BVR&MT – Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội vừa tiến hành rà soát các chương trình, đề án, kế hoạch, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2014-2018. Đây là các chương trình, đề án, kế hoạch quan trọng gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô, tạo đà thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, gia tăng giá trị…
Cụ thể, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai 4 chương trình, 3 đề án, 2 kế hoạch và 1 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể: Chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015; Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản thành phố Hà Nội, giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến 2020; Chương trình phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao Hà Nội giai đoạn 2010-2015; Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020; Đề án phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao, giai đoạn 2012 – 2016; Đề án sản xuất và tiêu thụ chè an toàn Hà Nội, giai đoạn 2012- 2016; Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội; Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 3/1/2018 về chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020; dự án chuỗi sản xuất cung cấp thịt gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.
Theo bà Hoàng Thị Hòa – Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết: các chương trình, đề án, kế hoạch, dự án trên đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng miền, giúp cho nền sản xuất nông nghiệp của thành phố phát triển toàn diện theo hướng hiện đại; góp phần đưa tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản thời gian qua đạt 3,34%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 259 triệu đồng/ha/năm…
Tuy nhiên, theo dự báo, xu thế phát triển nông nghiệp an toàn trong thời gian tới của cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng sẽ không tránh khỏi những khó khăn. Từ kết quả thực tiễn thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể khẳng định, chỉ có phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi mới khắc phục được tình trạng bấp bênh, thiếu ổn định và chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.
Đồng thời, công tác quản lý ATTP trong bối cảnh thực phẩm mất an toàn hiện nay mới được triệt để. Do vậy trong tương lai phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết đảm bảo ATTP gắn với quy hoạch, ứng dụng công nghệ cao sẽ là xu thế để hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo ATTP, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tạo sự ổn định bền vững.
Sau khi rà soát, nghiên cứu và từ thực tế sản xuất nông nghiệp của Hà Nội, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã tham mưu với Sở NN&PTNT đề xuất Bộ NN&PTNT, UBND thành phố Hà Nội: Có chính sách trong việc hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cụ thể: Hỗ trợ tổ chức hợp tác liên kết chăn nuôi; hỗ trợ thiết bị cơ giới hóa; hỗ trợ thiết bị bảo quản cho cơ sở tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Cùng với đó, ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố; tạo điều kiện trong việc giao đất lâu dài cho các chủ trang trại, doanh nghiệp lập dự án để thu hút vốn đầu tư phát triển sản xuất, đầu tư sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Thạch Thảo