BVR&MT – Bà Nà Hills không chỉ trở thành hình ảnh của du lịch Đà Nẵng, tạo nên thương hiệu du lịch Đà Nẵng mà còn mở ra hướng đi mới cho du lịch Việt.
“Tour mồi” cho du lịch Việt
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó chủ tịch Công ty CP du lịch Việt Nam Vitour, cho biết nhiều công ty lữ hành xác định Bà Nà Hills là sản phẩm chính, “tour mồi” để tạo dựng thương hiệu với khách về Đà Nẵng.
“Bà Nà Hills không chỉ trở thành hình ảnh của du lịch Đà Nẵng, tạo nên thương hiệu du lịch Đà Nẵng mà còn mở ra hướng đi mới cho du lịch Việt. Từ đây, rất nhiều địa phương như Quảng Ninh, Nha Trang, Phú Quốc cũng đã thay đổi cách làm, mở rộng thu hút đầu tư tư nhân, xây dựng điểm đến bài bản, đầy đủ mọi dịch vụ để giữ chân và tăng chi tiêu của du khách”, ông Tùng cho biết. Tuy nhiên, ông khẳng định Bà Nà Hills vẫn tạo ra lực hút rất lớn nhờ sự khác biệt, đảm bảo kết hợp giữa thiên nhiên – công nghệ hiện đại và sự sáng tạo, làm mới mỗi ngày.
Thực tế, hiếm có một khu vui chơi giải trí mà hội đủ cả phong cảnh hữu tình, chốn tâm linh, thưởng thức âm nhạc và nhiều trò chơi mạo hiểm hiện đại của quốc tế như tại Bà Nà Hills. Có Bà Nà Hills, nhiều du khách quốc tế biết đến Đà Nẵng – trung tâm kinh tế du lịch thương mại của miền Trung VN – nhiều hơn. Với “hiện tượng Cầu Vàng”, trong Lễ kỷ niệm 10 năm vận hành chuyến cáp treo đầu tiên Bà Nà – Suối Mơ của Tập đoàn SunGroup tổ chức vào ngày 25.3 vừa qua, ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, phải thừa nhận là cứ 3 khách quốc tế đến Đà Nẵng, 2 khách yêu cầu được lên Cầu Vàng ở Bà Nà Hills. Nhưng không dừng ở đó, ông Nguyễn Lâm An, Giám đốc Khu du lịch Bà Nà Hills, cho biết sau chiếc cầu Vàng, sắp tới đây, Bà Nà Hills sẽ khai trương thêm cầu đi bộ trên không, nhà hát với sức chứa 2.000 chỗ ngồi… Liên tục đổi mới, liên tục sáng tạo đã làm nên sự khác biệt, làm nên thành công vượt trội cho một khu du lịch được đầu tư bài bản các hạng mục “đa trong một” như Bà Nà Hills.
Thực tế, du lịch Việt Nam vẫn theo mô típ khai thác tận cùng những gì có sẵn từ thiên nhiên, di sản hoặc đơn giản là những di tích lịch sử. Không nói đâu xa, khách đến Huế bao năm nay chỉ biết thăm các đền đài lăng tẩm, tối về đi thuyền trên sông Hương nghe ca Huế. Nếu ở lại thêm tối thứ 2, không biết đi đâu làm gì để… giết thời gian. Tất nhiên, cơ hội tiêu tiền tại đây cũng khá hạn hẹp. Kế đó, khách đến Quảng Bình, sau khi đi thăm hang động rồi tối chỉ biết ngủ hoặc chạy vào Huế, Hội An.
Ngay cả TP. HCM – trung tâm kinh tế thương mại du lịch của cả nước nhưng bao năm qua du khách đến đây cũng chỉ có một hành trình quen thuộc: Ra nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP chụp hình, ngắm kiến trúc. Ngày đi địa đạo Củ Chi hoặc về Cần Giờ. Tối dạo chợ đêm Bến Thành để mua toàn hàng lưu niệm của… Trung Quốc. Cả 8 tiếng buổi đêm hầu như bỏ trống không biết làm gì ngoài về… ngủ. Đó là chưa kể với lối làm du lịch bằng những gì có sẵn, không ít điểm du lịch trong nước đang trong tình trạng xả rác bề bộn, nghẽn cả suối, kín cả lối đi.
