BVR&MT – Vùng Đông Nam Bộ hiện có 311/445 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 69,89%, tăng 35,8% so với cuối năm 2015), trong đó, 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong 10 năm qua, tốc độ gia tăng thu nhập của người dân nông thôn ở vùng Đông Nam Bộ nhanh hơn so với tốc độ gia tăng thu nhập của người dân đô thị, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Vùng Đông Nam Bộ có 18 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, Đồng Nai là tỉnh có 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, gần 100% số xã vùng Đông Nam Bộ có đường giao thông đến huyện, đường trục xã; 98% đường trục thôn được bê tông, nhựa hóa…; Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 vùng Đông Nam Bộ khoảng 51,26 triệu đồng (tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010), cao hơn bình quân cả nước (35,88 triệu đồng).
Cũng theo Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo của Vùng này thấp hơn so với cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều khu vực nông thôn năm 2018 của vùng Đông Nam Bộ còn khoảng 0,3% (giảm 0,5% so với năm 2016), trong đó, TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai áp dụng chuẩn nghèo riêng của địa phương với định mức và yêu cầu cao hơn nhiều so với tiêu chí chung của cả nước.
Đặc biệt, Đồng Nai là địa phương đầu tiên trong vùng và của cả nước đã công nhận 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Dự kiến trong năm nay, tỉnh Đồng Nai công nhận một xã nông thôn mới kiểu mẫu. Qua 10 năm triển khai, tỉnh Đồng Nai đã rút ra được những bài học quan trọng trong huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, đây cũng là kinh nghiệm để các địa phương khác tham khảo. Đó là chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là việc cụ thể hóa kịp thời các cơ chế, chính sách của Trung ương, phù hợp và sát thực tế của địa phương. Tiếp đó là phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động, để mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của Chương trình. Đồng thời phải bố trí sử dụng hiệu quả đối với các nguồn lực như nguồn ngân sách là nguồn vốn dẫn dắt, kích thích huy động đối với nguồn vốn các thành phần kinh tế khác; nguồn vốn tín dụng là nguồn vốn lớn để tập trung phát triển sản xuất; nguồn vốn doanh nghiệp là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; nguồn huy động đóng góp của người dân thực hiện với vai trò, người dân vừa là chủ thể, vừa là người thụ hưởng Chương trình.
Theo định hướng, đối với khu vực Đông Nam Bộ, việc xây dựng nông thôn mới sẽ tiếp tục trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn theo hướng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao – công nghệ sinh học hướng tới nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học để phát triển bền vững. Cơ sở hạ tầng phát triển, kết nối đồng bộ các địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ và với các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để khai thác bền vững các tiềm năng, lợi thế của các vùng miền, đồng thời tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong phát triển.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, việc xây dựng nông thôn mới ở vùng Đông Nam Bộ sẽ phải tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, bám sát quan điểm, mục tiêu của Trung ương để đề ra được Chương trình xây dựng nông thôn mới sau năm 2020 với mục tiêu sát với tình hình thực tế; xác định tiêu chí, nhiệm vụ cụ thể cần tập trung nâng cao chất lượng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và trình độ của đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở ngày càng chuyên nghiệp, để tạo động lực phát triển và quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra đến 2025.
Cụ thể, cần chú trọng đối với cấp tỉnh, phải có ít nhất 4 địa phương trong vùng được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đối với cấp huyện, khu vực Đông Nam Bộ có ít nhất 70% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó mỗi địa phương có ít nhất một đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với cấp xã, khu vực Đông Nam Bộ có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đối với cấp thôn, phải có 100% các thôn/bản thuộc Đề án 1385 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới áp dụng đối với cấp thôn, do các địa phương quy định. Đồng thời, các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước, trường học, trạm tế… phải đảm bảo tính kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.