BVR&MT – Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5/2019 ước tính tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, năm tháng đầu năm 2019, sản xuất công nghiệp của cả nước đạt mức tăng khá nhờ kết quả sản xuất tích cực của ngành chế biến, chế tạo; ngành sản xuất, phân phối điện và cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải.
Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng chung của toàn ngành với chỉ số sản xuất tháng Năm tăng cao nhất 5 năm qua.
Bên cạnh đó, đáng chú ý là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học tháng Năm bắt đầu phục hồi sau hai tháng liên tiếp tăng trưởng âm.
Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5/2019 ước tính tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành khai khoáng giảm 1,5%; ngành chế biến, chế tạo tăng 11,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 11%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,4%.
Tính chung năm tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10,3% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,4% và 6,6% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017.
Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê, cho biết trong toàn ngành công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,9% so với cùng kỳ; trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển. Tiếp đến là ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,3%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,9%.
Riêng kết quả hoạt động của ngành khai khoáng lại giảm 0,1% so với cùng kỳ; cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng là từng bước giảm thiểu hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản để dự trữ, phục vụ cho nhu cầu lâu dài.
Trong các ngành công nghiệp, một số ngành có chỉ số sản xuất năm tháng đầu năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp, đó là sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 84%; sản xuất kim loại tăng 40%; khai thác quặng kim loại tăng gần 15%; sản xuất xe có động cơ tăng 14%…
Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm là sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 3% (cùng kỳ năm trước tăng 18%); sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 2,6%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm từ giảm 1,4-4%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm tháng đầu năm nay có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước như xăng, dầu tăng 74,7%; sắt, thép thô tăng 66,2%; tivi tăng 34,2%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 26,2%; ôtô tăng 17,1%.
Tuy nhiên, bên cạnh đó có một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm như thuốc lá điếu tăng 2,6%; sữa bột tăng 2,5%; khí đốt thiên nhiên dạng khí, dầu thô; khai thác đường kính; linh kiện điện thoại giảm từ 0,2-17,9%.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra trong năm tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng so với cùng kỳ năm trước; trong đó Thanh Hóa tiếp tục dẫn đầu với mức tăng 44,8% do Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới đi vào sản xuất từ giữa năm 2018; Trà Vinh tăng 37,8% do Công ty Nhiệt điện Duyên hải tăng sản lượng điện sản xuất; Hà Tĩnh tăng 32,8% chủ yếu do đóng góp của Tập đoàn Formosa.
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm tháng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như Hải Phòng tăng 23%; Quảng Ninh tăng 13%; Vĩnh Phúc tăng 12%; Hải Dương tăng 9%; Thái Nguyên tăng 7,9%; Đồng Nai tăng 7,8%; Hà Nội tăng 7,2%; Bình Dương tăng 7%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,6%; Cần Thơ tăng 6,3%…
Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước là: Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 0,1% do khai thác dầu thô tiếp tục giảm; Bắc Ninh giảm 9,5% do sản xuất sản phẩm linh kiện điện thoại giảm mạnh; Gia Lai giảm 11,3% do sản xuất đường ngừng vụ sớm hơn mọi năm và sản xuất điện giảm.