BVR&MT – Việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là một chính sách mới, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đồng thời là tiền đề quan trọng cải tạo môi trường và những hệ lụy khác do khai thác khoáng sản gây ra cho địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua ở nhiều địa phương, việc thực hiện tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập.
Theo quy định của Luật Khoáng sản 2010, giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định theo giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) xây dựng, công bố và tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Mỗi loại khoáng sản chỉ áp dụng 1 mức giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…
TS Lê Ái Thụ cho biết, quy định còn nhiều bất cập, tạo sự bất công giữa các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản. Hầu hết trữ lượng khoáng sản của các mỏ trong quá trình thăm dò không được đánh giá kinh tế, tức chưa được xác định hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với 3 cấp trữ lượng là như nhau cho dù mức độ tin cậy về địa chất cũng như mức độ hiệu quả kinh tế là rất khác nhau.
“Tại khoản 2 Điều 77 Luật Khoáng sản 2010 thì tiền cấp quyền được xác định căn cứ vào giá, trữ lượng, chất lượng khoáng sản, loại hoặc nhóm khoáng sản, điều kiện khai thác khoáng sản. Tuy nhiên thực tế nhiều năm qua, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa hiểu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là gì và được hiểu như thế nào. Vì trong luật và các văn bản hướng dẫn đều không giải thích”, ông Thụ nói.
Thực tế triển khai việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại nhiều địa phương còn bất cập. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, bất cập hiện nay là trong phương pháp tính tiền cấp quyền khai thác đó là tính trên cơ sở giá thuế tài nguyên mà loại thuế này lại do từng địa phương quy định. Trong giá này bao gồm nhiều loại chi phí khác như như chi phí thăm dò, xây dựng cơ bản mỏ, lương, khâu hao máy móc…mà các loại chi phí này cao thấp khác nhau tùy doanh nghiệp, tùy từng vùng và có biến động liên tục.
Để tránh tình trạng hiểu chưa thống nhất, hiểu sai về trữ lượng khoáng sản khi tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại nhiều địa phương thời gian qua, Nghị định 158/2016/NĐ-CP mới đây đã giải quyết một cách cơ bản và khá triệt để những tồn tại, bất cập.
Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khoáng sản Việt Nam cho biết, Nghị định đã bổ sung hướng dẫn về trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác đã đươc nêu tại Điều 52 Luật Khoáng sản. Đồng thời nêu rõ, “Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác, xác định trong dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật và được quy định trong Giấy phép khai thác khoáng sản”.
Mặt khác, để tránh tình trạng chia cắt mỏ, Nghị định quy định, khi không huy động hết trữ lượng đã phê duyệt trong khu vực đã thăm dò thì tối thiểu phải huy động 50% trữ lượng (đối với khoáng sản rắn) và tối thiểu 35% tổng lưu lượng đã phê duyệt (đối với nước khoáng, nước nóng).
Ngoài ra, Nghị định 158/2016/NĐ-CP cũng đã bổ sung mới các quy định liên quan đến lấy ý kiến về quy hoạch khoáng sản; lấy ý kiến và trình phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; về thời hạn của Giấy phép khai thác khoáng sản để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn công tác quản lý khoáng sản thời gian qua.
Có thể nói với việc chỉ giữ lại nội dung 7 điều của Nghị định 15/2012/NĐ-CP và bổ sung mới 26 điều, Nghị định 158/2016/NĐ-CP đã giải quyết một cách cơ bản, toàn diện và khá triệt để những tồn tại, bất cập; tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp khi thực hiện Luật Khoáng sản cũng như Nghị định 15/2012/NĐ-CP.
“Sau khi Nghị định có hiệu lực, cùng với các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ liên quan, sẽ tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh và đầy đủ hơn, góp phần tăng cường hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, chấn chỉnh và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khoáng sản thời gian tới”, ông Thanh cho biết.