Mối đe dọa rửa riền từ buôn lậu động vật hoang dã

BVR&MT – Dù chứa đựng mọi đặc điểm của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nhưng buôn lậu động vật hoang dã tiếp tục được nhìn nhận là nằm ngoài các “tội phạm chính thống”.

Theo Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), buôn lậu động vật hoang dã thường gắn chặt với các hình thức tội phạm nghiêm trọng khác như lừa đảo, tham nhũng và rửa tiền, mỗi năm tạo ra khoảng 20 tỷ USD và là lĩnh vực kinh doanh phạm pháp có lợi nhuận cao thứ tư sau ma túy, vũ khí và buôn người.

Tuy nhiên, các kỹ thuật tiên tiến thường được sử dụng để điều tra tội phạm khác như lừa đảo và buôn người hiếm khi được sử dụng để điều tra về buôn lậu động vật hoang dã.

Cảnh sát Indonesia trải hai tấm da hổ Sumatra non tại một cuộc họp báo ở Banda Aceh (Ảnh: Chaideer Mahyuddin/AFP).

Được coi là nguồn dược phẩm hoặc là biểu tượng giàu có, buôn lậu động vật hoang dã đang lan tràn khắp ASEAN và cần phải nhìn nhận vấn nạn này là một tội phạm tài chính để có thể tiến hành các cuộc điều tra và thực thi pháp luật phù hợp nhằm truy tố những kẻ buôn lậu vì tội rửa tiền.

Mối đe dọa rửa tiền không nhỏ

“Lợi nhuận từ buôn lậu động vật hoang dã có thể coi là tiền phạm pháp, còn chuyển tiền bất hợp pháp vào hệ thống tài chính thì là rửa tiền”, Tim Phillipps, người đứng đầu Mạng lưới tội phạm tài chính APAC và Phụ trách lĩnh vực phân tích tư pháp tại Đông Nam Á thuộc Công ty kiểm toán Deloitte, chỉ ra.

“Số lượng thanh toán trong chuỗi cung ứng là rất đáng kể và sẽ đòi hỏi các quỹ bất hợp pháp này chuyển qua chuyển lại giữa các cơ sở tài chính hợp pháp, khiến tội phạm động vật hoang dã trở thành một mối đe dọa rửa tiền đáng kể”.

Phillipps giải thích rằng để hợp pháp hóa tiền bất hợp pháp, những kẻ buôn lậu động vật hoang dã sẽ tận dụng các hệ thống tài chính chính thức thông qua ngân hàng, đổi tiền và thị trường tiền mã hóa, còn bản chất xuyên quốc gia của buôn bán động vật hoang dã có nghĩa là các tổ chức tội phạm có tổ chức có thể để tiền tại nhiều địa điểm quá cảnh có các công ty thương mại, vận tải hoặc kinh doanh du lịch.

Kampanart Chaiyamart, một trong những trùm buôn lậu động vật hoang dã khét tiếng nhất khu vực, đã sử dụng mạng lưới rộng khắp để vận chuyển tê tê sống, đười ươi, ngà voi và các động vật quý hiếm khác từ miền nam Thái Lan đến Trung Quốc.

Chaiyamart bị bắt vào tháng 12/2017, Văn phòng phòng chống rửa tiền Thái Lan (AMLO) phát hiện ra rằng y đã rửa 1,18 tỷ baht (tương đương 35 triệu USD theo thời giá 2014) từ năm 2011 đến 2014 bằng cách sử dụng 28 tài khoản và kết nối riêng biệt ở Thái Lan, Việt Nam, Lào và Malaysia để chuyển tiền thông qua nhiều giao dịch tiền mặt.

Tại Malaysia, khoản tiền phạt kỷ lục 372.000 USD được tuyên cho hai người Việt Nam bị kết án sở hữu bất hợp pháp 141 bộ phận động vật nguy cấp vào ngày 15/5 đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử nước này tội phạm động vật hoang dã bị phạt hơn 239.000 USD.

Trong khi ca ngợi tiền phạt là một biện pháp ngăn chặn những kẻ buôn lậu và săn trộm trong tương lai, Mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC chỉ ra rằng những người có thể trả mức tiền phạt như vậy thì sau đó phải bị điều tra thêm về tội rửa tiền.

Thách thức trong điều tra và truy tố tội phạm ĐVHD

Trong khi một số quốc gia ASEAN đã xác định tội phạm động vật hoang dã là một tội phạm nghiêm trọng theo luật chống rửa tiền quốc gia, TRAFFIC nhấn mạnh rằng đây là một vấn đề cần được chính phủ và các định chế tài chính xem xét kỹ lưỡng hơn.

“Nhận thức được rằng đây là một tội phạm nghiêm trọng là bước đầu tiên, nhưng các cuộc điều tra tiếp theo phải được tiến hành để chứng minh rằng chúng ta nói là làm”, Elizabeth John, Cán bộ truyền thông cao cấp tại TRAFFIC Đông Nam Á, nói.

Một số quốc gia Đông Nam Á đang làm tốt việc điều tra và truy tố tội phạm động vật hoang dã – và đã bắt đầu để mắt tới các luồng tài chính bất hợp pháp bắt nguồn từ tội phạm động vật hoang dã – những nước khác vẫn khá chật vật để đưa một vụ án tội phạm động vật hoang dã ra tòa và kết án thành công.

John cho biết nguyên do bao gồm luật pháp còn nhiều sơ hở, mức tiền phạt và hình phạt thấp, năng lực điều tra kém, thiếu công tố viên chuyên trách để quản lý các vụ án và hệ thống tư pháp không coi tội phạm động vật hoang dã là tội phạm nghiêm trọng mặc dù nó được phân loại như vậy.

Để chống lại nạn buôn lậu động vật hoang dã, Phillipps tin rằng phải có sự theo đuổi toàn cầu nhanh chóng hơn và phối hợp tốt hơn giữa các nhà quản lý, thực thi pháp luật và các tổ chức tài chính để giải quyết vấn đề bằng cách tiếp cận chống rửa tiền.

Mặc dù rất khó để theo dõi sự thay đổi của tội phạm động vật hoang dã, có thể sử dụng dấu chân kỹ thuật số của một người để theo dõi và phá vỡ dòng tiền. Phân tích các mô hình tiền tệ đáng ngờ và giám sát các giao dịch như tài chính thương mại và hoạt động vận chuyển cũng sẽ giúp gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Như Phillipps đã nói: “Chốt lại, cũng là theo dấu dòng tiền”.

Nhật Anh (Theo The Asean Post)

CHIA SẺ