BVR&MT – Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đề cập đến vấn đề môi trường, nhất là tình hình ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn đã đến mức báo động đỏ. Đại biểu cho rằng, không thể cải tạo không khí bằng các biện pháp đơn lẻ hay xử phạt vi phạm mà cần sự vào cuộc thực sự của cơ quan chức năng.
Chiều ngày 30/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 cũng như kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương 2020.
Ô nhiễm tại các thành phố ở mức báo động đỏ
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nhắc tới vấn đề môi trường, nhất là tình hình ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn đã đến mức báo động đỏ. Nguồn khí thải không chỉ có từ phương tiện giao thông đường bộ mà chiếm 75% là từ nguồn khác.
Theo đại biểu, vừa qua vấn đề nước sạch đã tạo ra hình ảnh rất đặc biệt ở thủ đô Hà Nội như thời bao cấp để người dân đi xếp hàng hứng nước. Sự việc này cho thấy sự quản lý lỏng lẻo trong quản lý nguồn nước, tạo ra nhiều khe hở để những kẻ luồn lách thu lợi trên sức khỏe người dân. Do đó, cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật đã ký với công ty cấp nước cổ phần hóa để bảo đảm cấp nước sạch trên phạm vi cả nước.
Đại biểu cũng đề nghị, cần có sự can thiệp chính sách, sự phối hợp của nhiều ban, ngành địa phương mới có khả năng khắc phục vấn đề này. “Không thể cải tạo không khí bằng các biện pháp đơn lẻ hay xử phạt vi phạm mà cần sự vào cuộc thực sự của cơ quan chức năng. Chúng ta có Quỹ bảo vệ môi trường nhưng hoạt động của Quỹ này vẫn là dấu hỏi lớn cho cử tri. Liệu chúng ta có thể đưa tiêu chí rất cụ thể cải thiện chất lượng môi trường năm sau không xấu hơn năm trước”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết.
Cũng đề cập vấn đề môi trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh, nhiều vụ gây ô nhiễm môi trường như vụ cháy nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông, vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà… cho thấy chính quyền nhiều nơi, trong đó có chính quyền đô thị còn lúng túng, chưa thực thi đầy đủ trách nhiệm với dân.
Từ thực tế đó, đại biểu đặt câu hỏi: Vì sao nhiều vùng ô nhiễm không có biện pháp kiểm tra giám sát để kịp thời xử lý vi phạm và khi xảy ra vụ sự cố không kịp thời thông báo cho người dân để có biện pháp bảo vệ sức khỏe, tính mạng?
Đại biểu cho rằng việc bảo đảm quyền lợi, sức khỏe, tính mạng người dân là vấn đề quan trọng. Bởi vậy, Chính phủ trong thời gian tới cần có biện pháp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tập thể, cá nhân có trách nhiệm để làm thay đổi thực trạng này.
Tập trung vào một số dự án lớn khắp 3 miền
Giải trình trước Quốc hội về vấn đề của ngành, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể tập trung nói về 2 vấn đề chính là hệ thống giao thông tại các vùng miền và các dự án trọng điểm chậm tiến độ.
Theo Bộ trưởng, hiện nay cả nước có 24.500 km đường quốc lộ, gần 2.000 km đường cao tốc, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Đất nước cũng có 22 sân bay, 3.200 km đường biển, trong đó đang tập trung phát triển vận tải ven bờ, 3.200 km đường sắt đi qua nhiều tỉnh. Hệ thống giao thông đã phát triển nhưng so với yêu cầu, giao thông liên vùng còn hạn chế.
Tại miền Bắc, Bộ GTVT sẽ triển khai các trục dọc như cao tốc Hòa Bình – Sơn La, Chi Lăng – Hữu Nghị – Đồng Đăng, Hạ Long – Móng Cái. Các trục liên kết ngang như quốc lộ: 4C, 4D, 209, 37. Với định hướng trên, các trục ngang sẽ kết nối tục dọc tạo ra hệ thống giao thông hoàn thiện.
Tại Đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng cho biết sẽ tập trung phát triển các đường vành đai của Hà Nội và trục kết nối với Hải Phòng để phát huy lợi thế của cảng biển Lạch Huyện. Mục tiêu để dễ dàng đưa hàng hóa ra Lạch Huyện và hoàn thành hệ thống này trong 5-10 năm tới. Bộ trưởng GTVT cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tập trung vào một số dự án lớn khắp 3 miền.
Theo Bộ trưởng, tại miền Trung hiện tại đang có đường sắt Bắc – Nam chạy qua, đường biển dọc miền Trung, quốc lộ 1A đã nâng cấp lên 4 làn xe. “Thời gian tới sẽ có thêm đường cao tốc kết nối từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội và đường Hồ Chí Minh. Với những trục dọc như vậy thì liên kết vùng miền Trung tương đối tốt. Chúng tôi sẽ nghiên cứu các trục ngang, điển hình như nối ven biển với Tây Nguyên”, Bộ trưởng cho biết.
Tại phiên thảo luận, nói về tình hình giao thông tại tỉnh Hà Giang, đại biểu Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang) đề nghị ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo mối liên kết giữa Hà Giang và các tỉnh lân cận, nhằm thu hút nhà đầu tư, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương vùng biên giới. Đồng thời, đại biểu bày tỏ mong muốn Chính phủ đầu tư xây dựng hồ treo với quy mô vừa và nhỏ, giúp đồng bào ổn định sinh hoạt và sản xuất. Dự kiến toàn tỉnh cần khoảng 300 hồ.
Ngoài ra, đại biểu tỉnh Hà Giang cũng đề cập đến vấn đề rà soát bom mìn, quy tập mộ liệt sỹ trên địa bàn nhằm giải phóng đất canh tác, từ đó giảm dần và xóa bỏ thực trạng cư dân tự phát sang làm ăn phía bên kia biên giới.