BVR&MT – Ngày 11/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 25/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 07 tỉnh, thành phố
Theo Chỉ thị số 25, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTĐ Bắc Bộ) gồm 07 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Đây là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước; có quy mô kinh tế đứng thứ 2 cả nước, chiếm 35,52% GRDP của 4 vùng KTTĐ, chiếm gần 32% GDP của cả nước, thu ngân sách chiếm trên 31% của cả nước, xuất khẩu hàng năm chiếm 32% của cả nước; cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực.
Từ năm 2017, tất cả các tỉnh, thành phố thuộc Vùng đều có điều tiết về ngân sách trung ương, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách của cả nước. Lũy kế đến hết năm 2018, toàn vùng có 44 khu công nghiệp, 02 khu kinh tế đang hoạt động và thu hút trên 8.444 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 91,061 tỷ USD, bằng 36,16% về số dự án và 26,8% tổng vốn đầu tư đăng ký so với cả nước.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Vùng KTTĐ Bắc Bộ đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: trình độ phát triển kinh tế còn chưa đồng đều giữa các địa phương trong Vùng. Thu ngân sách của một số địa phương còn chưa bền vững, phụ thuộc vào nguồn thu của một số dự án FDI quy mô lớn; việc tổ chức thực hiện định giá theo các phương pháp định giá đất hiện hành còn bất cập, làm ảnh hưởng đến việc tính thu nghĩa vụ tài chính cũng như quyền và lợi ích của người dân…
Xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Vùng KTTĐ Bắc Bộ phát huy các tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố Vùng KTTĐ Bắc Bộ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng KTTĐ Bắc Bộ.
Mục tiêu là vùng KTTĐ Bắc Bộ phải tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước; là tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia, hội nhập và giao thương với khu vực và quốc tế; thực sự trở thành hạt nhân phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Xây dựng vùng KTTĐ Bắc Bộ trở thành một trong hai vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nòng cốt tiên phong trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Vùng KTTĐ Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến 2030.
Đồng thời phát triển mạnh những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, nhất là các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghệ thông tin, du lịch và các ngành dịch vụ khác; gắn với phát triển đô thị thông minh, mang tầm cạnh tranh khu vực, quốc tế. Khai thác tốt hơn các thế mạnh của Vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị quan trọng, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển tổng thể, mang tính hữu cơ, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong Vùng thành một thể thống nhất.
Xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng, ổn định và phù hợp với đặc thù của vùng KTTĐ Bắc Bộ để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, thực hiện sứ mệnh dẫn dắt, tác động lan tỏa đến các vùng khác trong cả nước.
Văn Trì (tổng hợp)