BVR&MT – Chiều 15/11, tại Hà Nội, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ do đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – Tổ trưởng Tổ Công tác có buổi làm việc với các bộ, cơ quan liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tình hình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và công tác phòng, chống gian lận xuất xứ (GLXX).
Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gần đây có nhiều vụ gian lận thương mại (GLTM), GLXX, do đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phải có giải pháp chấn chỉnh, hạn chế tình trạng này; nghiêm túc xem xét để tăng cường quản lý việc cấp C/O; yêu cầu phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN sản xuất hàng hóa để tiêu thụ tại Việt Nam và xuất khẩu, nhưng vẫn phải bảo đảm không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc cấp C/O để lẩn tránh xuất xứ hàng hóa; ảnh hưởng việc sản xuất, kinh doanh, làm ăn chân chính của các DN, làm ảnh hưởng môi trường đầu tư, thương hiệu, uy tín của Việt Nam.
Cần phát hiện những bất cập về thể chế, chính sách, thực thi công vụ, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo kịp thời nhằm ngăn chặn phòng ngừa hiệu quả các hành vi gian lận. Đây cũng là thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm có giải pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn GLTM, GLXX, chuyển tải bất hợp pháp. Nếu không làm nghiêm, Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển hàng gian lận. Thời gian qua, các cơ quan chức năng cấp C/O cho DN hết sức thuận lợi, nhưng hiện nay, chúng ta cần xem xét lại thể chế, các quy định, nhất là việc cấp C/O gắn với kiểm tra tại cơ sở sản xuất; liên quan cơ chế phối hợp giữa các cơ quan…
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đánh giá, chúng ta đã tạo thuận lợi cho DN trong việc cấp C/O thời gian qua. Tuy nhiên, gần đây, lợi dụng chính sách, nhiều DN nhập khẩu hàng nước ngoài, sau đó gia công, lắp ráp, gắn mác Việt Nam để trục lợi. Do đó nếu không quản lý, làm nghiêm thì ảnh hưởng các DN khác. Nguyên nhân thực trạng này có nhiều, đó là do hành lang pháp lý chưa theo kịp thực tế thị trường, nhất là khi có chiến tranh thương mại giữa các cường quốc; quy định về pháp luật của về xuất xứ chưa đầy đủ, cụ thể, chế tài chưa đủ sức răn đe. Đáng lo ngại là trách nhiệm của các cơ quan ở cơ sở. Nếu buông lỏng trong xác định nguyên liệu, tạo kẽ hở cho hành vi gian lận. Đây là những kẽ hở mà chúng ta cần xem xét lại việc kiểm tra, thực thi của các cơ quan chức năng; nhất là tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất, nguyên liệu đầu vào…, tập trung vào các DN có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến.
Từ đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị nghiêm túc xem xét lại các văn bản pháp luật như các Nghị định, báo cáo Chính phủ các vấn đề bất hợp lý để đề xuất điều chỉnh kịp thời, đặc biệt là quy định nguyên tắc đối với hàng hóa xuất xứ trong nước. Do đó, Bộ Công thương khẩn trương ban hành Thông tư về quy tắc hàng hóa xuất xứ trong nước để xuất khẩu; tăng cường quản lý xuất xứ. Xem xét kết nối hệ thống trao đổi thông tin dữ liệu giữa các cơ quan liên quan qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Các hiệp hội ngành nghề cần khuyến cáo các DN; tăng cường giám sát, bảo vệ thương hiệu Việt Nam, bảo vệ các DN làm ăn chân chính; khuyến khích các hiệp hội phát hiện các vi phạm, gian lận cho cơ quan chức năng; cân nhắc sự tham gia thêm của các hiệp hội ngành hàng trong việc cấp C/O.
Hiện nay, Bộ Công thương chịu trách nhiệm cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu theo các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký với các nước (C/O ưu đãi); VCCI được ủy quyền cấp các loại C/O còn lại. 10 tháng qua, các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi đã cấp hơn 882 nghìn bộ C/O các loại, trị giá hơn 59 tỷ USD, tăng 9% về số lượng hồ sơ và tăng 34% về kim ngạch hàng hóa được cấp C/O ưu đãi so cùng kỳ năm trước. Trong chín tháng đầu năm, tổng lượng cấp C/O của VCCI là 472.742 bộ, tăng 2,36% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó chủ yếu là cấp hai loại C/O mẫu A và B với hơn 96,56%. |