BVR&MT – Cuối tháng 5/2019, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường có mặt tại xã Phù Khê (Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) để điều tra về tình trạng buôn bán ngà voi trái phép tại đây.
Sau nhiều giờ vào vai người muốn mua trang sức bằng ngà voi để dò hỏi thông tin từ các cửa hàng nội thất cũng như đồ trang trí từ gỗ, trầm hương, phóng viên may mắn được một phụ nữ bán nước dẫn đường.
“Ở khu vực này chỉ bán đồ thật, không ai bán đồ giả đâu. Nếu muốn mua thì tôi dẫn đi, tầm vài triệu thì một chiếc vòng đeo tay loại nhỏ. Tùy kích cỡ sẽ có giá khác nhau”, người phụ nữ tên N cho biết và dẫn nhóm đến một cửa hàng có tên Tâm Anh, thuộc thôn Thượng, xã Phù Khê. Ngoài cửa hàng bày bán vài bộ bàn ghế, các mặt hàng làm từ trầm, gỗ sưa đỏ tỏa ra mùi hương thơm phức.
Sau khi vào cửa hàng, N gọi một cô gái trẻ tên H. khoảng hơn 20 tuổi trong cửa hàng ra nói: “Có khách quen muốn tìm mua trang sức ngà voi, em dẫn họ vào xem đi”. Do có người quen dẫn đường nên H không hề nghi ngờ gì mà lập tức dẫn chúng tôi vào một căn phòng nhỏ để xem các sản phẩm chế tác từ ngà voi.
Căn phòng rộng chừng 8m² vừa đủ đặt cái tủ đựng trang sức từ ngà voi và một chiếc giường ngủ với một lối đi vào duy nhất. Tại đây, H. mở ổ khóa và kéo cửa kính để chúng tôi dễ dàng quan sát và lựa chọn.
– Tất cả các sản phẩm này đều làm từ ngà voi nhập ngoại và bảo đảm về chất lượng.
Để khẳng định đây là ngà voi thật, H dùng đèn pin soi vào từng món trang sức và bảo chúng tôi quan sát: “Khi rọi đèn pin vào nhà mà nó hiện lên màu hồng như này là đồ thật”.
Nói xong, H. chỉ cho chúng tôi thấy từng đường vân nổi trên trang sức và đưa lên cao ném xuống nền gạch hoa phát ra tiếng động lớn. H nói: “Nếu đồ giả thì nó đã vỡ rồi, vì ngà thật nên rất cứng. Mua mà không phải ngà xịn thì cứ trả lại đây”.
Chúng tôi quan sát trong tủ kính thấy rất nhiều sản phẩm từ nhẫn đến vòng tay, vòng cổ, mặt dây chuyền, lược, đũa, nhiều đồ trang trí tinh sảo khác bằng ngà.
Theo lời giới thiệu của H, giá của từng loại sẽ được tính theo trọng lượng và mức độ điêu khắc của món trang sức. Cụ thể, vòng đeo tay có giá từ 1,2 đến 10 triệu đồng tùy loại, mặt dây chuyền từ vài trăm đến vài triệu, lược ngà có giá 3 triệu đồng, 2 triệu đồng/đôi đũa, tượng tạc bằng ngà voi bán với giá 40 triệu đồng/kg… rẻ nhất là nhẫn ngà bán với giá khoảng 200 nghìn đồng.
“Nếu mua lần này mà ưng ý thì lần sau cần mua nữa cứ nhắn qua, em sẽ gửi hình ảnh mẫu mã qua zalo để chọn, các anh chị cứ chuyển khoản, sau đó em gửi xe khách về, tầm 2 đến 3 ngày là đến các tỉnh thành phía Nam, sau đó ra bến xe mình đọc số điện thoại sẽ có hàng”, H. khẳng định.
Bắt giữ các đối tượng buôn bán ngà voi
Với những thông tin, hình ảnh, video có được, nhóm phóng viên đã phối hợp với Cục cảnh sát Phòng chống Tội phạm về Môi trường (C05) để tiến hành trinh sát, củng cố hồ sơ để làm căn cứ tiến hành bắt giữ các đối tượng buôn bán các sản phẩm từ ngà voi.
Qua đó phát hiện tại cơ sở kinh doanh đồ mỹ nghệ Tâm Anh, địa chỉ ở thôn Thượng, xã Phù Khê đang bày bán 5 vòng ngà voi cùng các sản phẩm lâm sản khác.
Sau khi lực lượng chức năng thuyết phục, chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Tâm Anh đã tự nguyện giao nộp toàn bộ các sản phẩm chế tác từ ngà voi như vòng tay, vòng cổ, vật trang trí chế tác với nhiều kích thước khác nhau. Tổng khối lượng các sản phẩm nghi là ngà voi là 6kg đã được thu giữ và niêm phong.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở đồ mỹ nghệ Tâm Anh không xuất trình được hồ sơ giấy tờ liên quan đến nguồn gốc các sản phẩm trên. Bà khai nhận mua số sản phẩm trên từ những người không quen biết đến rao bán tại cửa hàng.
Hiện đoàn kiểm tra đã bàn giao Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu – Công an thị xã Từ Sơn toàn bộ tang vật cùng đối tượng để điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo báo cáo Tình trạng buôn bán ngà voi trái phép ở Việt Nam là mối đe dọa với loài voi ở Châu Phi của tổ chức Save the Elephants, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có nạn buôn bán ngà voi trái phép diễn ra nghiêm trọng nhất trên thế giới. Trong số các quốc gia Châu Á có buôn bán ngà voi, số lượng thợ chạm khắc ở Việt Nam đã gia tăng lên đáng kể về số lượng và các sản phẩm từ ngà voi đang được sản xuất với tốc độ lớn nhất kể từ năm 2008. Báo cáo tổng kết tình hình vi phạm pháp luật về động vật hoang dã ở Việt Nam từ năm 2013 – 2017 của WCS cho thấy, giai đoạn từ tháng 01/2013 đến 12/2017, tổng trọng lượng ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD bị các cơ quan thực thi pháp luật phát hiện, bắt giữ là hơn 41 tấn, trong số này, khối lượng ngà voi chiếm số lượng lớn nhất với 23,55%, tương đương với 9.732/41.328 kg. |
Nhóm phóng viên