BVR&MT – Với mục tiêu tạo dựng một sân chơi thực sự cho doanh nghiệp (DN) khoa học công nghệ (KH&CN), Hiệp hội DN KH&CN Việt Nam (VST) đã chính thức ra mắt vào ngày 5/10 tại Hà Nội. Đây được coi là một ngày hội của các DN KH&CN.
Hiệp hội DN KH&CN ra đời nhằm tập hợp, tổ chức hỗ trợ các DN hội viên đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản xuất, kinh doanh, đoàn kết tương trợ, kết nối hiệu quả với các nhà khoa học, phát triển công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước theo định hướng chung của Bộ KH&CN.
Hiệp hội chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Nội vụ, Bộ KH&CN (cơ quan bảo trợ) và các Bộ, ngành khác có liên quan về ngành, lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật.
Phát triển thương hiệu của khoa học công nghệ Việt Nam
Phát biểu tại lễ ra mắt và Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam lần thứ nhất, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Hiệp hội ra đời được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển số lượng DN KH&CN. Thông qua đó, hoạt động của Hiệp hội DN KH&CN sẽ trở thành đầu tàu phát triển KH&CN, đặc biệt các công nghệ lõi.
Cũng tại Lễ ra mắt và Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội khẳng định, sự ủng hộ mạnh mẽ và hy vọng rằng, Hiệp hội sẽ là nơi hội tụ của trí tuệ, hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN nói riêng và ngành KH&CN nói chung.
Nhằm phát triển thị trường KH&CN, đặc biệt là DN KH&CN, Chính phủ đã có ban hành một số chính sách khuyến khích như Nghị định 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007, Nghị định 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019, Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 (Chương trình 2075)… nhằm ưu đãi, hỗ trợ như: miễn thuế, giảm thu nhập cá nhân; Miễn giảm tiền thuê đấy, thuê mặt nước; Ưu đãi tín dụng cho DN KH&CN thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh…
Để hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Bộ KH&CN cũng đã có nhiều các chương trình, dự án hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần tham gia thị trường, các hoạt động liên kết và xúc tiến nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại hóa công nghệ rất quan trọng. Hiện nay, những mô hình về tổ chức trung gian đang tạo nên những cơ hội để các nhà đầu tư tìm kiếm các sáng chế, kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa trong mọi lĩnh vực để ứng dụng phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Ông Trần Xuân Đính, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN (Bộ KH&CN), người được giao làm đầu mối phối hợp với một số DN KH&CN lên ý tưởng thành lập Hiệp hội cho biết, công nghệ là nền tảng cho mọi thành công, là thước đo sự phát triển của đất nước nên việc tập hợp DN KH&CN vào một sân chơi chung luôn là trăn trở của lãnh đạo Bộ KH&CN. Điều quan trọng nhất mà sân chơi này hướng tới là xây dựng và phát triển thương hiệu cho nền KH&CN Việt Nam; phát động phong trào người Việt Nam dùng sản phẩm KHCN của Việt Nam.
Hiện cả nước có khoảng 900 ngàn DN hoạt động trên mọi lĩnh vực nhưng số lượng DN được công nhận là DN KH&CN chiếm tỉ lệ rất nhỏ, chỉ 468 DN. Số lượng ít nên hầu hết đều hoạt động độc lập. Chính phủ đã dành nhiều quyền lợi cho DN KH&CN với mục đích phát triển nền KH&CN cho Việt Nam nhưng do số lượng còn khiêm tốn, không có lực lượng hỗ trợ đồng hành nên quyền lợi dành cho DN KH&CN còn chưa được đảm bảo.
Đây chính là lý do thôi thúc lãnh đạo Bộ KH&CN chỉ đạo cho Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN đứng ra, kết hợp với DN KH&CN vận động thành lập ra một tổ chức Hiệp hội cho các DN KH&CN Việt Nam.
Tại lễ ra mắt Hiệp hội doanh nghiệp khoa học công nghệ, ông Hoàng Đức Thảo, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội kỳ vọng: Hiệp hội sẽ nhanh chóng lớn mạnh và khẳng định được vị thế, vai trò dẫn dắt nền khoa học công nghệ ứng dụng nước nhà. Đồng thời, Hiệp hội sẽ là một sân chơi để tất cả các doanh nghiệp khoa học công nghệ có thể hội tụ, thể hiện quyết tâm tạo dựng một thị trường các sản phẩm khoa học công nghệ với hàm lượng chất xám của người Việt, cho người Việt và do người Việt làm chủ.
“Hậu phương” vững chắc của doanh nghiệp khoa học công nghệ
Tính đến nay, Ban vận động thành lập Hiệp hội đã tập hợp được hơn 40 DN cùng chung tay góp sức đứng ra vận động thành lập Hiệp hội DN KH&CN (VST). Với tư cách Trưởng ban vận động thành lập VST, ông Thảo cho biết, Hiệp hội là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các DN KH&N Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN vào thực tiễn cuộc sống.
Ngoài ra, nhiệm vụ quan trọng của Hiệp hội còn là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên Hiệp hội (như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ và hỗ trợ DN hội viên tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước; Tư vấn hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của DN KH&CN…). Đặc biệt, Hiệp hội sẽ hỗ trợ, phối hợp xây dựng cơ chế chính sách liên quan tới DN KH&CN; Tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển lãm, toạ đàm, đối thoại, hỏi đáp chính sách giữa các thành viên của Hiệp hội với Bộ KH&CN cùng các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp và các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác có liên quan.
Ông Hoàng Đức Thảo, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội bày tỏ: “Để đi được đến ngày ra mắt và tiến hành đại hội VST, các DN KH&CN phải cảm ơn Bộ KH&CN rất nhiều. Sự tin tưởng và đồng hành của Bộ đã tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh, niềm tin. Chúng tôi cũng quyết tâm định hướng mọi hoạt động của Hiệp hội sẽ là một sân chơi bình đẳng của các DN KH&CN, là nơi chắp thêm cánh cho những ý tưởng sáng tạo công nghệ, góp phần khẳng định và tỏa sáng trí tuệ Việt, công nghệ Việt trên trường quốc tế”.