BVR&MT – Hiện nay, có khoảng 465.000 cá thể voi còn lại trong tự nhiên ở châu Phi và châu Á.
Theo WWF, quần thể voi ở khu vực Nam Phi đang tăng nhưng số lượng voi vẫn tiếp tục giảm ở Trung và Đông Phi cũng như ở châu Á.
Chỉ còn châu Phi và châu Á là những lục địa có voi sinh sống. Loài động vật có vú khổng lồ đã không hiện diện ở Bắc Mỹ trong hàng ngàn năm nay, vì thế ở Mỹ không có voi hoang dã.
Earthday.org ước tính có tới 10 triệu cá thể voi ở châu Phi vào năm 1930 nhưng trong những thập kỷ gần đây, tốc độ suy giảm voi tăng nhanh.
Một số nhà bảo tồn tin rằng có tới 38.000 cá thể voi bị săn trộm mỗi năm. Với đà đó, voi châu Phi sẽ tuyệt chủng sau khoảng 15 – 20 năm nữa.
Cũng theo Earthday.org, chỉ còn 2.500 cá thể voi Sumatra còn sót lại trên hành tinh và được WWF coi là thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp. Voi Sumatra cũng nằm trong Sách Đỏ của IUCN.
Trong tự nhiên, voi không là con mồi của động vật ăn thịt nào. Tuy nhiên, các hoạt động của con người như săn trộm và xâm lấn sinh cảnh đã làm suy giảm quần thể voi.
Biến đổi khí hậu do con người đang góp phần gây ra hạn hán, có thể dẫn tới tình trạng thiếu lương thực.
Hạn hán cũng tàn phá mùa giao phối của voi, điều đó có nghĩa là ít voi con được sinh ra hơn. Hệ quả là voi đang mất dần sinh cảnh tự nhiên và trở nên nguy cấp.
Các nhà bảo tồn ước tính mỗi ngày những kẻ săn trộm giết 100 con voi để lấy ngà và da – thứ được sử dụng làm thuốc. Những kẻ săn trộm hoàn toàn phớt lờ các hiệp ước và thỏa thuận như Hiệp định năm 2015 giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm cấm hầu như cấm xuất nhập khẩu ngà voi. Tình trạng săn trộm vẫn tiếp diễn ở các nước Đông Nam Á như Lào, Myanmar và Thái Lan – nước có biểu tượng quốc gia là voi.
Tổ chức David Sheldrick Wildlife Trust đã công bố một nghiên cứu cho thấy một con voi sống đủ vòng đời 60-70 năm sẽ có giá trị gấp 76 lần ngà voi mà những kẻ săn trộm giết chết chúng để lấy.
Một số quốc gia phát triển nhanh nhất hiện ở châu Phi và châu Á, và con người vẫn đang xâm lấn sinh cảnh của voi ở những khu vực đó bằng cách chuyển đổi rừng và xavan thành đất trồng trọt và đồng cỏ. Theo WWF, sinh cảnh của voi châu Phi đã bị thu hẹp 50% kể từ năm 1979, còn voi châu Á bị giới hạn chỉ trong phạm vi tương đương 15% diện tích di cư ban đầu.
Nhật Anh (Theo 247wallst)