BVR&MT – Ngày 09/9/2019, tại thành phố Hội An đã diễn ra buổi hội thảo “Phát triển du lịch bền vững Quảng Nam 2019 – Du lịch không rác thải nhựa”. Hội thảo do Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam.
Tham dự hội thảo có ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cùng hơn 200 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng…
Ngành du lịch tỉnh Quảng Nam với hai di sản văn hóa thế giới của nhân loại là đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn trong những năm vừa qua với tốc độ phát triển mạnh của ngành du lịch đã thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan và lưu trú dài ngày; Điều này đã phần nào kéo theo nạn ô nhiễm môi trường từ chất thải sinh hoạt mà đặc biệt là các chất thải bằng nhựa. Theo báo cáo tại hội thảo, hiện nay khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trung bình khoảng 240.000 tấn/năm (660 tấn/ngày) của tỉnh Quảng Nam (riêng thành phố Hội An là 33.598 tấn/năm (92 tấn/ngày) đang là mối lo ngại trong việc quá tải của bãi chứa rác tại thành phố Hội An cũng như ở các địa phương khác của tỉnh Quảng Nam. Trong đó ngành du lịch cũng đã thải ra môi trường một lượng rác thải lớn. Để tiến đến mô hình du lịch xanh, du lịch bền vững không chất thải nhựa, thành phố Hội An cũng như các địa phương khác thuộc tỉnh Quảng Nam đã từng bước xây dựng các giải pháp phù hợp, các phương pháp thu gom rác thải, các cách phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế xả rác thải nhựa ra môi trường.
Buổi hội thảo “Phát triển du lịch bền vững Quảng Nam 2019 – Du lịch không rác thải nhựa” đã thu hút sự quan tâm đông đảo của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại thành phố Hội An cũng như tỉnh Quảng Nam nhằm hướng đến một môi trường du lịch xanh sạch, bền vững và không rác thải nhựa.
Tại hội thảo đã có nhiều tham luận với nội dung bảo vệ môi trường như: các giải pháp nhằm thay thế các sản phẩm phục vụ du khách trong sinh hoạt hàng ngày được sản xuất bằng các vật liệu quen thuộc như nhựa đã được thay thế bằng các vật liệu khác không gây ô nhiễm đến môi trường sống, đất, nước như các vật liệu: tre, gỗ, cói, thủy tinh… Đây là những vật liệu có sẵn trong tự nhiên và khi thải ra môi trường không gây ảnh hưởng, tác hại đến môi trường sống.
Phát biểu tại hội thảo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Tỉnh Quảng Nam với 2 di sản văn hóa của thế giới là đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Trong những năm vừa qua, kể cả những lúc nền kinh tế thế giới gặp lúc khó khăn nhất thì tốc độ phát triển du lịch của tỉnh vẫn luôn giữ ở mức tăng trưởng là 25%. Ông nhấn mạnh: Tuy nhiên để hướng đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch cần có những giải pháp triệt để trong việc bảo vệ môi trường nhằm hướng đến môi trường du lịch xanh, sạch, không rác thải nhựa và thân thiện với môi trường. Để làm được điều này cần có sự đồng hành giữa các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và du khách. Đó là xây dựng ý thức cho khách du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế việc sử dụng và thải rác thải nhựa ra môi trường.
Các dịch vụ lưu trú của khách du lịch trong thời gian tham quan du lịch ở các địa phương thuộc tỉnh Quảng Nam (khách sạn, homestay, resort).. cần tạo môi trường không chất thải nhựa, một môi trường du lịch thân thiện nhằm hướng đến sự phát triển bền vững. Để làm điều này, trước đó ngày 03/5/2019, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch hành động chống rác thải nhựa.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội cho rằng: Những giải pháp bảo vệ môi trường cần phải xuất phát từ những hành động thực tế, những giải pháp căn cơ, giảm thiểu tối đa việc xâm hại môi trường từ chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nhựa. Một trong những thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam đó là yếu tố con người. Con người Việt Nam hiền lành, dễ mến, thân thiện luôn tạo được tình cảm với du khách quốc tế khi đến du lịch ở tỉnh Quảng Nam. Bởi vậy việc “chặt chém” trong giá cả là việc cần và nên tránh để níu chân, tạo thiện cảm với du khách khi đến du lịch tại tỉnh Quảng Nam.
Do đó, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam muốn phát triển bền vững thì cần phát huy những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, sự độc đáo của các di sản văn hóa của nhân loại mà cụ thể là đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn với sự cổ kính và những giá trị cổ của di tích là điểm nhấn đặc biệt thu hút du khách quốc tế muốn đến đây để du lịch trải nghiệm và khám phá.
“Chúng ta tránh việc phải trả giá cho những thành tựu mà mình có được trong ngành du lịch bằng cách này hay cách khác sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường sống, không quan tâm đến việc bảo việc môi trường thì sẽ đến lúc chúng ta thất bại từ thành công của chính mình”. Bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh.
Đồng thời việc chủ động liên kết phối hợp vùng miền giữa các tỉnh, thành, các địa phương ở: Quảng Nam, Huế, và Đà Nẵng để tạo nên sự khác lạ trong bản sắc du lịch, tạo nên sự hấp dẫn trong các tour du lịch của du khách khi đến tham quan giữa các tỉnh thành liền kề nhau với những giá trị bản sắc du lịch hấp dẫn khác nhau.
Buổi hội thảo nhằm hướng đến việc phát triển du lịch bền vững, không rác thải nhựa, đã có nhiều tham luận, góp ý của các đại biểu với nhiều cách làm, các giải pháp hay trong việc xử lý chất thải tại các cơ sở du lịch nhằm hướng đến một ngành du lịch xanh, thân thiện với môi trường và hạn chế chất thải nhựa đã và đang dần được xây dựng hình thành và phát triển tại các khu lưu trú nhà hàng, khách sạn, khu resort nghỉ dưỡng ở Hội An.
Hồng Sơn