BVR&MT – Liên hiệp châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G-SPG) lớn thứ tư của Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những thị trường chính cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Do đó, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được thực hiện sẽ mang lại nhiều lợi ích, đồng thời cũng đặt ra những thách thức cho DN ngành công nghiệp gỗ trong nước.
Nhiều cơ hội mới
Năm 2018, xuất khẩu G-SPG sang EU đạt 759,07 triệu USD, tăng 3% so với năm 2017. Trong đó, Anh là quốc gia nhập khẩu G-SPG từ Việt Nam lớn nhất trong khối, đạt 289 triệu USD (chiếm 36,2% tổng kim ngạch xuất khẩu vào EU); tiếp đó là Pháp đạt 130 triệu USD và Ðức đạt 107 triệu USD. Mặt khác, EU cũng là một trong những thị trường chính cung cấp gỗ nguyên liệu cho Việt Nam. Năm 2018, các doanh nghiệp gỗ trong nước nhập khẩu 246,47 triệu USD G-SPG từ EU, tăng 5% so với năm 2017. Với các loại chủ yếu là gỗ sồi, tần bì, dẻ gai, óc chó,… Gỗ nhập khẩu từ EU được đánh giá có mức độ rủi ro thấp, là nguồn cung hợp pháp lớn thứ hai sau thị trường Mỹ trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới sử dụng nguồn nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
EVFTA là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) toàn diện thế hệ mới và cũng là FTA đầu tiên của EU với một quốc gia có mức thu nhập trung bình như Việt Nam. Với những cam kết về ưu đãi thuế quan ở mức cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết, EVFTA sẽ là “cú huých” rất lớn cho xuất khẩu nông, lâm sản của Việt Nam, trong đó có ngành gỗ. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền cho biết: Với EVFTA, ngành chế biến gỗ sẽ được hưởng thuế suất 0% cho ít nhất 90 sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam. Do đó, khi hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của DN Việt Nam vào thị trường EU kỳ vọng sẽ tăng trong các năm tới. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU đạt từ 700 đến 750 triệu USD/năm, các năm tới sẽ phấn đấu đạt một tỷ USD/năm.
Bà Ðỗ Thị Bạch Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Woodland – một DN trong ngành gỗ chia sẻ, trong năm 2019 và các năm tiếp theo, triển vọng phát triển ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn nhờ sự tác động của EVFTA và Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT). Tới đây, hầu hết các sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ và nội thất xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ được hưởng mức thuế 0% khi EVFTA có hiệu lực. Cam kết của Hiệp định sẽ có nhiều ưu đãi cho các DN gỗ của Việt Nam và góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU.
Gỡ “nút thắt” nguyên liệu
Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, hàng hóa nhập khẩu từ EU cũng tạo ra sức ép không nhỏ buộc DN trong nước phải nỗ lực cải thiện năng lực của mình. Cụ thể, sức ép cạnh tranh khi thị trường Việt Nam mở cửa vừa là động lực, nhưng cũng là khó khăn rất lớn bởi các DN thuộc EU đều có lợi thế hơn hẳn DN Việt Nam về quy mô, năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường và khả năng tận dụng các FTA. Mặt khác, để hưởng các ưu đãi thuế quan trong EVFTA là không hề đơn giản vì yêu cầu về quy tắc xuất xứ của hiệp định này có thể khó đáp ứng. Theo đó, thông thường hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan trong các FTA thì nguyên liệu phải đáp ứng được tỷ lệ nhất định về hàm lượng nội khối.
Không những vậy, với EVFTA, các DN gỗ Việt Nam phải bảo đảm sử dụng gỗ nguyên liệu 100% hợp pháp (bao gồm cả gỗ nhập khẩu và gỗ trong nước). Nhu cầu gỗ nguyên liệu sẽ ngày càng lớn, việc tìm kiếm các nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp sẽ rất khó khăn trong một vài năm tới. Thêm nữa, EU là một thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, dù có được hưởng lợi về thuế quan thì hàng hóa Việt Nam cũng phải cải thiện rất nhiều về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản này. Các DN gỗ Việt Nam cũng cần có một nguồn kinh phí lớn để đầu tư chiều sâu và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm để đủ sức đáp ứng yêu cầu đặt ra cũng như cạnh tranh với các quốc gia khác xuất khẩu sản phẩm gỗ vào EU.
Thực tế hiện nay, “nút thắt” lớn nhất đối với ngành công nghiệp gỗ Việt Nam chính là nguyên liệu. Theo đánh giá của GS, TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường đại học Lâm nghiệp, phần lớn nguồn nguyên liệu gỗ hiện nay phải nhập khẩu do Chính phủ không cho phép khai thác gỗ rừng tự nhiên. Ðể giải quyết vấn đề này, các DN gỗ cần nâng cao công tác dự báo nhu cầu nguyên liệu; cần rà soát nguồn nguyên liệu gỗ trong nước, từ đó có chính sách cụ thể trong việc trồng rừng, khai thác, xuất khẩu gỗ thô và sử dụng triệt để nguyên liệu gỗ trong nước. Bên cạnh đó, các DN gỗ Việt Nam phải có ý thức tự vươn lên, khắc phục những hạn chế nội tại trong các lĩnh vực quản trị DN, đào tạo kỹ năng lao động, đẩy mạnh mô hình liên kết giữa DN chế biến gỗ với DN trồng rừng, nâng cao tính cộng đồng và trách nhiệm xã hội.
Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần quan tâm và hỗ trợ cộng đồng DN gỗ Việt Nam tập trung nguồn lực để đổi mới công nghệ, nhất là có kế hoạch cụ thể để triển khai khâu thiết kế sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam. Về chính sách quản lý vĩ mô, Nhà nước cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc thực hiện EVFTA ngay trong năm nay để giúp cộng đồng DN có căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Với cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, EU sẽ xóa bỏ thuế quan ngay sau khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Trong vòng bảy năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. |