với công nghệ hiện đại, nhằm nâng tầm cho hàng nông sản, thu về giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với cách làm truyền thống.

Tại Cần Thơ, bạn trẻ Nguyễn Vương Tường Vân (sinh năm 1993) đã xuất sắc giành Giải nhất trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2018-2019 với giải pháp “Sản xuất sữa gạo lứt hoàn toàn tự nhiên ứng dụng emzyme thủy phân tinh bột.”

Điểm nổi bật của giải pháp chính là quy trình công nghệ thủy phân 2 lần: thủy phân dịch hóa và thủy phân đường hóa bằng emzyme.

Đây là sản phẩm được đánh giá rất tốt cho sức khỏe khi khai thác được giá trị dinh dưỡng cao của gạo lứt, cung cấp hơn 53% năng lượng nhưng lại không làm gia tăng đường và mỡ trong máu.

Do sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 không “không cholesteron, không đường hóa học, không chất bảo quản” nên thích hợp cả cho những người béo phì, người bị tiểu đường, người bị bệnh tim mạch.

Không chỉ được đánh giá cao ở khía cạnh ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng từ hạt gạo lứt, giải pháp của Tường Vân còn thuyết phục các chuyên gia kinh tế ở phần giá trị kinh tế gia tăng, “tinh chế” giúp hạt gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long thoát khỏi tình trạng xuất thô bấp bênh và mất thương hiệu; gia tăng lợi nhuận cho hạt gạo lứt lên 10 lần so với xuất thô.

Tại Bến Tre, người con xứ dừa Võ Đức Anh vừa trình làng sản phẩm “Mộng dừa sấy dẻo” độc nhất vô nhị.

Từ một thứ phẩm gần như không có giá trị trong kinh doanh nạo cùi dừa tại các vựa dừa, chàng sinh viên Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm (Đại học Tiền Giang) đã giúp đa dạng hóa sản phẩm chủ lực của Bến Tre, gia tăng thu nhập trong chuỗi cung ứng thành phẩm từ dừa.

Sản phẩm “Mộng dừa sấy dẻo” độc nhất vô nhị giúp đa dạng hóa sản phẩm chủ lực của Bến Tre, gia tăng thu nhập trong chuỗi cung ứng thành phẩm từ dừa.

Cô Phạm Đỗ Minh Trang, giáo viên trực tiếp hướng dẫn Đức Anh trong quá trình hoàn thiện sản phẩm mộng dừa sấy dẻo, cho biết do nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, cô và trò biết rõ rằng trong thành phần mộng dừa có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng để nuôi mầm cây phát triển.

Cụ thể là chất axit lauric rất tốt cho hệ tim mạch, một số thành phần khác giúp kìm hãm tăng cholesterol xấu, tăng lượng cholesterol tốt cho cơ thể, ngăn ngừa và hạn chế mắc các bệnh về tim mạch.

Mộng dừa còn có tác dụng giúp cho tuyến giáp và các enzim trong cơ thể làm việc tốt hơn, tiêu hóa calo cũng như lượng mỡ trong cơ thể, giúp mau lành vết thương. Tuy vậy, thực tế cho thấy, tại các vựa dừa, mộng dừa hầu hết bị bỏ đi do thời gian bảo quản rất ngắn. Do đó, hai cô trò đã thử nghiệm nhiều lần để cuối cùng cho ra thành phẩm mộng dừa sấy dẻo.

Ban đầu, cô và trò áp dụng phương pháp sấy khô, nhưng thành phẩm bị giòn, xỉn màu và mất độ ngọt béo của mộng dừa. Do đó, hai cô trò đã chuyển hướng sang công nghệ sấy dẻo đối lưu, kết quả được đánh giá khá tốt.

Tại vòng Chung kết Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” năm 2019 do Trường Đại học Tiền Giang tổ chức, dự án “Sản xuất mộng dừa sấy dẻo” của thí sinh Võ Đức Anh đã được Ban Tổ chức đã trao giải Đặc biệt vì những đóng góp trong việc gia tăng giá trị cho cây dừa – cây nông sản chủ lực của tỉnh Bến Tre.

Đồng Tháp, nơi được mệnh danh là “vùng đất sen hồng,” thời gian qua đã chứng kiến rất nhiều dự án khởi nghiệp mới lạ từ cây sen; trong đó, không thể không nhắc đến thầy giáo Trịnh Phi Long (34 tuổi, ngụ tại xã Định Yên, huyện Lấp Vò) với sản phẩm tranh thư pháp trên lá sen sấy khô rất độc đáo.