Làm du lịch phải có sức lan tỏa
Nhận xét về cách làm du lịch dựa tài nguyên có sẵn của Việt Nam, ông Tannaka Ichiro, chuyên gia du lịch người Nhật làm việc tại Đà Nẵng, nhận định: Không thể khai thác thiên nhiên mãi để làm du lịch được mà phải đưa những công nghệ giải trí hiện đại của thế giới vào, đầu tư bài bản để có sản phẩm du lịch cho riêng mình và có thể cạnh tranh tốt với những quốc gia láng giềng.
TS Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội, cho rằng du lịch Đà Nẵng thành công nhờ vào những “con sếu đầu đàn” là các tập đoàn kinh tế tư nhân. Du lịch Việt Nam sẽ khởi sắc nếu có những “con sếu đầu đàn”. Không có nhà đầu tư tư nhân, Đà Nẵng không có các resort ven biển đạt chuẩn 5 sao như Furama, Intercontinental, các khu du lịch Bà Nà Hills, Sun World Danang Wonders…
Thế nên, theo ông Lịch, để có một nền công nghiệp không khói bền vững, phải hội đủ 4 nhóm sản phẩm: nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, ẩm thực và quà lưu niệm. Các địa phương đang “thất bại” trong nỗ lực phát triển du lịch vì thiếu nhiều trong 4 nhóm đó. Đa số toàn tập trung phát triển khách sạn, resort mà không chú tâm đến phát triển sản phẩm vui chơi giải trí cho du khách.
Dẫn chứng hàng loạt công viên nước được xây dựng tại TP. HCM, Cần Thơ… chưa được bao lâu đã “giải tán”, chuyên gia này cho rằng, sản phẩm vui chơi quá đơn điệu là “cái tội rất lớn” của ngành du lịch. “Đơn điệu, nhàm chán, chỉ tập trung phát triển khách sạn… Ai đến một nơi du lịch chỉ để ăn ngủ thôi? Mà ăn cũng không nên hồn bởi nhiều địa phương để xảy ra tình trạng “chặt chém” khách mà không kiểm soát được như tại Nha Trang, hoặc ẩm thực không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Rất nhiều câu chuyện đáng mổ xẻ đối với ngành du lịch Việt”, TS Trần Du Lịch kết luận.
Theo TS Trần Du Lịch, chính quyền phải làm trước, phải có chiến lược, sau đó tư nhân mới tham gia. Lấy ví dụ như lễ hội pháo hoa quốc tế đã trở thành thương hiệu riêng của Đà Nẵng. Trước đây, chính quyền TP này đã đứng ra tổ chức lễ hội bắn pháo hoa, nhưng thời gian rất ngắn. Sau chính tập đoàn SunGroup bắt tay cùng thành phố, tổ chức lễ hội pháo hoa quốc tế được kéo dài cả tháng.
“Hoạt động này thu hút lượng lớn khách quốc tế đổ về Đà Nẵng, theo đó các địa phương lân cận như Quảng Nam, Huế đều được hưởng lợi theo. Thế nên, theo tôi, làm du lịch theo kiểu tạo điểm nhấn sẽ có sức lan tỏa ra một vùng. Ví dụ muốn phát triển du lịch miền Tây, phải có điểm nhấn tại Cần Thơ như cách làm của Đà Nẵng, hoặc muốn phát triển du lịch vùng Tây Bắc phải có điểm nhấn tại Sa Pa, Lào Cai… Điểm nhấn tại một thành phố trung tâm, tạo nên độ “nóng” cho du lịch cả vùng”, TS Lịch nói.
Ban PV