BVR&MT – Những sinh vật kỳ lạ sống sâu trong những dãy đá vôi Hòn Chông (tỉnh Kiên Giang), một khu vực có tính đa dạng sinh học cao với những dãy núi và hang động đá vôi, hiện đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ hoạt động khai thác đá của các công ty sản xuất xi măng.
Việt Nam là quốc gia sản xuất xi măng lớn nhất ở Đông Nam Á, sở hữu 58 nhà máy xi măng với tổng công suất 91,4 tấn/năm, bỏ xa Indonesia ở vị trí thứ hai với 15 nhà máy với tổng công suất 63,1 tấn/năm.
Đá vôi là loại tài nguyên không thể tái tạo và cũng là nguyên liệu chính trong sản xuất xi măng. Tuy nhiên, trong khi các hoạt động khai thác bùng nổ tại những khu vực đá vôi của Việt Nam, thì các báo cáo đánh giá tác động môi trường gần như không tính đến tính chất sinh thái độc nhất của những vùng đá vôi, hay hậu quả nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học khi khai thác.
Theo Tổ chức Bảo tồn Động thực vật Hoang dã Quốc tế (FFI), các doanh nghiệp sản xuất xi măng đã phá hủy khoảng 42% diện tích núi đá vôi tại Hòn Chông. Đến nay, chỉ còn lại 258 ha của nơi từng là một “quần đảo” rộng 447 ha, với 17 “hòn đảo” là khu vực sinh sống của hàng loạt các sinh vật bản địa, những loài chuyên sống trong hang mà không cần đến thị giác.
Cũng theo báo cáo của FFI, tại những ngọn núi Hòn Chông còn sót lại, có ít nhất 31 loài đang bị đe dọa, trong đó 6 loài có cực kì nguy cấp. Ông Tony Whitten, giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của FFI khẳng định: “không ở đâu khác trên thế giới có mức độ tập trung các loài đang gặp nguy hiểm cao như vậy, khả năng tuyệt chủng trên diện rộng là rất lớn nếu các công ty xi măng tiếp tục hoạt động không kiểm soát”.
Theo lý giải của ông Whitten, môi trường tự nhiên tách biệt và những điều kiện khắc nghiệt trong các hệ sinh thái đá vôi đã mang lại “công thức hoàn hảo” cho tính đa dạng sinh học cao. Không có gì lạ khi một loài nào đó chỉ có thể được tìm thấy trên một ngọn đồi hay trong một hang động duy nhất. Một số động vật sống trong hang trở nên mù hoặc không có cánh, chúng không thể sống sót trong môi trường bên ngoài hang động hoặc trên chính loại đất mà chúng đã tiến hóa lên.
Chẳng hạn, ốc sên ma ở Hòn Chông, thuộc họ ốc sên Macrochlamys đang nguy cấp, chỉ sống trong hai hang động. Khoảng một nửa số loài ốc sên nguyên thủy đã biến mất, số còn lại đang đối mặt với hiểm họa từ các hoạt động khai thác đá. Một loài ốc sên khác được phát hiện vào năm 2015 tại duy nhất một ngọn núi trong khu vực giờ có lẽ đã tuyệt chủng bởi các hoạt động khai thác đá đang diễn ra ở đó. Một ngọn núi khác của Hòn Chông cũng là nơi sinh sống của rất nhiều Voọc bạc Đông Dương, một loài linh trưởng đang trong tình trạng nguy cấp.
Sách đỏ của IUCN đã công bố hơn 30 bản đánh giá về các loài đặc hữu đang bị đe dọa ở Hòn Chông.
Những báo cáo gần đây cho thấy Holcim Việt Nam đang cân nhắc rút khỏi thị trường nội địa do dư thừa đầu ra, và Vinacimex đang có ý định mua lại toàn bộ công ty này. Tuy nhiên, điều này cũng không giúp thay đổi tình trạng ở Hòn Chông. Mặc dù Holcim Việt Nam có phối hợp với IUCN trong một số đề xuất quản lý đa dạng sinh học ở những điểm khai thác đá, bao gồm xây dựng bản đồ phân bổ các loài thực vật và động vật hoang dã đang bị đe dọa, song rất ít hành động có hiệu quả được triển khai giúp các loài thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Chính quyền địa phương đang cân nhắc quyết định thành lập khu bảo tồn thiên nhiên tại 9 trong số 34 ngọn núi, nhưng chỉ một phần tư số loài ở Hòn Chông được hưởng lợi từ việc này. Theo khuyến cáo của nhà sinh vật học Jaap Vermeulen, khu vực bảo tồn cần mở rộng thêm 6 ngọn núi nữa.
Các công ty xi măng tại đây cũng cần chung tay và đưa ra những lựa chọn có thể giúp giảm thiểu thiệt hại. Chẳng hạn, như công ty xi măng Lafarge tại Malaysia đã không khai thác ở một hang động có loài nhện cổ Liphistius kanthan và tắc kè hang động Cyrtodactylus guakanthanensis sinh sống. Holcim Indonesia cũng chấp nhận không khai thác trong phạm vi 200 mét vùng đệm quanh một hang động nằm trong khu vực khai thác của họ.
Thời gian đang cạn dần đối với những cộng đồng sinh thái tuyệt vời bên trong núi đá vôi Hòn Chông và đây có lẽ là một trong những ví dụ tệ hại nhất về hậu quả tuyệt chủng hàng loạt do tác động trực tiếp từ con người.
Ngọc Quỳnh (biên dịch)