Nguyên liệu lá sen sấy khô hiện đã khá phổ biến tại Đồng Tháp được ứng dụng trong thủ công mỹ nghệ như trang trí nón lá, làm quạt cầm tay và một số sản phẩm khác.

Khi đến tay thầy giáo mê thư pháp, những chiếc lá sen ấy như được khoác thêm một chiếc áo mới, đầy màu sắc.

Theo thầy Long, viết chữ thư pháp trên lá sen khô khá kỳ công bởi lẽ lá sen có gân nên khi viết phải đòi hỏi một kỹ thuật nhất định và nội dung cần định hình trước.

Chất liệu mực viết chữ cũng phải khác khi thể hiện trên giấy, sao cho không bị phai, lem và phải nổi lên trên nền lá sen.

Hiện dòng tranh thư pháp trên lá sen của thầy Long được bảo hành trong thời gian 3 năm. Mỗi bức tranh thư pháp, tác giả bán ra thị trường với giá khoảng 300.000 đồng trở lên, mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình.

Anh Nguyễn Chí Khanh, Phó Bí thư Huyện đoàn Tam Nông cho biết, dự án khởi nghiệp “Tranh thư pháp trên lá sen khô” của thầy Long giúp tận dụng và gia tăng giá trị cho nguồn nguyên liệu đặc trưng của vùng đất sen hồng Đồng Tháp, tạo việc làm với mức thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.

Dự án khởi nghiệp “Tranh thư pháp trên lá sen khô” đã lọt vào vòng bán kết tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần thứ 4 năm 2018 với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ,” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh-Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.

Nơi mảnh đất nức tiếng với đặc sản “Khóm (dứa) Cầu Đúc,” người dân Hậu Giang bước đầu đa dạng hóa các sản phẩm cho thương hiệu này.

Trước đây, nếu chỉ đơn thuần dừng lại ở trồng cây dứa thu hoạch quả bán cho thương lái, thì ngày nay, các nông hộ từng bước xây dựng mô hình du lịch cộng đồng “Khóm Cầu Đúc,” kết hợp với khai thác và chế biến các sản phẩm mới từ cây dứa.

Chị Trang Kim Nghi (xã Vị Thanh, Hậu Giang) là nhân vật điển hình của phong trào khai thác mở rộng các giá trị của cây dứa, dựa trên tài nguyên bản địa.

Với lợi thế vườn dứa hơn 5ha, chị Nghi đã liên kết cùng các đơn vị du lịch để làm mô hình homestay và farmstay. Theo đó, khách đến ở cùng, đi làm vườn cùng gia đình chị.

Trong ảnh: Bánh xèo nhân củ hũ dứa, một trong những đặc sản được người dân giới thiệu đến du khách.

Ngoài ra, chị cùng người dân trong khu vực còn giới thiệu đến du khách sản phẩm ẩm thực mới độc đáo bánh xèo nhân củ hũ dứa – phần lõi non của thân cây dứa.

Trước đây, người dân đều bỏ đi phần này sau khi thu hoạch quả, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của các đầu bếp xứ Hậu Giang, nguyên liệu tưởng như phế phẩm đã được đặt trên bàn tiệc đãi khách phương xa.

Mùi thơm ngọt đặc trưng của dứa Cầu Đúc, hòa quện cùng sợi thịt lợn xắt nhuyễn và tôm đất bóc vỏ, ăn kèm rau thơm các loại từ vườn nhà đã trở thành món ăn níu chân khách đến, vấn vương khách đi…

Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam – Center for Educational Exchange with Vietnam (CEEVN), nhận xét, những mô hình khởi nghiệp sáng tạo từ sản phẩm nông nghiệp là một trong những giải pháp góp phần đạt được một số mục tiêu phát triển bền vững như giảm nghèo đói, tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững, sử dụng bền vững tài nguyên trên mặt đất và ngăn chặn mất đa dạng sinh học…

Hơn nữa, hành động này cũng sẽ thúc đẩy lan tỏa Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai trên phạm vi toàn quốc, nhằm tạo ra bước đột phá trong thực tiễn sản xuất sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, phát huy lợi thế vùng miền; qua đó, tạo động lực xây dựng nông thôn mới bền vững.

https://baovemoitruong.org.vn/