BVR&MT – Trong khuôn khổ “Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” đang diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên Huế, những đại diện đến từ Hà Nội đã có những chia những kinh nghiệm, kết quả đạt được cũng như những tồn tại đang diễn ra ở Thủ đô.
Bài liên quan:
Nhiều mô hình tôn giáo thích ứng với biển đổi khí hậu sẽ được nhân rộng
Chia sẻ tại phiên thảo luận “Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và hành động của chúng ta”, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội nói, Thành phố Hà Nội đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng do ảnh hưởng của chất thải rắn, chất thải công nghiệp, nông nghiệp, nước thải…
Để làm tốt công tác bảo vệ môi trường, huy động mọi người dân tích cực tham gia, trong những năm qua Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với các ngành, các tổ chức thành viên tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường, vận động hướng dẫn tổ chức cho nhân dân nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực về bảo vệ môi trường ở các địa bàn dân cư; tuyên truyền và tôn vinh những mô hình, điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư.
Nhờ những hoạt động sâu sát với thực tế, đến nay tại thành phố Hà Nội 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, vai trò của các tổ chức tôn giáo ngày càng được nâng cao, ý thức cho mọi người dân về bảo vệ môi trường sống, xanh, sạch, đẹp, sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch luôn được thực hiện.
Để công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với Biến đổi khí hậu đạt kết quả tối hơn nữa, bà Dung cho rằng, thời gian tới cần sự phối hợp mạnh mẽ hơn với các ban, ngành thành phố và các cơ sở thờ tự tôn giáo trên địa bàn thành phố, vận động, kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp các nguồn lực vật chất và tinh thần của các tổ chức, tín đồ các tôn giáo tham gia thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại cộng đồng dân cư.
Trình bày tại Hội nghị, Hòa thượng Thích Thanh Huân- Ủy viên thư ký Hội đồng Trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Văn phòng I Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết Chùa Pháp Vân (Hà Nội) là một trong 3 mô hình điểm cấp quốc gia đại diện cho Giáo hội tham gia Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp tham gia BVMT và ứng phó BĐKH cùng lãnh đạo Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo cấp cao của 14 tôn giáo thực hiện đã tổ chức triển khai được nhiều hoạt động với nhiều hình thức, nhằm bảo vệ môi trường và Ứng phó với Biến đổi khí hậu.
Được biết, Chùa Pháp Vân đã thành lập ban điều hành Pháp Vân Xanh hoạt động bảo vệ môi trường và cộng đồng, tổ chức các cuộc ra quân chiến dịch bảo vệ môi trường tại khu dân cư với tiêu chí Xanh- sạch- đẹp từ nhà ra phố. Thành lập câu lạc bộ môi trường xanh cho các đoàn viên thanh niên, sinh viên đến đến từ các trường đại học trên địa bàn TP. Hà Nội…
Ngoài ra, nhà Chùa còn tổ chức các khóa tu, mỗi khóa tu có từ 300 tới hàng nghìn Phật tử và sinh viên các trường đại học tham gia, kết hợp lồng ghép tuyên truyền, vận động tăng ni, phật tử tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng hệ môi trường sinh thái. Thời gian tới chùa Pháp Vân sẽ tiếp tục phát huy các hoạt động đã và đang có kết quả tốt đẹp tới cộng đồng.
Đại diện lãnh đạo Chi cục Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội) cũng tham gia Hội nghị và có những chia sẻ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và thích ứng với Biến đổi khí hậu. Đồng thời cho rằng đây là sự kiện lớn, có nhiều mô hình ở các tỉnh bạn sẽ được nghiên cứu, áp dụng tại Hà Nội trong thời gian tới…
Văn Hoàng