BVR&MT – Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) nêu rõ, kinh tế phát triển nhưng hàng ngày người dân vẫn phải đối mặt với ô nhiễm, dẫn đến hệ lụy là bệnh tật, suy yếu sức khỏe. Trước vấn nạn trên, đại biểu kiến nghị Thủ tướng cần có giải pháp xử lý như khuyến khích ngành công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải; tăng chế tài xử lý ô nhiễm…
Chiều ngày 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 cũng như kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương 2020.
“Ô nhiễm nguồn nước, không khí xảy ra đáng lo ngại”
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu chỉ ra những bất cập trong quản lý nguồn nước và giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường. Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) nêu hàng loạt sự cố liên quan tới xả thải ra biển, lưu vực sông hàng chục năm qua. Đặc biệt là sự cố dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước cấp cho nhà máy nước ở Hà Nội vừa qua cho thấy công tác quản lý Nhà nước đối với nguồn nước ngọt còn nhiều sơ hở, ẩn chứa nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người dân.
Đại biểu Thái Trường Giang đặt câu hỏi sẽ ra sao nếu vừa rồi, chất gây ô nhiễm không phải là dầu mà là một loại hóa chất độc hại khác? “Đã tới lúc cơ quan chức năng cần nghiêm túc thực hiện quy định của Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Bảo vệ môi trường 2014 và Luật Thủy lợi 2017; triển khai quy hoạch vùng liên quan tới lưu vực sông và có giải pháp kịp thời bảo vệ nguồn nước cung cấp cho người dân. Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành chủ động ngăn chặn việc gây ô nhiễm nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước sạch; rà soát quy hoạch và xây dựng các hồ chứa nước ngọt tại các địa phương”, đại biểu Thái Trường Giang đề xuất.
Cũng đề cập đến vấn đề ô nhiễm, đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) cho hay, theo kết quả khảo sát năm 2018 có tới 74% người dân quan tâm và bức xúc vì ô nhiễm môi trường. Việc đầu tư xử lý nước thải tại các địa phương chưa kịp thời; mới có 12,5% lượng nước thải tại đô thị loại 4 được xử lý; 46,5% địa phương đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; tỷ lệ xả thải trực tiếp cao. Quy định dành 1% chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường chưa được tuân thủ đầy đủ ở nhiều nơi. Ô nhiễm nguồn nước, không khí xảy ra đáng lo ngại, trong khi sự cảnh báo của chính quyền chưa kịp thời, gây lo lắng cho người dân…
Trước thực trạng trên đại biểu đề nghị các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, đánh giá tác động môi trường, kiểm soát việc xả thải; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quy chuẩn về môi trường; quy định cơ chế người xả thải phải trả phí, người gây ô nhiễm môi trường phải bị xử lý hình sự trước pháp luật.
Lo lắng về vấn đề ô nhiễm hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) nêu rõ, kinh tế phát triển nhưng hàng ngày người dân vẫn phải đối mặt với ô nhiễm, dẫn đến hệ lụy là bệnh tật, suy yếu sức khỏe. “Phát triển kinh tế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng sống trong môi trường ô nhiễm từ không khí, nguồn nước, thực phẩm, nghĩa là thở, uống, ăn đều nguy hiểm thì chất lượng cuộc sống có thực sự được nâng cao?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc cũng nêu ví dụ về sự ô nhiễm tại hệ thống sông Bắc Hưng Hải (Hưng Yên) đang diễn ra nghiêm trọng cùng với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa…
Trước vấn nạn trên, đại biểu kiến nghị Thủ tướng có giải pháp xử lý như khuyến khích ngành công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải; tăng chế tài xử lý ô nhiễm; có cơ chế liên kết vùng với vấn đề này.
Đổi giờ học, giờ làm để nâng cao hiệu quả làm việc
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nêu vấn đề đổi giờ học, giờ làm phù hợp hơn ở các đô thị. Đại biểu cho biết hầu hết quốc gia ở châu Á và trên thế giới đều bắt đầu làm việc từ 8h30, nghỉ trưa một tiếng. Trong khi đó, Việt Nam đang dùng khung giờ làm việc của thời kỳ còn là nước nông nghiệp áp vào các đô thị phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch không phù hợp. Ngoài ra, một số doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nước ngoài cũng đã áp dụng giờ làm việc từ 8h30-9h.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Dự thảo Bộ luật Lao động trình ra tại Kỳ họp thứ 8 đã không còn nội dung về giờ học, giờ làm là hợp lý vì việc thống nhất giờ làm việc ở tất cả các cơ quan trên cả nước là không phù hợp khi điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, tác phong làm việc, mức độ hiện đại hóa còn khác nhau ở nhiều địa phương. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều gia đình và cũng chưa có nghiên cứu tác động cụ thể và chưa có đề xuất đổi giờ học khi đổi giờ làm.
Đại biểu cũng nêu thực tế, các thành viên trong gia đình ở đô thị ngày nay ít có thời gian chia sẻ với nhau. Từ sáng sớm cả nhà đã phải vội vã đi học, đi làm, quên dần bữa ăn gia đình truyền thống là một trong những nguyên nhân dẫn đến rạn nứt hôn nhân. Nhiều con em có hành vi bạo lực, trầm cảm có nguyên nhân chính là thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ.
Bởi vậy, theo đại biểu, đổi giờ học, giờ làm không phải chỉ để góp phần giải quyết vấn đề giao thông ở đô thị lớn, mà lớn hơn nhiều là nâng cao hiệu quả làm việc, xây dựng tác phong làm việc công nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ em, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình, góp phần phát triển kinh tế – xã hội theo hướng văn minh hiện đại.
Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo bộ, ngành xem xét thấu đáo quy định các cơ quan hành chính Trung ương và cơ quan hành chính cấp tỉnh làm việc không sớm hơn 8h00 sáng, nghỉ trưa 1 tiếng; chỉ đạo ngành giáo dục có kế hoạch điều chỉnh giờ học đồng bộ với đổi giờ làm.