BVR&MT – Phát triển lâm nghiệp bền vững vùng nhiệt đới có thể làm giảm đáng kể lượng phát thải carbon, nhưng cơ hội này vẫn chưa được tận dụng triệt để nhằm hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Một nhóm nghiên cứu quốc tế đã phân tích khả năng sản xuất gỗ và giảm phát thải carbon của hai kỹ thuật khai thác trong hơn 40 năm khai thác gỗ chọn lọc, từ đó đề xuất giải pháp hướng tới giải quyết suy thoái rừng – chữ D thứ hai trong chương trình Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng của Liên Hợp Quốc (REDD+). Kết quả nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí Frontiers in Environmental Science.
Suy thoái rừng chỉ sự suy giảm rừng do khai thác gỗ thương mại và lượng phát thải carbon kèm theo. Theo các nhà nghiên cứu, suy thoái rừng rất khó đánh giá vì cây rừng được khai thác có chọn lọc từ những khu rừng rậm rạp và điều này gây trở ngại cho việc theo dõi bằng công nghệ viễn thám. Nhưng có một điều chắc chắn là: khai thác gỗ có chọn lọc đang diễn ra trên phạm vi lớn hơn nhiều so với phá rừng.
Trong giai đoạn 2000-2005, ước tính hoạt động khai thác rừng nhiệt đới ẩm để lại nhiều “dấu chân địa lý” (geographic footprint) gấp ít nhất 20 lần so với phá rừng. Khoảng 500 triệu hecta rừng nhiệt đới đã bị suy thoái chủ yếu do khai thác quá mức. Mặc dù lượng phát thải carbon do suy thoái rừng thường không được báo cáo, các nhà nghiên cứu tin rằng con số này cũng gần tương đương với lượng phát thải từ mất rừng. Phát thải do mất rừng nhiệt đới chiếm 10% tổng lượng phát thải khí nhà kính do hoạt động của con người hàng năm, nhưng tỷ lệ này còn chưa tính đến phát thải từ khai thác cây rừng quá mức. Hoạt động này cũng làm giảm nguồn dự trữ gỗ thương mại, đồng thời tăng nguy cơ cháy và mất rừng.
Một vấn đề thường gặp khác trong quản lý rừng sản xuất nhiệt đới là việc tái khai thác gỗ trước khi cây rừng kịp phục hồi. Nghiên cứu chỉ ra rằng, ngăn chặn tái khai thác sớm có thể giữ lại đến 34% dự trữ carbon của rừng.
Để thực hiện điều đó, nhóm tác giả đề xuất áp dụng biện pháp khai thác gỗ giảm thiểu tác động (reduced-impact logging – RIL) kết hợp với công nghệ chế biến gỗ mới, được gọi là RIL+. Theo nghiên cứu, chuyển đổi từ phương pháp khai thác truyền thống sang RIL có thể giúp đảm bảo sản lượng gỗ mà vẫn duy trì dự trữ carbon của rừng sản xuất nhờ hoạch định khai thác kỹ lưỡng, đội ngũ công nhân được đào tạo bài bản và quá trình khai thác được giám sát cẩn trọng.
Gregory Asner tại Viện nghiên cứu Carnegie (Đại học Standford) cho biết, RIL bao gồm một loạt các bước từ lên kế hoạch đến việc chuẩn bị tại khu vực khai thác, đến khai thác có chiến lược để giảm thiểu những tổn thất không đáng có, và cuối cùng là bảo vệ để khu vực vừa khai thác được phục hồi. Áp dụng kỹ thuật RIL cho rừng sản xuất nhiệt đới có thể giúp giảm 29-50% lượng phát thải ròng từ mất rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khi vẫn cung cấp được 45% nhu cầu gỗ tròn trên toàn thế giới.
Theo nghiên cứu, để áp dụng công nghệ RIL+ với tất cả rừng sản xuất, cần một khoản đầu tư khoảng 2 tỷ USD mỗi năm, chủ yếu là chi phí nhân sự, trang thiết bị để triển khai phương pháp. Bên cạnh đó cũng cần các loại quỹ bổ trợ đảm bảo rằng phương pháp RIL+ được cấp chứng nhận và được thúc đẩy.
Đổi lại, phát triển công nghệ sẽ đem đến nhiều cơ hội gia tăng giá trị sử dụng và độ bền của các sản phẩm từ gỗ. Phương pháp RIL có thể tối đa hóa số sản phẩm thu được từ một lượng gỗ khai thác nhất định, góp phần tăng lượng carbon lưu trữ trong các sản phẩm từ gỗ lâu năm và tránh lãng phí gỗ non.
Để khuyến khích sử dụng công nghệ tiên tiến nhằm tăng lượng carbon lưu trữ trong các sản phẩm từ gỗ, nhóm tác giả đề xuất rằng các hiệp định khí hậu trong tương lai nên bao gồm tín dụng carbon cho các sản phẩm gỗ từ rừng lâu năm trong chương trình thương mại carbon.
Cũng theo nghiên cứu, khoảng 28% tổng diện tích rừng nhiệt đới có thể áp dụng được công nghệ RIL+. RIL+ có thể giúp sản xuất 287 triệu mét khối gỗ xẻ hàng năm trong khi giảm được 50% lượng phát thải carbon từ mất rừng, tăng lượng carbon dự trữ trong gỗ xẻ và ngăn chặn nguy cơ cháy rừng do khai thác bừa bãi.
“Cải thiện công tác quản lý rừng nhiệt đới là yếu tố quan trọng trong chương trình REDD+ thuộc Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu, góp phần đảm bảo nguồn cung ứng sản phẩm gỗ thương mại dài hạn, đảm bảo phúc lợi xã hội và đa dạng sinh học địa phương” – nhóm nghiên cứu khẳng định. GS. Asner hy vọng, công nghệ RIL+ cùng nghiên cứu mới có thể đặt nền tảng cho một bước tiến có lợi trong mối quan hệ bảo tồn rừng – sản xuất gỗ – giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Diệu Linh (biên soạn).