BVR&MT – Hồ Thác Bà là 1 trong 3 hồ nhân tạo lớn nhất cả nước, được hình thành năm 1971 với diện tích mặt nước hơn 19.000 ha.
Ngoài sông Chảy, hồ Thác Bà còn có ngòi Hành, ngòi Cát… đổ về cung cấp nước, tăng lượng phù sa và các loài sinh vật phù du, rất thuận lợi cho việc nuôi cá nước ngọt. Đây là tiềm năng, lợi thế vô cùng to lớn để huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái – địa phương quản lý hơn ¾ diện tích mặt hồ – phát triển nuôi trồng thủy sản.
Mặc dù nghề nuôi cá ở hồ Thác Bà đã và đang hình thành theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nhưng cho đến trước năm 2019, huyện Yên Bình vẫn chưa có doanh nghiệp liên kết với người dân để đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm ổn định; chưa có nhà máy chế biến thức ăn nuôi cá và chế biến thủy sản… Đây là những thách thức lớn đặt ra cho huyện Yên Bình cần sớm tìm lời giải.
Xây dựng dự án chuỗi liên kết giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 – 2020, huyện Yên Bình đã mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lồng với quy mô lớn, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước hồ Thác Bà để nuôi trồng thủy sản.
Do vậy, đến tháng 6/2019, trên địa bàn huyện đã có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 11 tổ hợp tác, cùng với trên 300 hộ dân nuôi cá lồng, nuôi cá quây lưới trên hồ Thác Bà; ngoài ra có khoảng 15% dân số ở 20 xã, thị trấn ven hồ sinh sống chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản từ hồ.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình, có hai hình thức nuôi cá ở hồ Thác Bà là nuôi cá trong lồng và nuôi cá trong eo ngách (dùng lưới chắn các eo ngách của hồ để nuôi cá) với 10 loại cá chính, trong đó: trắm cỏ, rô phi vằn, nheo Mỹ, trắm đen, diêu hồng có sản lượng lớn và được nuôi phổ biến hơn cả.
Để thúc đẩy kinh tế vùng hồ Thác Bà phát triển, tỉnh Yên Bái đã có chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nuôi cá lồng có thể tích trên 100m3/lồng với định mức kinh phí hỗ trợ: 10 triệu đồng/lồng cho cá nhân; 5 triệu đồng/lồng cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi cá lồng với quy mô từ 30 lồng trở lên; và hỗ trợ 20.000đồng/m2 lưới để quây lưới nuôi cá ở các eo ngách trên hồ Thác Bà.
Theo đó, trong năm 2019, huyện Yên Bình được tỉnh hỗ trợ đầu tư mới 700 lồng nuôi cá và duyệt kinh phí hỗ trợ trên 6,7 tỷ đồng cho Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cá nuôi hồ Thác Bà do Công ty cổ phần nghiên cứu dịch vụ công nghệ T&T triển khai thực hiện trong 2 năm (2019 – 2020), với quy mô 205 lồng cá, 346 tấn/năm (gồm: rô phi 224 tấn, diêu hồng 48 tấn, trắm đen 42 tấn).
Được biết, ngay từ đầu năm 2018, huyện đã xây dựng dự án phát triển thủy sản theo chuỗi liên kết giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm, chế biến sâu để xuất khẩu sản phẩm cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng sang thị trường Mỹ, châu Âu, châu Phi… trong thời gian tới; nhằm từng bước tháo gỡ bài toán phát triển nuôi trồng thủy sản, đưa tỷ trọng thủy sản chiếm hơn 20% cơ cấu nông – lâm nghiệp của huyện (tăng hơn 2 lần so với trước năm 2015).
Trước đó, Phòng NN&PTNT huyện Yên Bình đã triển khai kỹ thuật nuôi cá nheo trong lồng trên hồ Thác Bà tại xã Vĩnh Kiên; xây dựng mô hình nuôi cá bằng cách quây lưới trên eo, ngách hồ Thác Bà…
Nhờ vậy, số lượng lồng nuôi cá, diện tích mặt nước quây lưới nuôi cá và tổng sản lượng thủy sản của huyện đều tăng lên nhanh chóng: Năm 2018, với 1.345 lồng nuôi cá và trên 230 ha diện tích mặt nước quây lưới nuôi cá, tổng sản lượng thủy sản của huyện đạt 7.520 tấn, cao hơn năm 2016 là 4.000 tấn. Đến tháng 6/2019, số lồng nuôi cá đạt 1.750/1.545 lồng, bằng 113,26 % kế hoạch năm; diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản là 950/950 ha, bằng 100 % kế hoạch năm; sản lượng khai thác thủy sản (đánh bắt thủy sản tự nhiên trên hồ Thác Bà và đánh bắt từ nuôi trồng) ước đạt: 4.400/8.000 tấn, bằng 55 % kế hoạch năm.
Xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận “Cá hồ Thác Bà”
Trước thực trạng cá nước ngọt được nuôi ở các ao, đầm, hồ vùng đồng bằng, vùng đông dân cư có nguồn nước nhiều ô nhiễm không đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, thì việc lựa chọn sản phẩm cá được nuôi ở các hồ chứa miền núi, thưa thớt dân cư, có nguồn nước trong sạch là một giải pháp hiệu quả để nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.
Cá hồ Thác Bà được nuôi trong môi trường rộng lớn, nước trong sạch, nên được người tiêu dùng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận ưa chuộng, mở ra cơ hội lớn để huyện Yên Bình đầu tư phát triển nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà một cách lâu dài, bền vững.
Năm 2018, phòng NN&PTNT huyện Yên Bình đã chủ trì dự án: Xác lập quyền đối với Nhãn hiệu chứng nhận “Cá hồ Thác Bà” cho sản phẩm cá hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái. Qua đó, nâng cao nhận thức cho người nuôi trồng thủy sản trong việc ứng dụng công nghệ mới, tăng năng suất và chất lượng, phòng ngừa bệnh dịch, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đặc biệt là các bãi cá đẻ tự nhiên, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường; đồng thời, đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng, bảo vệ Nhãn hiệu sản phẩm “Cá hồ Thác Bà”, làm cầu nối phát triển thị trường, cải thiện đời sống thu nhập cho chính đông đảo bà con ven hồ.
Được biết, Nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Cá hồ Thác Bà” đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định để cấp văn bằng. UBND huyện Yên Bình đã có kế hoạch đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà theo hướng mở rộng quy mô lồng nuôi các loài cá được bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận, phục vụ cho chế biến xuất khẩu, làm gia tăng giá trị cho sản phẩm “Cá hồ Thác Bà”.
Bước đầu, đơn vị chủ trì xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận “Cá hồ Thác Bà” ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số siêu thị, công ty, cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và các địa phương lân cận. Hiện nay, Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản và thủy sản an toàn Việt Nam (UCA) đã hợp tác với đơn vị chủ trì để trưng bày sản phẩm cá hồ Thác Bà tại các cửa hàng UCAmart tại TP Hà Nội, Lào Cai, Việt Trì…
Ông Lã Tuấn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Bình, chia sẻ: Trong tháng 8/2019, UBND huyện sẽ tổ chức Hội thảo về chuỗi liên kết giá trị sản phẩm “Cá hồ Thác Bà” gắn với tiêu thụ, nhằm đưa Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cá hồ Thác Bà và Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Cá hồ Thác Bà” phát huy hiệu quả; khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con nuôi trồng thủy sản tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất VietGAP.